1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đề xuất lao động nữ sinh con đi làm sớm không phải đóng BHXH

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Cán bộ công đoàn kiến nghị tăng số lần được nghỉ khám thai trong thời gian mang thai, không phải đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản.

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây, nhiều cán bộ công đoàn các doanh nghiệp lớn ở TPHCM kiến nghị cần tăng thêm quyền lợi thai sản cho lao động nữ.

Theo đại diện công đoàn công ty IonLine, chế độ thai sản hiện nay cho phép lao động nữ nghỉ việc 5 lần để đi khám thai trong thai kỳ là không đủ.

Chị nói: "Là người mẹ có 2 con, tôi biết rõ mỗi tháng thai phụ phải đi khám thai một lần, chưa kể tháng cuối thai kỳ thì 2 lần. Như vậy, bình quân mỗi thai kỳ lao động nữ mang thai phải đi khám 9 lần nhưng chế độ thai sản chỉ hỗ trợ 5 lần".

Do đó, đại diện công đoàn công ty IonLine đề nghị tăng số lần được nghỉ khám thai trong thai kỳ cho lao động nữ.

Đề xuất lao động nữ sinh con đi làm sớm không phải đóng BHXH - 1

Công đoàn đề nghị tăng quyền lợi thai sản cho lao động nữ (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, đồng tình với đề xuất trên. Theo ông, đề nghị tăng số lần đi khám thai được hưởng chế độ thai sản lên 9 lần là phù hợp, bởi vì thai kỳ rất dài.

Ông Dũng Hà nói: "Tiền hỗ trợ là một phần, nó còn liên quan đến thiên chức làm mẹ của lao động nữ. Do đó, tôi đồng tình là nên tăng số lần đi khám thai để hưởng thai sản".

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn lao động TPHCM, cũng chung ý kiến và ông đề nghị nên tăng số lần nghỉ khám thai trong thai kỳ lên 9-10 lần.

Ngoài ra, ông Triều còn đề nghị xem xét lại quy định lao động nữ trở lại làm việc sớm khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản phải đóng bảo hiểm xã hội.

Đề xuất lao động nữ sinh con đi làm sớm không phải đóng BHXH - 2

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng.

Tuy nhiên, khi lao động nữ sinh con đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ được thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

Theo đó, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì kể từ thời điểm đi làm, lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc (BHXH, bảo hiểm y tế…) cho người lao động.

Ông Trần Văn Triều cho rằng: "Người ta khó khăn quá thì họ mới không dám nghỉ hết thời gian thai sản, đi làm sớm 1-2 tháng. Họ đi làm vì nghèo quá mà còn bắt đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian này là không phù hợp. Như người hưu trí họ đi làm, có hợp đồng lao động nhưng có đóng bảo hiểm xã hội đâu".