Nhóm soạn thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi lên tiếng

(Dân trí) - Không phủ nhận dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi còn có những “hạt sạn”, nhưng nhóm tác giả dự thảo cho rằng, khả năng của trẻ 5 tuổi Việt Nam đang bị một bộ phận người lớn đánh giá quá thấp.

Nhóm tác giả thuộc ban soạn thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi là Tiến sĩ Trần Lan Hương, Tiến sĩ Trần Thị Nga và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thư đã phản biện những ý kiến của dư luận trong thời gian qua về bộ chuẩn.

Nhóm tác giả thừa nhận đây đó trong bản dự thảo Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (CPTT) còn có những “hạt sạn”, nhưng cho rằng có một số ý kiến đóng góp cho dự thảo là “rập khuôn, áp đặt một cách cứng nhắc hay đánh tráo khái niệm. Theo chúng tôi, có thể coi những ý kiến  như vậy là “sự ngộ nhận” về CPTT nói riêng và sự phát triển của trẻ em Việt Nam nói chung”.

Dân trí xin trích đăng phản biện của nhóm tác giả để rộng đường dư luận:

Sao lại hạ mức phát triển của trẻ?

Vấn đề đầu tiên đáng buồn nhất và cũng đáng lo ngại nhất là khả năng của trẻ 5 tuổi Việt Nam bị một bộ phận người lớn đánh giá quá thấp. Ngay cả một số nhà tâm lý học cũng hoảng hốt cho rằng trẻ của chúng ta còn non lắm, chúng còn đang thơ bé quá, chúng chưa biết suy nghĩ, chưa biết làm gì cả; rằng CPTT này là quá “nặng”, “cao quá”, “không đúng tâm lý trẻ” và CPTT này chỉ có thể để dành cho trẻ “thần đồng và thiên tài”, “trẻ kiệt xuất”, “chỉ dành riêng cho đào tạo mũi nhọn với những trẻ em đặc biệt”… Đây chính là một sai lầm đáng tiếc nhất, vì sai lầm này mà người lớn ở Việt Nam đang tự làm cho trẻ trở nên yếu ớt đi, thụ động trong mọi hoạt động, hình thành ở trẻ tâm lý mình không biết làm gì và không thể làm tốt được việc gì.

Trẻ chấp nhận và có thói quen làm theo mọi sự chỉ dẫn của người lớn. Kết quả là đất nước Việt Nam sẽ có một thế hệ mầm non kém cỏi không có bất kỳ cơ hội nào để nhận biết và phát triển tiềm năng vốn có của mình.

Trong văn bản Qui định về mục tiêu và kế hoạch đào tạo Nhà trẻ, trường Mẫu giáo được ban hành ngày 03/02/1990 của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) do chính tay GS. TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký ban hành thì các mục tiêu giáo dục đối với trẻ 5 tuổi cách đây 20 năm còn cao siêu hơn nhiều so với các chỉ số trong CPTT: …Biết quan tâm thông cảm giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, những người gần gũi. Hiểu được những lời nói việc làm nào của mình, của bạn bè là tốt, xấu. Biết nhận lỗi, sửa lỗi, thật thà. Có nhu cầu tham gia vào các hoạt động tạo hình, âm nhạc… nhận ra được vẻ đẹp và thể hiện cảm xúc của mình trong các hoạt động đó…

Như vậy, ngay từ những năm 1990 chúng ta đã nhìn thấy những khả năng tiềm ẩn rất lớn ở trẻ cuối tuổi Mẫu giáo trong tất cả các lĩnh vực phát triển thì vì cớ gì mà 20 năm sau chúng ta lại hạ (chứ chưa nói là tăng lên) mức độ phát triển của trẻ xuống?  

Nhóm soạn thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi lên tiếng - 1

Theo nhóm soạn thảo Dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, nhiều người lớn đã đánh giá quá thấp về khả năng của trẻ.

Xót xa cho thể lực yếu ớt của trẻ 5 tuổi Việt Nam

Câu hỏi đặt ra là liệu trẻ 5 tuổi đã có khả năng sử dụng các loại câu khác nhau để giao tiếp hay chưa? Chúng tôi thiết nghĩ không cần phải viện đến các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới mà chỉ cần trích lại kết luận trong luận án phó tiến sĩ của NCS Lưu Thị Lan từ năm 1996 về “Những bước phát triển ngôn ngữ của trẻ em từ 1 đến 6 tuổi”.

Hoặc có ý kiến cho rằng trẻ 5 tuổi Việt Nam phải sau “10 tuổi mới có thể định hình chính xác đâu là trên - dưới, phải - trái…” Chúng tôi cũng xin được nhắc lại rằng trong Chương trình chăm sóc giáo dục mẫu giáo do Bộ GD-ĐT ban hành theo quyết định số1362/GD-ĐT ngày 31 tháng 5 năm 1994 thì ngay từ mẫu giáo bé (trẻ 3-4 tuổi) trẻ đã được học phân biệt tay phải, tay trái…

Tương tự như vậy đối với lĩnh vực phát triển thể chất. Nếu như trong Chương trình ban hành 15 năm trước đây đã yêu cầu trẻ 5 tuổi phải chạy được 120 m và trong  báo cáo đánh giá việc thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ 5-6 tuổi năm 1992 -1993 khi kiểm tra 3722 trẻ trong đó có 720 trẻ do cán bộ nghiên cứu trực tiếp đo thì tỷ lệ trẻ đạt yêu cầu chạy 12m với khoảng thời gian 4 giây đã chiếm 81,7 %  thì giờ đây trong thế kỷ 21, lại có ý kiÕn cho rằng trẻ 5 tuổi hiện nay “với sức lực vốn còn non nớt, đặc biệt là trẻ em ở thành phố ăn còn phải dỗ có khi mới hết bát cơm”, “lao động” nặng nhất có khi chỉ là bài tập thể dục ở lớp” và chỉ có trẻ có năng khiếu về thể thao may ra mới thực hiện được yêu cầu này.

Thật là xót xa cho thể lực yếu ớt của trẻ 5 tuổi Việt Nam. Chẳng lẽ trong 15 năm qua chúng ta đã kìm hãm sự phát triển thể lực của trẻ đến mức độ này sao? Vậy người lớn ở Việt Nam sẽ nghĩ gì khi biết rằng người Thái đặt chỉ số phát triển cho trẻ 5 tuổi của họ là: Chạy liên tục 400-500 m (tài liệu Hội thảo toàn cầu về Đánh giá tính xác thực của Chuẩn phát triển trẻ tại Băng Cốc, tháng 2 năm 2008).

Cách nhìn của xã hội như vậy cũng có thể phần nào giải thích tại sao người Việt Nam luôn gặp vấn đề về sức bền thể lực.

Quả bóng đang trong chân người lớn!

Lại một lần nữa người lớn đã không đánh giá được hết khả năng của trẻ. Chúng ta thấy quá nhiều điều trẻ 5 tuổi “không thể” thông qua những biểu hiện bên ngoài của trẻ hiện nay mà không suy xét thấu đáo về những ứng xử ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ của người lớn.

Khi đặt chỉ số về “Cố gắng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực” chúng tôi chỉ kỳ vọng vào sự cố gắng, ý thức muốn kiềm chế để không thực hiện các hành vi tiêu cực của trẻ, chứ không nói đến kết quả là trẻ có kiềm chế được hay không bởi đòi hỏi này là cao so với trẻ 5 tuổi và nó còn tuỳ thuộc vào mức độ cảm xúc và khả năng của từng trẻ riêng biệt.

Có những nhà khoa học cho rằng trẻ không biết tìm cách để giải quyết mâu thuẫn. Đây chính là một vấn đề của giáo dục hiện nay vì người lớn đã quen giải quyết một cách áp đặt mọi vấn đề của trẻ.

Cùng là “giải quyết mâu thuẫn”, “sáng tạo”, nhưng kỹ năng ở người lớn và trẻ em là hoàn toàn khác hẳn nhau. Điều này ai cũng phải biết. Lại có quan điểm cho rằng, phàm những gì mà tất cả người lớn còn chưa làm được thì không thể dạy cho trẻ. Có người còn lập luận rằng nếu như “trong khi bố nó, ông nó còn hút thuốc lá” thì làm sao lại phải dạy trẻ rằng” hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe”. Như vậy chắc phải đợi cho đến khi tất cả người lớn trên đất nước Việt Nam này tốt hết rồi thì chúng ta mới được dạy trẻ???

Như vậy, liệu có thể yên lòng không nếu như chúng ta vẫn mãi nhìn trẻ em yếu đuối và bất lực như hiện nay? Người lớn vẫn dứt khoát làm ngơ trước những khả năng tiềm tàng to lớn của trẻ chỉ bởi sự lạc hậu và sức ỳ quá lớn trong tư duy? Sự thiệt thòi không đáng có này của trẻ Việt Nam sẽ thuộc về trách nhiệm của ai? Chúng tôi nghĩ vấn đề không nằm ở chỗ trẻ có khả năng hay không mà là người lớn có biết tạo cho trẻ các cơ hội để phát triển hết khả năng hay không. Người lớn có chịu thay đổi hay không? Quả bóng đang ở trong chân của người lớn - nhóm tác giả kết luận.

 Hồng Hạnh (lược ghi)