Về nơi giành chính quyền sớm nhất tỉnh Nghệ An

(Dân trí) - Thực hiện chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, ngày 16/8/1945, dưới sự chỉ đạo của Ban vận động Việt Minh, nhân dân xã Nam Thanh (Nam Đàn, Nghệ An) nhất tề đứng lên, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây cũng là địa phương đầu tiên ở Nghệ An giành được chính quyền.

 

bui-danh-chau-ke-18092015-d0765
Cụ Bùi Danh Châu - người trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tỉnh Nghệ An

Tháng Tám, trời trong vắt, cao vời vợi. Ao sen trước nhà cụ Bùi Danh Châu (SN 1923, trú xã Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An) dập dờn trong gió, những búp sen vươn lên khỏi bùn lầy, tỏa hương thơm ngát. Những bông hoa to đẹp nhất được cụ sai con cháu hái, trưng lên bàn thờ như một lời tri ân đến người cha liệt sỹ nhân ngày trọng đại của đất nước. Tiếc là người cha kính yêu của cụ, liệt sỹ Bùi Danh Bích không được chứng kiến giây phút lịch sử sang trang của dân tộc. Ông bị thực dân Pháp tử hình sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

93 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng tiếng nói của cụ vẫn còn hào sảng lắm. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại xã Thanh Thủy, tổng Xuân Liễu (tức xã Nam Thanh huyện Nam Đàn ngày nay) được cụ gói gọn trong 6 câu thơ: “Nam Thanh quật khởi vùng lên/ Dẫn đầu toàn tỉnh chính quyền về tay/ Bốn lăm Ất Dậu ấy ngày/ mười sáu tháng Tám cờ bay rợp trời/ Kể sao hết nỗi mừng vui/ Kể sao hết cảnh người người hân hoan”.

Cha bị giặc Pháp tử hình, mẹ chạy chợ nuôi các con nhưng Bùi Danh Châu vẫn được cho theo các cụ đồ nho trong làng để học chữ. Tiếp bước cha, Bùi Danh Châu tham gia cách mạng từ sớm và là ủy viên chấp hành của Hội thanh niên Phan Anh (một tổ chức yêu nước tại địa phương). Đầu năm 1945, đồng chí Trần Văn Quang (cán bộ Việt Minh của tỉnh) về địa phương, bí mật tổ chức gặp mặt các thanh niên tiến bộ, yêu nước. Trong buổi gặp gỡ đó, các thanh niên tiến bộ được nghe về tình hình cách mạng trong nước và tình hình thế giới.

 

bui-danh-chau-ke-ngay-khoi-nghia-6224d
Với cụ, đó thực sự là những ngày không thể nào quên, ngày chính quyền thực sự về tay nhân dân lao động.

“Ông Trần Văn Quang nói bây giờ kẻ thù số 1 của nhân dân ta là phát xít Nhật và đề cập đến một cuộc cách mạng sẽ sớm diễn ra. Xác định kẻ thù trước mắt là phát xít Nhật cùng hệ thống chính quyền phong kiến tay sai khiến chúng tôi thêm tin tưởng vào sự thành công của cách mạng”, cụ Châu nhớ lại.

Ngày 14/8/1945, Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy nhận được lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ Tĩnh truyền đạt “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập Ủy ban nhân dân Cách mạng ở làng, không câu nệ là làng trước hay huyện trước”. “Bắt” được chỉ thị của trên, ngày 15/8/1945, Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy bí mật họp tại chùa Viên Quang quyết định khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 16/8, toàn bộ nhân dân Thanh Thủy đồng loạt nhất tề đứng. Trước khi thế như triều dâng thác đổ, bọn cường hào, hương lý không dám phản ứng chống lại mà nhanh chóng giao nộp con dấu cùng các loại sổ sách, kho quỹ thóc nằm trong các gia đình địa chủ, phú nông… Thừa thắng xông lên, đoàn biểu tình kéo sang Gia Mỹ (tức xã Nam Nghĩa ngày nay).

 

bui-danh-chau-cmt8-18092015-ed5f2
Mốc son lịch sử 70 năm về trước đã mang lại cơm áo, tự do cho nhân dân cần lao

Chính quyền cũ bị tan rã, Ủy ban khởi nghĩa lâm thời được thành lập, trụ sở đóng tại đình Đức Nam. Bùi Danh Châu được bầu làm Ủy viên quân sự của Ủy ban khỏi nghĩa xã Thanh Thủy. “Lúc này, mới chỉ có xã Thanh Thủy giành được chính quyền, bởi vậy, việc giữ chính quyền là điều hết sức quan trọng. Ủy ban khỏi nghĩa quyết định thực hiện chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập”cho đến ngày 23/8/1945, khi cả huyện Nam Đàn giành được chính quyền thành công.

Khi Ủy ban khởi nghĩa được thành lập, hai tên lính Nhật mang theo súng đột nhập vào đình Đức Nam. Trước sự hung hãn của 2 tên lính nhật, người dân kéo đến, bao vây. Vòng vây khép lại, hai tên lính tựa lưng vào nhau cố thủ, tay lăm lăm khẩu súng sẵn sàng nhả đạn. Ông Năm Cẩm xông vào, quật ngã một tên lính, nhiều người khác ào lên, bắt gọn cả 2 tên, bảo vệ thành công chính quyền cách mạng vừa thành lập được ít ngày”, cụ Châu nhớ lại.

Thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc đã 70 năm trôi qua, cũng là ngần ấy thời gian cụ Bùi Danh Châu đứng trong hàng ngũ Đảng. 70 năm bằng cả đời người nhưng ký ức về một cuộc đổi dời lịch sử thì không gì có thể xóa nhòa được – Ký ức về một mốc son chói lọi của cả dân tộc quật khởi đứng lên giành quyền sống, quyền tự do cho nhân dân mình.

Hoàng Lam