Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ?

Chất lượng đào tạo tiến sỹ thấp là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho chất lượng nghiên cứu khoa học thấp ở nước ta. Đây là một thực trạng đáng buồn mà nhiều tác giả đã đề cập đến với những ý kiến rất tâm huyết.

Chủ trương của Bộ GD-ĐT bắt buộc nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh và có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế là một yêu cầu rất cao, khó thực hiện nhưng cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ và góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở Viêt  Nam.

 

Các nhà khoa học và giáo dục cần dũng cảm thừa nhận một thực tế là trong lĩnh vực khoa học tính về về số lượng và chất lượng các bài báo xuất bản trên các tạp chí quốc tế thì Việt Nam thuộc “vùng trũng” nhất của khu vực ,có lẽ chỉ trên Lào, Campuchia và Myanma. Chúng ta cần học tập và noi theo các cầu thủ bóng đá vì đội tuyển bóng đá nữ đã từng vô địch Đông Nam Á, đội tuyển bóng đá nam đã chơi tốt hơn so với hầu hết các đội trong khu vực và đã từng chơi ngang ngửa với đội mạnh nhất là Thái Lan. Nhiều nhà khoa học có lẽ đã từng thất vọng và bực mình khi thấy đội tuyển Việt Nam thất bại nhưng có lẽ lại chưa có lúc nào suy ngẫm về công việc của chính mình!

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ  là một bài toàn khó cần có những nghiên cứu đầy đủ và sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều nhà quản lí và các nhà khoa học.

 

Với kinh nghiệm của một người làm quản lí,  đồng thời trực tiếp làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhiều năm, tôi xin được đề xuất một số giải pháp sau đây:

 

1. Cần nâng cao chất lượng và khả năng nghiên cứu khoa học của các giáo sư và phó giáo sư bởi vì chúng ta không thể có các tiến sỹ giỏi nếu không có đội ngũ các thầy hướng dẫn giỏi. Cần coi việc có các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế  là tiêu chuẩn bắt buộc để xét công nhận học hàm phó giáo sư và giáo sư.

 

Điều chỉnh cách cho điểm các công trình nghiên cứu, không thể cho cùng 1 thang điểm cho 1 bài báo xuất bản trong nước với 1 bài báo xuất bản quốc tế bởi vì ai cũng biết chất lượng của 1 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước khác xa 1 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế.

 

2. Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ, đặc biệt là khả năng nghiên cứu khoa học.

 

-  Các nghiên cứu sinh bắt buộc phải có công trình nghiên cứu được báo cáo trong các hội nghị quốc tế hoặc được đăng trên tạp chí quốc tế bằng tiếng Anh.

 

- Cần giảng dạy cho sinh viên và nhất là các nghiên cứu sinh cách viết một bài báo khoa học theo đúng thông lệ quốc tế. Hiện nay rất nhiều tiến sỹ không biết cách viết một bài báo theo đúng quy định quốc tế.

- Bộ GD-ĐT cần có quy định chi tiết về cách viết luận án dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên các nghiên cứu sinh và các thầy trong hội đồng còn có cách hiểu khác nhau.

 

Chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ về cách trình bày một bảng kết quả. Tôi đã tham dự một số hội đồng chấm luận án thạc sỹ và tiến sỹ, thấy một số thầy phê bình nghiên cứu sinh trình bày bảng không đúng vì các bảng kết quả thiếu các dòng kẻ ngang và các dòng kẻ dọc, trong khi đó đa số các tạp chí quốc tế quy định mỗi bảng trình bày kết quả chỉ được phép có 3 dòng kẻ ngang!

 

- Cần sửa đổi quy định về cách trích dẫn tài liệu tham khảo trong khi viết luận án. Hiện nay tài liệu tham khảo được tách riêng thành tài liệu tham khảo tiếng Việt, tiếng Anh…  và được xếp theo thứ tự A,B,C thay vì theo thứ tự trích dẫn. Cách làm này không giống ai và dễ làm cho nghiên cứu sinh tưởng đấy là chuẩn mực.

 

- Cần xác định lại mục tiêu đào tạo tiến sỹ ở nước ta. Ở đa số các nước, đào tạo tiến sỹ có nghĩa là đào tạo các cán bộ nghiên cứu khoa học. Như vậy, đào tạo tiến sỹ chủ yếu là để cung cấp cho các cơ sở có làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Ở nước ta vì học vị tiến sỹ là một tiêu chuẩn quan trọng trong quá trình đề bạt cán bộ nên nhiều tiến sỹ được đào tạo cho các cơ sở không hề làm công tác nghiên cứu hoặc không có khả năng làm nghiên cứu. Rất nhiều tiến sỹ sau khi nhận bằng không có khả năng tiến hành các công trình nghiên cứu độc lập.

 

3. Nhà nước cần có cơ chế giúp đỡ hỗ trợ cho các cán bộ làm nghiên cứu:


+ Hỗ trợ tiền cho các công trình nghiên cứu có ý tưởng tốt. Hiện nay chỉ có các công trình cấp bộ hoặc nhà nước được nhận kinh phí trong khi đó các công trình nghiên cứu cấp cơ sở không nhận được hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên đôi khi đề tài cấp cơ sở có khi còn giá trị hơn đề tài cấp bộ vì không phải đề tài khoa học nào cũng được xét duyệt là đề tài cấp Bộ hoặc nhà nước, nhất là các đề tài của các cán bộ trẻ.

 

+ Hỗ trợ kinh phí đi dự hội nghị cho các cán bộ có các đề tài nghiên cứu được chấp nhận báo cáo tại các hội nghị quốc tế, bởi vì nếu không có sự hỗ trợ này thì không bao giờ các cán bộ trẻ có cơ hội được dự và trình bày các công trình nghiên cứu của mình tại các hội nghị quốc tế.

 

+ Có chế độ thưởng cao cho các công trình nghiên cứu được chấp nhận báo cáo toàn văn tại các hộ nghị quốc tế hoặc được đăng trên các tạp chí quốc tế.

 

+  Các Giáo sư và Phó Giáo sư cần có thư kí khoa học giúp việc để có thể tập trung nhiều thời gian hơn cho công tác nghiên cứu khoa học.

 

+ Khuyến khích và hỗ trợ các hội chuyên ngành đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế tại Việt Nam để các nhà khoa học trẻ Việt Nam có dịp cọ xát và học hỏi các chuyên gia quốc tế.

4. Có quy chế bắt buộc về số lượng các công trình nhiên cứu phải hoàn thành hàng năm cho các tiến sỹ, phó giáo sư và giáo sư công tác tại các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại hoc.

 

PGS. TS Nguyễn Thanh Liêm

(Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

Chủ tịch hội phẫu thuật Nhi Việt Nam)

 

LTS Dân trí - Là một nhà khoa học tham gia đào tạo nghiên cứu sinh, đồng thời còn là cán bộ quản lý, PGS Nguyễn Thanh Liêm đóng góp những ý kiến xác đáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta. Điều đó trước hết phụ thuộc vào trình độ học thuật của người thầy hướng dẫn và nhiều yếu tố quan trọng khác.

 

Chúng tôi trân trọng chuyển những ý kiến đóng góp có giá trị này tới Bộ GD-ĐT và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, mong rằng chúng ta sớm xác định được những biện pháp khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế để nhanh chóng nâng cao chất lượng của lực lượng khoa học nòng cốt của nước ta trong tương lai không xa.