Tâm điểm
Quan Thế Dân

Mong ước về nhân sự lãnh đạo ngành Y tế

Ngành Y tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đặc biệt, khi mà hàng loạt lãnh đạo các cấp bị bắt. Rồi đây đó thiếu thuốc do chậm đấu thầu, rồi dịch giã chưa dứt, công việc nặng nhọc, nhân viên y tế xin nghỉ việc. Có một số người đã vội khái quát là ngành y đang gặp khó khăn, tinh thần anh em đang xao động và động viên anh em vượt qua khó khăn này.

Nói thật, lời động viên lúc nào cũng cần thiết, nhưng nói rằng anh em đang "xao động" tôi thấy chưa thuyết phục, vì đã trộn lẫn công tội, nhập nhằng thiên tai với nhân tai.

Nhân viên y tế đã cùng nhân dân cả nước vượt qua đại dịch thế kỷ. Đây là thành tích đáng ghi nhận của ngành y trong năm qua, và đã được xã hội ghi nhận. Những bất cập về cơ cấu bộ máy y tế, về chế độ đãi ngộ bộc lộ qua vụ dịch này cần được tổng kết và kiện toàn. 

Còn qua vụ dịch này, nhiều cá nhân có chức quyền đã tranh thủ vơ vét làm giàu cá nhân, bất chấp nhiều nơi nhiều chỗ nhân viên y tế đang chịu khổ, chịu nguy hiểm, thì đó là những con sâu mọt đục ruỗng ngành y, cần sớm bị loại trừ. Cũng giống như cái cây bị thiên tai khô hạn, lại thêm sâu bệnh đục khoét. Vậy thì công việc chống tham nhũng trong ngành y chính là đang trừ sâu bệnh để cho ngành y lại xanh tươi trở lại, là nhân viên trong ngành, chúng tôi mừng còn không hết, sao lại bảo chúng tôi "xao động", rồi động viên chúng tôi "vượt qua". 

Mong ước về nhân sự lãnh đạo ngành Y tế - 1

Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân (Ảnh minh họa)

Khi thấy một bộ phận lãnh đạo ngành y bị kỷ luật, không phải chúng tôi hả hê kiểu dậu đổ bìm leo, mà chúng tôi thấy có chút niềm tin rằng cuộc sống sẽ ngày một công bằng hơn, tươi sáng hơn.  Chúng tôi mong công cuộc chống tham nhũng trong ngành y sẽ tiếp tục để thật sự cải tổ những bất cập lâu năm trong ngành.

Từ góc độ một công dân và là bác sĩ, một người hoạt động trong ngành y, chúng tôi kỳ vọng, trông đợi gì vào lãnh đạo ngành y, không chỉ với nhân sự sẽ ngồi ghế Bộ trưởng Y tế trong tương lai mà cả lãnh đạo y tế các cấp.

Mong ước lớn nhất là chọn được cán bộ thanh liêm. Có thanh liêm thì các quyết sách sẽ trở nên công tâm, không bị đồng tiền trì kéo dẫn đến sai lệch. Thời đại tham nhũng hoành hành, những lý lẽ như "nước trong thì không có cá", "ăn nhưng làm được" là những lời tự biện hộ cho tay khi nhúng chàm. Trong giai đoạn chống dịch vừa qua, nhân viên y tế cực khổ không quản nguy hiểm ở tuyến đầu chống dịch thì lãnh đạo ở vùng an toàn phía sau, nhận tiền "lại quả" hàng tỷ đồng. Đến khi bị bắt lại mượn cớ chống dịch để thanh minh cho hành vi phạm tội. Cứ cho là trong tình thế cấp bách anh có thể sai sót về thủ tục, nhưng nếu anh thật sự trong sáng, anh không nhận một đồng nào tiền "lại quả", thì đã chẳng ai bắt anh. Chỗ này phải nói rõ ràng ra như vậy.

Điều thứ hai là đã đến lúc phải làm rõ vai trò của kinh tế trong y tế. Không thể mãi nhập nhằng về chính sách như bây giờ. Ưu việt nhất là y tế miễn phí, nhà nước bao cấp toàn bộ. Nhưng thực tế đã cho thấy ngân sách đã không thể nào kham nổi. Mặt khác y tế công được bao cấp toàn bộ đã bộc lộ nhiều yếu kém về quản lý, không có động lực phát triển. Y tế tư nhân ra đời do sự đòi hỏi của tình thế, phù hợp với kinh tế chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên y tế tư nhân vẫn bị quản lý bằng cái áo chật chội của y tế công. Đỉnh điểm của sự nhập nhằng này là y tế công dần tư nhân hóa dưới cái nhãn "xã hội hóa". Đây là điểm mờ về quản lý, gây ra nhiều tiêu cực thời gian qua. Giám đốc bệnh viện công hiện nay đang đứng trước bài toán chưa có lời giải: Làm sao để bệnh viện "tự chủ về kinh phí" mà lại không được "thương mại hóa y tế". Vì thế chúng tôi mong mỏi người lãnh đạo phải làm rõ được các thành phần: Y tế công, y tế tư, y tế phi lợi nhuận và tham mưu cho Nhà nước ban hành các chính sách phù hợp để các thành phần y tế phát triển lành mạnh.

Điểm thứ ba chúng tôi mong chờ là sự cải thiện chế độ chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế khu vực công, đặc biệt chú ý đến những bộ phận chịu thiệt thòi trong ngành y, ví dụ như cán bộ y tế tuyến cơ sở, y tế dự phòng, những chuyên ngành khó thu hút… Còn lại, chế độ lương bổng ngành y nên để cho quy luật giá trị quyết định, người có chuyên môn cao nên được tự do dịch chuyển giữa các thành phần y tế. Bệnh viện công muốn giữ chân người tài, muốn giữ được thương hiệu của mình, thì phải có thay đổi về chế độ tiền lương và các đãi ngộ khác. Các đãi ngộ này cần được luật hóa, tránh hiện tượng "linh hoạt", "xé rào" như vừa qua, rất dễ biến tướng thành tiêu cực. 

Chiến lược xây dựng nên một nền y tế nhân bản, phục vụ tốt sức khỏe cộng đồng là công trình của nhiều thế hệ thầy thuốc. Mong ước với lãnh đạo thì nhiều, nhưng với thời sự trước mắt, tôi chỉ mong ước ba điều trên mà thôi.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!