Sở TN-MT Hà Nội vi phạm thế nào khi ra văn bản tạm dừng chia tách thửa?

Khả Vân

(Dân trí) - Luật sư cho rằng việc ra văn bản yêu cầu tạm dừng chia tách thửa của Sở TN&MT Hà Nội là việc làm vi hiến, vi phạm pháp luật vì có chứa mệnh lệnh chung, có tính quy phạm, ngược với Luật Đất đai

Như đã đưa tin, Bộ Tư pháp vừa yêu cầu Hà Nội kiểm tra, xử lý văn bản yêu cầu tạm dừng tách thửa đất vì không có cơ sở pháp lý và sai thẩm quyền.

Theo đó, năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) ban hành văn bản 1685 về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất, trong đó cơ quan này đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp cụ thể.

Năm 2021, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" tạm dừng, đề nghị xử lý và khắc phục hậu quả do những quy định trái luật gây ra do việc ban hành nhiều công văn tạm dừng tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) trái pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Do đó, yêu cầu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội không đảm bảo cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền. Đồng thời, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Bộ Tư Pháp cũng nêu rõ, công văn 1685 của Sở TTN&MT Hà Nội là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại khoản 2, điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Văn bản của Sở TN&MT Hà Nội hạn chế quyền của người sử dụng đất đã được quy định trong Luật Đất đai

Văn bản "tuýt còi" của Bộ Tư pháp đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay theo quy định của Luật Đất đai, quyết định của UBND các tỉnh, thành phố đều có quy định hạn mức công nhận đất ở đối với từng thửa đất khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn, ao, đất nông nghiệp sang đất ở.

Ví dụ, đối với quận Hoàn Kiếm hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất có vườn ao là 120m2 theo khoản 1, điều 4 Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND, ngày 01/6/2017. Hạn mức công nhận đất ở này áp dụng cho một thửa đất.

Trong hạn mức thì người dân không phải đóng tiền sử dụng đất, ngoài hạn mức thì tùy theo thời điểm bắt đầu sử dụng đất mà phải đóng từ 50% đến 100% tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do vậy, người dân thông minh, hiểu biết đã thực hiện thủ tục tách thửa đất ra trước khi chuyển mục đích sử dụng đất để hưởng tối đa quyền lợi trên.

Sở TN-MT Hà Nội vi phạm thế nào khi ra văn bản tạm dừng chia tách thửa? - 1

Công văn số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc tạm dừng chia tách thửa đất bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật "tuýt còi" (Ảnh: Hà Phong).

Ví dụ: Thửa đất ban đầu là 240m với 100m2 đất ở, 140m2 đất vườn. Người dân thực hiện bước 1, tách đôi thửa đất này thành hai thửa đất mỗi thửa có 50m2 đất ở, 70m2 đất vườn ao. Người dân thực hiện bước hai chuyển đổi mục đích sử dụng đất của từng thửa. Do 70m2 đất vườn nhỏ hơn hạn mức 120m2 nên người dân không phải đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất mà vẫn được công nhận đất ở.

Theo đó, việc tách thửa là quyền cơ bản của người sử dụng đất được quy định trong luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành để người dân có thể linh hoạt trong việc sử dụng đất phù hợp với nhu cầu của mình.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật khẳng định: Văn bản chứa quy định pháp luật là văn bản áp dụng chung, nhiều lần cho các chủ thể buộc các chủ thể phải thực hiện hoặc không làm những việc nhất định. Chỉ có một số cơ quan nhất định mới được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, văn bản cấp dưới phải phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên có thẩm quyền cao hơn cùng lĩnh vực. Thêm nữa chỉ có một số hình thức, tên gọi văn bản nhất định mới được quyền chứa đựng quy phạm pháp luật. Chỉ cần thiếu 1 trong các yếu tố trên thì văn bản chứa quy phạm đó đều vi hiến, vi phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý.

Sở TN&MT không phải cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật. Công văn không phải loại văn bản được phép chứa đựng quy phạm pháp luật. Thêm nữa văn bản cấp dưới còn đi ngược lại, hạn chế quyền của người sử dụng đất đã được quy định trong luật đất đai.

Do vậy, luật sư Quách Thành Lực cho rằng Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội ban hành các văn bản có chứa mệnh lệnh chung, có tính quy phạm, ngược với luật đất đai là việc làm vi hiến, vi phạm pháp luật.

Điều 14, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nêu hành vi bị nghiêm cấm như sau: "1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại điều 4 của luật này nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại luật này".

Dẫu biết rằng tình trạng tách thửa, phân lô để chuyển mục đích sử dụng đất, lách các quy định để không phải đóng tiền sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, khó khăn trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, việc làm của người dân là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy định pháp luật nên mọi tổ chức phải tôn trọng, chấp nhận không được quyền vì lý do quản lý trước mắt mà đi ngược lại các quy định pháp luật.

"Tình trạng một số sở TNMT trước thực trạng sốt đất đã ban hành các văn bản hạn chế tách thửa diễn ra phổ biến trong cả nước, tất cả các văn bản này đều là vi hiến, vi phạm quy định pháp luật. Do vậy, rất mong Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp thực hiện vai trò giám sát của mình có ý kiến với các địa phương để thu hồi, hủy bỏ các văn bản sai phạm như vậy", luật sư Lực bày tỏ quan điểm.