Từ vụ ô tô tông đổ xe CSGT:

CSGT có phải bồi thường khi dùng gậy chuyên dụng đập xe vi phạm?

Khả Vân

(Dân trí) - Trong vụ lái xe ô tô tông vào xe cảnh sát giao thông rồi bỏ chạy, một chiến sĩ CSGT đã đuổi theo, đập liên tục vào chiếc xe. Độc giả Dân trí thắc mắc, nếu xe hư hỏng, chiến sĩ cảnh sát có phải đền?

Vụ một chiếc ô tô màu vàng đâm đổ mô tô đặc chủng của CSGT rồi bỏ chạy, sau đó, tài xế này thanh minh do đang chở con bị bệnh đến bệnh viện nên tinh thần hoảng loạn - đang có sự quan tâm, tranh luận của nhiều độc giả Dân trí.

Diễn biến vụ việc được thể hiện qua clip mà người dân ghi lại, có cảnh trong quá trình truy đuổi, một chiến sĩ cảnh sát giao thông đã dùng dùi cui chuyên dụng đập liên tục vào chiếc xe đang bỏ chạy. Có một vài ý kiến cho rằng, hành động của chiến sĩ cảnh sát khi dùng dùi cui đập vào xe bỏ chạy là không cần thiết, sẽ gây tổn thương cho tinh thần của em bé ngồi trong xe.

"Chiếc xe này mà là xe nhiều tỷ đồng và bị hư hỏng do CSGT đập thì sao đây? Nếu sau khi bị phạt vì lỗi đã gây ra, chủ xe có được kiện CSGT vì đã làm hư hỏng tài sản của họ không?", một độc giả đặt câu hỏi.

CSGT có phải bồi thường khi dùng gậy chuyên dụng đập xe vi phạm? - 1

Ô tô tông ngã mô tô đặc chủng của CSGT (Ảnh cắt từ clip).

Không nên lấy trẻ em làm lá chắn!

Bình luận về sự việc, nhiều độc giả cho rằng trường hợp này chiến sĩ CSGT đang làm đúng nhiệm vụ của mình, bởi nếu đúng tài xế này đang chở con bị bệnh trên xe, chỉ cần giải thích 15 giây là được cho đi, không ai dám/nỡ dừng lại cả. Không chấp hành rồi tăng ga bỏ chạy, thì CSGT có trách nhiệm ngăn chặn để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật khác có thể như buôn bán ma túy, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác…

Độc giả Ngô Minh Đức: "Tôi không thấy CSGT đập phá xe của dân, tôi chỉ thấy CSGT trấn áp nghi phạm thôi. Rồ ga lên để chạy thì CSGT mới trấn áp chứ nếu ở lại trình bày thì ai làm gì. Còn chuyện trẻ con ốm đau thì cũng bình thường thôi. Nếu vội đi, gây tai nạn còn nguy hiểm cho trẻ hơn".

"Xe ôtô có loại kính chỉ bên trong xe nhìn được ra bên ngoài, còn người bên ngoài không nhìn vào trong xe được. Trường hợp này kể cả có người cấp cứu đi chăng nữa, khi cảnh sát giao thông dừng xe thì cũng phải tuân thủ và báo cáo. Nếu thấy nguy kịch, cảnh sát giao thông họ cũng cho đi ngay, còn càng chạy trốn cảnh sát họ lại tưởng có ma túy trong xe nên họ càng rượt đuổi cho được", độc giả Vansach Nguyen đồng quan điểm.

Độc giả Charles Tran phân tích: "Việc CSGT cố gắng chặn xe vi phạm và chống đối người thi hành công vụ, tăng dần các biện pháp cứng rắn mà tài xế còn không dừng huống chi là nói bằng lời. Thứ nhất, người điều khiển chưa xuống xe sao biết được đứa bé bệnh hay không bệnh, hay bắt cóc? Thứ hai là qua clip có thể thấy tinh thần của tài xế ô tô khá bất ổn, nếu để cho bỏ chạy lao vào người khác thì sao? Đừng đổ lỗi, vi phạm thì cứ chấp hành, còn anh vượt lệnh thì phải chấp nhận sẽ nhận được sự quyết liệt của cơ quan chức năng".

"Nhiều bạn nói rất đúng, CSGT họ được học luật, luật của nước mình cũng rất nhân văn, chỉ cần trình bày con ốm, có khi còn được CSGT mở đường dẫn đi như rất nhiều vụ việc khác đã được báo đài chia sẻ. Đây là lái xe cố tình vi phạm pháp luật, sau cùng lại lấy con trẻ làm lý do ngụy biện "con ốm". Vừa là công dân vi phạm pháp luật, vừa là ông bố không tốt.

Sau khi sự việc được làm rõ rồi thì ai cũng biết lái xe không phải tội phạm đang bỏ trốn, nhưng khi sự việc xảy ra, ai mà biết lái xe có phải tội phạm không? Có ngáo đá khi lái xe không? Có say rượu không? Nếu không ngăn chặn kịp thời có khi lại có vụ "xe điên" đâm chết nhiều người thì sao? Hay lúc đó các bạn lại bình luận "sao CSGT không có biện pháp mạnh để ngăn chặn".

Các bạn ở trong hoàn cảnh các gia đình có người thân bị chết oan vì những lái xe coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người đi đường, "xe điên", lúc đó các bạn mới hiểu, mới ước trao thêm quyền hạn cho lực lượng CSGT, xử lý mạnh tay hơn, nghiêm khắc hơn đối với những lái xe kiểu này", bạn đọc Dương Viết Quang viết.

Cảnh sát giao thông có phải bồi thường cho chủ xe?

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA thì CSGT trong tuần tra, kiểm soát có quyền được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ…

CSGT có phải bồi thường khi dùng gậy chuyên dụng đập xe vi phạm? - 2

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng đội, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Do vậy, khi thấy tài xế xe ô tô có hành vi rẽ phải khi có đèn đỏ, lực lượng CSGT đã ra hiệu lệnh yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra là đúng nhiệm vụ quyền hạn của mình. Tuy nhiên, người tài xế này không những không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông mà còn đâm vào xe đặc chủng của CSGT rồi bỏ chạy nên CSGT đã dùng gậy chuyên dụng đập vào thân xe. 

 Theo Khoản 5 Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định về các biện pháp ngăn chặn hành vi Không chấp hành hiệu lệnh của CSGT:

"Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng; hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất; mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực; công cụ hỗ trợ và các phương tiện; thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng; tấn công, khống chế; bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan."

Như vậy, trong trường hợp cần thiết thì CSGT có quyền sử dụng vũ lực; công cụ hỗ trợ và các phương tiện; thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để khống chế, bắt giữ người có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT.

Luật sư Tiền cho rằng, trong vụ việc này, việc chiến sĩ CSGT đã sử dụng gậy chuyên dụng là nhằm mục đích ngăn chặn người tài xế lái xe bỏ chạy, và theo quy định trên thì CSGT có quyền. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng vũ lực này vượt quá phạm vi cần thiết, gây thiệt hại đến tài sản của người vi phạm thì hành vi dùng vũ lực này là hành vi vi phạm pháp luật và chiến sĩ CSGT có hành vi trên phải có nghĩa vụ bồi thường cho chủ xe theo quy định tại Điều 584 và Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.