Xin chào Việt Nam

(Dân trí) - Ối giời ơi! Viết cho bạn đọc Việt Nam thật là khó.

Tôi đã viết lách từ hơn 10 năm nay. Có những điều tôi rất lấy làm tự hào là đã viết ra, và cũng có những điều tôi không tự hào lắm.

Nhưng ngay cả khi tôi viết cho những tạp chí toàn quốc ở Mỹ, tôi cũng chưa bao giờ nhận được nhiều phản hồi đến thế. Thực ra, ngay cả sau khi tôi được đăng bài viết đầu tiên cho một ấn phẩm lớn, là tờ LA Weekly vào năm 2003, ngay sau khi tôi tốt nghiệp Đại học, tôi cũng không hề nhận được bình luận nào ngoại trừ từ bạn bè và họ hàng.

Nếu bạn quan tâm, và bạn có thể đọc tiếng Anh, thì nó ở đây. (Nếu bạn muốn đọc toàn bộ thì phải quay ngược lại một trang nữa. Bài đó cũ lắm rồi mà)

Khi nhìn lại bài viết này tôi mỉm cười. Lúc đó tôi rất hồi hộp, và thậm chí hơi sợ hãi. Tôi đã phải thức rất khuya để viết, nghiền ngẫm kỹ từng từ một. Liệu câu chữ của tôi đã đủ tốt chưa? Liệu mọi người sẽ hiểu tôi?

Nhưng tôi gửi bài đi và được ban biên tập chấp thuận. Bài báo được đăng.

Thật may mắn! Tôi đã hết sức hạnh phúc khi nhìn những câu chữ của mình được in ra. Tôi đọc đi đọc lại.

Thế là tôi tiếp tục viết, phần lớn là về âm nhạc. Nhưng sau một thời gian, việc viết lách trở thành lối mòn. Sự phấn khích bay mất, chỉ còn lại công việc.

Khi nghĩ lại về bài báo đầu tiên, tôi cảm thấy lúc đó mình như một đứa trẻ.

Nhưng giờ đây, khi tôi viết cho "Chuyện 26", sự phấn khích đã trở lại... cộng thêm một chút sợ hãi. Tôi phần nào trở lại như một đứa trẻ. Đã 2 giờ sáng rồi và tôi vẫn đang thức cùng chiếc máy tính bé xíu của mình, trăn trở liệu từng câu chữ của mình có "OK" đối với các bạn không.

Tôi đã vứt đi hai bài mà tôi từng lên kế hoạch viết, và quyết định chỉ đơn giản kể ra với các bạn những gì đang xâm chiếm trí óc mình.

Khá là ngộ nghĩnh. Lần trước tôi viết về trẻ con. Tôi đọc đi đọc lại các bình luận của các bạn. Những bình luận đó đã dạy tôi rất nhiều về Việt Nam, và tôi hy vọng sự trao đổi ý kiến này sẽ tiếp tục.

Tất nhiên, các bạn cần hiểu rằng tôi đang viết từ góc nhìn mang tính cá nhân và của một người nước ngoài. Tôi chưa sống ở đây đủ lâu để có thể viết như một người bản địa.

Dù thế, những gì tôi viết có thể cũng có một giá trị nào đó, theo cách riêng có thể còn vụng về của nó. Có một câu trong Kinh Thánh: "Những gì tuôn ra từ miệng trẻ con, thường có sự khôn ngoan".

Tôi không có ý nói là mình khôn ngoan. Nhưng ý của thành ngữ này, tôi nghĩ, là trẻ con đôi khi có thể nói ra sự thật, nhờ vào chính sự hồn nhiên của chúng. Tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp nhận những ý kiến của tôi theo cách này.

Xin chào, Việt Nam! Tôi hy vọng các bạn sẽ coi tôi như con cái của mình, dạy tôi những tập quán, ngôn ngữ của các bạn, và đôi khi lắng nghe tôi.

Tôi đã đọc đi đọc lại các bình luận của các bạn, đã nhờ bạn bè người Việt dịch hộ một số câu để tôi hiểu rõ hơn. Ngay cả khi viết cho các tạp chí lớn ở Mỹ, tôi cũng chưa bao giờ nhận được nhiều phản hồi như vậy.

Đây là điều tôi yêu về Hà Nội. Tôi không thể nói Việt Nam, vì, mặc dù tôi đã thăm một số nơi khác (một bạn đọc comment rằng hình như tôi đã sống ở vùng quê nào đó quá lâu), tôi đã sống 3 trong số 4 năm qua ở Hà Nội, mà không hề có kỳ nghỉ đáng kể nào.

Tôi đã viết được một vài bài thể hiện những suy nghĩ của tôi về Việt Nam. Một số người đồng ý với tôi, một số không đồng ý, một số thậm chí phản đối mạnh mẽ. Nhưng tôi đã học được nhiều từ những gì các bạn viết. Tôi rất phấn khích vì, điều quan trọng nhất là các bạn đã đủ quan tâm để gửi phản hồi. Dù một vài phản hồi có phần hơi "ác ý", nhưng tôi vẫn thấy rất vui.

Tôi cảm thấy như mình đã có nhiều người bạn mới mà chưa gặp bao giờ.

Vì thế, tôi có một đề xuất: Mỗi ngày tôi đi ăn trưa mất khoảng 1 giờ (đôi khi hơn một chút). Tôi thường đến quán bia hơi ở phố Ngọc Hà; chỗ gần Vườn Bách Thảo (ở Hà Nội).

Nếu bất cứ ai muốn ăn trưa cùng tôi vào thứ Hai tới, hãy đến đó. Tôi sẽ rất vui được nghe các bạn chia sẻ suy nghĩ. Tôi rất muốn biết các bạn nghĩ gì, và các bạn quan tâm tới những gì. Tôi sẽ ở đó vào lúc 12:30 trưa.

Mặc dù mới viết cho Chuyện 26 được một thời gian ngắn, tôi đã gặt hái được nhiều, nhưng là "gặt hái" về mặt kiến thức chứ không phải về mặt tiền bạc. Vì thế tôi phải cho các bạn biết trước rằng đây không phải là một lời mời "kiểu Việt Nam" - tức là tôi không thể một mình trả tiền ăn trưa cho cả một "huyện" người. Vì thế chúng ta sẽ phải chia hóa đơn ra, theo kiểu Mỹ ấy.

Tôi sẽ mang theo một người bạn có thể dịch giúp để bù đắp khả năng ngôn ngữ kém cỏi của tôi.

Thế nhé. Có thể coi như chúng ta có một cuộc hẹn. Bài viết sau của tôi sẽ lại là một nhận xét nào đó về một việc nào đó mà tôi để ý thấy ở đất nước này, với đôi mắt mới mẻ, vừa được mở ra của mình. Xin chào.

Độc giả có thể đọc bài viết này của Brian bằng bản tiếng Anh tại đây.

Brian
(U.M dịch)