Bóng đá Nga nhận án phạt cực nặng của FIFA:

Cách đây 100 năm, người ta dùng bóng đá để hàn gắn vết thương chiến tranh

Thế Hưng

(Dân trí) - Một trong những lệnh trừng phạt mà phương Tây dành cho Nga là loại các đội bóng Nga ra khỏi các giải đấu thế giới và châu Âu. Thông tin trên đã khiến những người yêu thể thao phải lên tiếng.

Ngay sau khi FIFA và UEFA đồng loạt thông báo cấm tất cả hoạt động của bóng đá Nga, làng túc cầu trên toàn thế giới đã chấn động. Theo đó, hai cơ quan này khẳng định cấm mọi hoạt động của đội tuyển quốc gia (dù với bất kỳ tên gì) cũng như CLB của Nga ở các giải đấu ở châu Âu và thế giới cho tới khi có thông báo mới.

Dù không ủng hộ việc Nga đưa quân sang Ukraine, nhưng độc giả Quốc Hùng cho biết, vào năm 1999, NATO và đồng minh oanh tạc Nam Tư cũ đã vấp phải sự phản ứng của giới bóng đá. Ở Madrid (Thủ đô Tây Ban Nha), trước cửa đại sứ quán Mỹ, tiền đạo Mijatovic khoác lá cờ Nam Tư trên mình và đứng đó thể hiện sự phản đối.

Ở Nhật, cầu thủ Stojkovic kéo tấm áo đấu lên mỗi khi ghi bàn để bày tỏ thông điệp "NATO, hãy ngừng oanh tạc". Ở Ý, hậu vệ Mihajlovic của Lazio cũng mặc chiếc áo tương tự, với dòng chữ "NATO, dừng ném bom".

Mihajlovic đã bị FIFA ra án phạt về hành động trên. Động thái này của FIFA, theo độc giả Quốc Hùng, là để tổ chức này thể hiện quan điểm cấm các cầu thủ dính dáng tới chính trị.

Nhưng mới đây, FIFA và UEFA lại bất ngờ ra lệnh cấm đối với bóng đá Nga trong bối cảnh chính trị đang có nhiều rối loạn. 

Cách đây 100 năm, người ta dùng bóng đá để hàn gắn vết thương chiến tranh - 1

Liên đoàn bóng đá Nga phản đối dữ dội quyết định của FIFA (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo độc giả Hồng Hưng, trước đây vào Giáng sinh năm 1914, khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, một trận bóng đá đã diễn ra giữa Anh và Đức với kết quả 3-2 nghiêng về quân Đức. Cách đây hơn 100 năm, con người dùng bóng đá để hàn gắn vết thương chiến tranh; nhưng hiện tại, dường như FIFA đang làm ngược lại. 

Độc giả Hồng Hưng nhận định, FIFA từng nói thể thao là để gắn kết, thể thao không liên quan tới chính trị nhưng hành động của họ đã đi ngược lại. 

Độc giả Nguyễn Duy chia sẻ quan điểm, không ai ủng hộ chiến tranh. Dù ở phe nào, con người đều phải đựng những mất mát và đau thương vô cùng lớn. Tuy nhiên, việc FIFA trừng phạt các đội bóng Nga như vậy có phải cách làm đúng?

Không ít độc giả nhận định, việc cấm vận bóng đá Nga chỉ gây sâu sắc thêm mâu thuẫn và khiến Nga cảm thấy bị cả thế giới cô lập. Đáng ngại, khi mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm thì hậu quả chiến tranh có thể còn thảm khốc hơn.

Bên cạnh những ý kiến phản đối FIFA và UEFA, một số độc giả lại cho rằng, các tổ chức này đưa ra quyết định trên là có lợi cho nền bóng đá nói chung. Bởi nếu không loại Nga thì 3 nước đá cùng bảng với Nga sẽ bỏ giải. FIFA phải ra cái quyết định được nhiều hơn mất. "Ai không thích có thể dừng xem các giải đấu của FIFA, tẩy chay FIFA, UEFA và các giải châu Âu", một độc giả viết.

Đứng trước lệnh cấm vận của FIFA, nhiều độc giả lạc quan thậm chí còn "tư vấn" cho Nga và các nước đồng minh thành lập giải bóng đá riêng.

Mới đây, Liên đoàn bóng đá Nga đã đưa thông báo phản đối FIFA vì loại đội tuyển quốc gia nước này khỏi World Cup 2022. Thông báo có đoạn: "Chúng tôi cho rằng quyết định này trái với nguyên tắc của thể thao quốc tế cũng như tinh thần thể thao.

Nó rõ ràng mang tính chất phân biệt đối xử, gây hại cho một số lượng lớn vận động viên, HLV, nhân viên của CLB và đội tuyển quốc gia. Điều quan trọng hơn là hàng triệu người hâm mộ của Nga và nước ngoài cũng bị xâm phạm quyền lợi. Đó là những người mà các tổ chức thể thao quốc tế cần phải bảo vệ lợi ích".