Chuyện Phí: Hồi kết nào cho hợp lý...

(Dân trí) - Lời khẳng định của Bộ trưởng GTVT: Chưa thu phí hạn chế phương tiện cá nhân lại khuấy động dư luận ngày đầu tháng Tư. Số ý kiến ủng hộ ông Thăng có tăng lên, nhưng đa số vẫn nêu rõ: Thuế và Phí không thể là lời giải cho bài toán khó Giao thông.

Chuyện Phí: Hồi kết nào cho hợp lý...
Nhiều người đã tính tới chuyện bán xe khi biết tin Bộ GTVT đề xuất thu nhiều loại phí (ảnh minh họa: Quang Phong)

 

Quyền lợi và nghĩa vụ

 

Một số bạn đọc (có lẽ trước đây cũng đã bày tỏ ủng hộ các giải pháp về Thuế và Phí của Bộ GTVT) cho rằng những câu trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng như vậy là đã rõ, cả về thời gian là  năm nay chưa thể thu phí hạn chế phương tiện cá nhân  việc thu phí hạn chế xe máy sẽ chỉ diễn ra ở nội đô 5 thành phố lớn. Đồng thời về mức phí, Bộ GTVT cũng đã xem xét lại sau khi có nhiều ý kiến phản ứng của nhân dân, để chia ra theo các mức khác nhau bao gồm cả mức 10 triệu đồng/xe/năm đối với xe dưới 1.0 và tăng dần theo dung tích xi lanh, chứ không còn cứng nhắc theo đề xuất trước đây của Bộ là 20- 50 triệu đồng/xe ô tô/năm.

 

Chúng tôi đưa tất cả những ý kiến “nói Có” với giải pháp này trích trong hàng ngàn phản hồi của bạn đọc gửi tới Dân trí ngay sau khi cuộc họp báo của Chính phủ ngày ¼ kết thúc, để bạn đọc cùng nhận xét và bàn tròn chia sẻ tiếp các nhận định, đánh giá đâu là ý kiến chung đại diện cho số đông.

 

“Tôi hoàn toàn ủng hộ BT Đinh La Thăng, phải lấy lợi ích của đại đa số làm chính. Tôi thấy một số báo chí đã không phản ánh đúng ý kiến của đại đa số người dân, mà thấy nêu nhiều ý kiến của những người tuy có điều kiện kinh tế mà vẫn phản đối các chủ trương đúng đắn... Tôi thấy BT Thăng là người mạnh dạn thực hiện những chủ trương đã được nêu ra từcách đây nhiều năm. Chứ nếu cứ để đà này thì có lẽ nước ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn giao thông” -  Le Van Hoi:  Lehointkh@gmail.com 

 

“Tôi hoan nghênh ý kiến của BT Thăng. Giảm thiểu được số người chết vì tai nạn giao thông, dù chỉ một người - đó là vô giá. Hãy đặt người đó là người thân của ta thì quý vị nghĩ như thế nào? Còn thu phí giao thông - mọi người đã có quyền lợi  thì phải có nghĩa vụ. Giàu đi xe sang thì nộp phí nhiều, nghèo thì nộp ít vì ít sử dụng cơ sở hạ tầng. Nghèo nữa thì không nộp vì đi bộ. Đó là vấn đề tất nhiên của bất kỳ xã hội nào. Tại sao tôi thấy vẫn còn nhiều người cứ thích xài kiểu "của chùa" như thế, nhất là những người "giàu"? Hãy trả lại sự công bằng trong từng lĩnh vực...” - Trần Võ: thanhvovna 98@yahoo.com.vn

 

“Tôi ủng hộ BT Đinh La Thăng . Việc giảm được tai nạn giao thông và số người chết mỗi năm hàng ngàn người là điều đáng mừng trước đã, con người là vô giá” -  Nguyễn Hùng Mạnh: hungmanh3888@gmail.com

 

“Nhìn vào giao thông sẽ biết xã hội phát triển đến đâu. Nếu không quy hoạch đô thị và đường giao thông tốt thì dân dù đi xe đạp vẫn tắc đường. Cứ hạn chế giao thông để phù hợp đường bộ thì 100 năm nữa đường giao thông vẫn thế, vẫn phải hạn chế xe lưu hành và xã hội vẫn vậy. Nhu cầu của dân là quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông tốt. Và phát triển xe hơi cho nhu cầu cá nhân tất yếu không được đáp ứng để phù hợp trình độ phát triển còn chưa cao của xã hội. Làm như BT Thăng, tôi cho là cũng được” - Cheng:  cheng@gmail.com

 

“Những chính sách, đặc biệt là chính sách kinh tế thường chịu sự phán xét rất gay gắt của các quan điểm chuẩn tắc khác nhau. Rất may mắn là chúng ta có một BTrất quyết tâm và kiên trì bảo vệ những chính sách của mình. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm với công việc và với đất nước (điều mà tôi nhận thấy hiện vẫn đang còn là của hiểm trong hàng ngũ cán bộ cấp bộ, của một nền kinh tế đang khó khăn trong việc “giã từ quá khứ” thời còn tập trung, bao cấp...”

 

Cần nhận rõ một điều trong việc hoạch định chính sách là không phải tất cả các chính sách kinh tế đều phải hướng vào mục tiêu vì người nghèo. Thứ hai, xây dựng một nền kinh tế định hướng theo CNXH không có nghĩa là phải lấy ngay những đặc trưng của CNXH làm tiền đề cho các chính sách kinh tế hiện hành. Thứ ba, xóa bỏ kinh tế tự cấp tự túc, sản xuất nhỏ manh mún, phân tán, lạc hậu để đi lên sản xuất lớn hiện đại là tất yếu phải trải qua những mất mát, hy sinh, thậm chí có vẻ tàn nhẫn (nếu nhìn từ quá khứ còn lạc hậu).

 

Chúng ta không vô cảm, nhưng chúng ta có nhiều giải pháp hỗ trợ để có thể tiến tới một nền kinh tế hiện đại, có sức cạnh tranh bằng những chính sách kinh tế quyết liệt, mạnh mẽ nhưng hiệu quả. Mong rằng chúng ta có thêm nhiều BT có trách nhiệm với công việc của mình như BT Đinh La Thăng” - Lê Quang Đài:  quangdai2001@yahoo.com

 

“Tôi hoàn toàn ủng hộ BT Thăng, mong BT giữ vững quan điểm là thu phí, người giàu có tiền đi ô tô thì phải trả tiền. Tuy tôi thấy từ xưa tới nay chưa BT nào làm được việc này, nhưng tôi tin BT Thăng nhất định sẽ làm được. Cũng giống như chuyện đội mũ bảo hiểm vậy, vạn sự khởi đầu nan. Nhà nước không thể bao cấp mãi được. Kính mong BT giữ gìn sức khỏe, tôi nhìn thấy thêm nhiều nếp nhăn trên trán của BT rồi. Tôi cũng hiểu phụng sự đất nước là nghĩa vụ thiêng liêng và rất cao cả, thưa BT” - MaiP:  lop06bhtc01@gmail.com

 

“Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến với đề xuất trên. Cần lấy đại sự làm trọng. Tất nhiên cái gì cũng có 2 mặt, khi được mặt tích cực thì cũng sẽ có tiêu cực, nhưng quan trọng là kết quả của đại sự. Nếu việc thu phí mà giảm được (mình nghĩ có khả năng sẽ giảm rất nhiều) tai nạn, tình trạng tắc nghẽn giao thông thì xu hướng này nên xúc tiến vì sẽ còn giảm mạnh được những chuyện trên.

 

Còn về tính kinh tế thì nói thật, theo tôi là nhiều bài báo cũng như dư luận hình như lại “mượn cớ” của một số người có tiền, có địa vị để phản ánh không đúng. Tôi cho đó là hình thức PR vô nghĩa . Đúng là cái khó sẽ lộ diện ra, nhưng mình phải biết thích ứng và chấp nhận, rồi từ từ sẽ thấy cái lợi .. Phải chấp nhận đã rồi từ từ sẽ quen. Tôi ủng hộ BT Đinh La Thăng (“Định Là Thắng” -  dự định là sẽ thắng. BT number One!” - Võ Phương:  xxx_mant@yahoo.com

 

Điều kiện cần và đủ

 

Số khác tiếp tục ủng hộ thực hiện mọi nghĩa vụ nộp thuế và phí của công dân, nhưng vẫn nhấn mạnh những yếu tố cần thiết và xem ra hoàn toàn không có gì là khó khăn tới mức không thể thực hiện được. Đó là tính hợp lý, công bằng, khoa học, minh bạch…

 

“Tôi rất ủng hộ việc thu phí, nhưng phải hợp lý chứ cứ đổ cho việc tắc đường mà thu thêm phí là không được. Đồng thời tiền thu phí đó phải được khẳng định là sử dụng đúng mục đích” - Tat To:  anhdepdibui@yahoo.com

 

“Người dân sẽ ủng hộ thu phí nếu việc thu phí công bằng và minh bạch. Tại sao khó như tính cước điện thoại di động trả trước từ cước nhắn tin liên lạc nội ngoại mạng quốc tế khuyến mại, mà các công ty viễn thông di động vẫn làm được. Vậy mà đề xuất thu phí phương tiện tự động thông qua công nghệ cao thì ngành GT lại không "dám" nghĩ tới?

 

Trong khi điều này vừa công bằng chính xác, vừa bỏ được nhiều trạm thu thủ công, đỡ chi phí xây dựng trạm và tiền lương cho nhân công. Và còn góp phần quản lý chính xác lộ trình của phương tiện, chống tai nạn cũng như tội phạm chiếm đoạt xe. Nhưng theo tôi, có lẽ chỉ có một "nhược điểm" duy nhất của loại hình này - đó là tính minh bạch quá cao, có lẽ sẽ làm cho ngành GT sử dụng tiền thu được không dễ dàng gì. (Đôi lời góp ý)” – Vinh HN:  vinhbdbp@yahoo.com

 

“Tôi là người Việt Nam, tôi sẽ đóng tất cả những loại phí mà nhà nước đưa ra. Nhưng ông BT có đảm bảo với người dân về chất lượng các tuyến đường ngày càng "đạt chất lượng" không, các khoản thu có thực sự minh bạch hay không? Hay lại có thể qua đó càng tạo thêm điều kiện cho tệ tham nhũng, rút ruột công trình...? Và 1 điều tôi muốn được rõ hơn là: hiện tại trong cơ quan của BT liệu đã hết tệ tham nhũng, quan liêu chưa? Nếu vẫn còn thì BT có hướng giải quyết như thế nào cho triệt để không?...” Nguyen Hoai Bao:  hoaibao1122@gmail.com

 

“Chủ trương thu phí của BT đưa ra là tốt, nhưng đề nghị khi chúng tôi nộp tiền thì phải được hưởng chất lượng dịch vụ giao thông tốt chứ. Mong BT xem xét lại chất lượng các công trình giao thông đã đầu tư, tại sao xuống cấp nhanh thế, trách nhiệm thuộc về ai? Số lượng xe quá khố, quá tải đi trên đường nhiều như thế, trách nhiệm thuộc về ai? Ùn tắc giao thông tập trung ở 2 thành phố lớn với khoảng 12 triệu dân, nếu lại áp dụng một chế tài thu phí cho cả nước với 86 triệu dân là không đúng… Hơn nữa, mức thu như đề nghị của BT là quá cao so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam. Đề nghị BT nghiên cứu thêm để có thể giải đáp những thắc mắc của chúng tôi như trên” - Nguyễn Thanh Bình:  hpklsv@hn.vnn.vn

 

“Thu phí thì tất nhiên phải thu để lấy quỹ làm đường. Nhưng vấn đề thu phải làm sao cho khoa học và hợp tình, hợp lý. Các nước tiên tiến họ thu qua nhiên liệu, mà vấn đề này không thể nói là "nước ta chưa phù hợp" được (các thiết bị khác không sử dụng đường bộ, thì đơn giản Bộ Tài chính có cách tính là trừ thuế thông qua hóa đơn). Tôi là Người Việt Nam sống ở hải ngoại nhưng luôn hướng về Quê hương, cũng mong góp một ý nhỏ về vấn đề này. Kính chúc sức khỏe mọi người và mong được lưu ý...” - Mạnh Hùng:  autotu_km719@yahoo.com

 

“Kính gửi BT Thăng: Hiện nay Chính phủ cũng như các bộ ngành đang có nhiều biện pháp để hạn chế nạn tắc đường và tai nạn giao thông. Theo cá nhân, tôi việc thu phí là đúng nhưng chưa hợp lý, bởi chất lượng đường bộ VN không tương xứng với khoản tiền người dân đóng góp. Xin hỏi  khi tới các tỉnh miền núi, BT có thấy chất lượng đường bộ ở đấy chỉ bằng 1/100 so với  thành thị không? Mà khi  tới các tỉnh miền núi  lại chỉ đi  trên ô tô và chỉ đi qua, thì tôi tin khó thấy rõ được chất lượng những con đường khác nhau ở đấy như thế nào?” - Ngô Minh Hân:  hanhanhg@zing.vn

 

Nghĩ cho dân

 

Vẫn chiếm đại đa số ý kiến bạn đọc (chúng tôi chỉ có thể trích đăng được một phần nào mỗi ngày) là những lý giải và phân tích tiếp về sự CHƯA ĐƯỢC trong giải pháp mà người dân cho là luôn “nhằm vào túi tiền” của mình này. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi được gửi tiếp tới BT Thăng và ngành GTVT với mong muốn được hồi âm bằng những lời giải đáp có sức thuyết phục và “suy nghĩ từ tình thế của người dân, chứ không chỉ từ vị thế cán  bộ”.

 

“Đây là vấn đề nóng trên các diễn đàn. Tôi ủng hộ tinh thần quyết tâm của BT thời kỳ mới bổ nhiệm. Nhưng tôi lại thấy thất vọng vì những quyết định gần đây của BT, vì thấy ngày càng bất hợp lý. Quyết định lần này, theo tôi nghĩ, chắc chắn thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng vì một quyết định vừa đưa ra mà người dân hầu như ai cũng thấy là bất hợp rồi. Tôi vẫn cho là trong vấn đề này, có lẽ BT Đinh La Thăng chưa có được cái nhìn thấu đáo. Và cách suy nghĩ như vậy của ngành GTVT, theo chúng tôi, chỉ làm cho đất nước chậm phát triển hơn mà thôi. Tôi không ủng hộ BT Đinh La Thăng nữa” - Nam Nguyễn Thành:  longanh_36@yahoo.com

 

“Tôi thấy đề án này không khả thi, vì số lượng xe đang lưu hành hiện tại cũng đã làm ùn tắc rồi và giờ có đánh phí vào số lượng xe ấy thì có ích gì? Như vậy khác nào đó là tiền phạt cho mỗi đầu xe, hay là tiền sở hữu phương tiện? Nếu để hạn chế phải đánh vào "đầu vào" tức là nhà sản xuất chứ. Lúc đó lượng xe bán ra sẽ hạn chế được chứ như giờ xe máy, ôtô vẫn cho sản xuất hàng loạt thì hạn chế thế nào?

 

Mức phí mà Bộ GTVT đưa ra như vậy tôi thấy cũng chẳng có gì hợp lý, mà qua đó càng thấy rõ sự lúng túng trong cách điều hành. Tôi chỉ muốn biết tại sao Bộ GTVT lại khẳng định: thu qua xăng dầu là không công bằng, trong khi cứ cương quyết cho rằng thu qua đầu xe là công bằng? Theo tôi, nói vậy thật là.... khó chấp nhận. Bởi vì tôi cho là ngay cả người học thức chưa cao cũng hiểu rằng khi 1 xe cả tháng không lưu hành mà vẫn nộp tiền bằng ấy như với xe lưu hành nhiều, gây tổn hại nhiều cho đường sá thì không thể gọi là công bằng được. Nếu thu qua xăng thì xe không đi hoặc đi ít, chí phí sẽ ít đi, như vậy người dân mới cân nhắc giảm sử dụng.... Ai cũng hiểu được điều ấy” - Đỗ Trung Tuyến:  do_tuyen58@yahoo.com

 

“Nếu loại phí nào đó đưa ra mà hợp lý vì lợi ích của quốc gia và của mỗi gia đình, của mỗi người dân sẽ được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Tôi mong BT  Thăng không nên vẫn giữ ý kiến không hợp lòng dân đó. Tôi muốn được hỏi BT: Dựa trên cơ sở nào để ông đưa ra mức phí mà nghe qua nhiều người đã muốn ngất xỉu rồi? Tại sao không lấy ý kiến nhân dân trong xã hội trước để tham khảo. Rất mong ngành GTVT tôn trọng hơn nữa ý kiến của đa số người dân thông qua thăm dò dư luận. Nếu thấy tỷ lệ phản đối cao hơn ủng hộ (mà điều đó đã chắc chắn rồi) thì có nghĩa là ý  tưởng PHÍ của các vị cần nghiên cứu lại. Không nên để dân than phiền PHÍ đó là TẬN THU…

 

Nếu cuối cùng ngành GTVT vẫn quyết định xúc tiến giải pháp này, thì e là trước khi thu phí xe máy, ôtô hãy đóng cửa các nhà máy sản xuất ra những sản phẩm đó. Đồng thời cần tính tới chuyện bố trí việc làm khác cho những công nhân của các nhà máy đó bị thất nghiệp… Khi mức phí hợp lý tôi và mọi người sẵn sàng ủng hộ!” - Thành Nam:  trwinter777@yahoo.com

 
Chuyện Phí: Hồi kết nào cho hợp lý...
Sau khi thu phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT có bảo đảm sẽ không còn những ổ voi như thế này? (Trong ảnh: một xe tải bị lật do tránh ổ voi ở quốc lộ 14, đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) - Ảnh: Tiến Thành, báo Tuổi Trẻ
 

“Tôi thấy hình như Bộ GTVT vẫn còn bảo thủ, khi báo  chí  và dư luận phản ứng của nhân dân đã lên tiếng quá nhiều và quá mạnh về các loại  phí  phương tiện giao thông rồi. Phí lưu hành, phí vào trung tâm thành phố, rồi còn phí hạn chế  phương tiện cá nhân nữa.  Ở đây bản  chất của vấn đề là thu của một chiếc ôtô mà tới 12 loại thuế và phí thì dân chịu sao được. Tôi nghĩ như vậy là  vi phạm quyền tự do đi lại của công dân, quyền sử hữu tài sản hợp pháp bằng cách gọi thu các loại phí mà thôi.

 

Nay BT vẫn chỉ nói là: không thu phí trong năm 2012 có phải là vẫn giữ ý kiến của mình hay không?... Tôi nghĩ làm gì cũng phải thực sự vì dân, vì nước. Mà dân có giàu thì nước mới mạnh…” – Nguyen Hong Hai:  nguyenhonghai_1960@yahoo.com.vn

 

“Dù như thế nào chăng nữa, tôi vẫn chưa thấy tâm phục, khẩu phục với cách giải thích như thế của BT Thăng. Hãy xem cách Thái Lan họ làm như thế nào để khắc phục vấn đề ùn tắc trong thủ đô Bangkok. Mức thu nhập của người Thái cao hơn người Việt Nam ta rất nhiều, vậy mà họ chỉ thu ở mức 7.000 đến 20.000 ThaiBath/năm tùy theo phân khối. Đồng thời  họ thu đối với tất cả phương tiện, không phân biệt xe công hay tư, nếu là xe đăng ký tên doanh nghiệp thì còn thu gấp đôi (họ gọi là Thuế đường). Mức thu như trên vào khoảng 200 Đô la Mỹ đến 700 Đô la Mỹ /năm .

 

Còn ở Việt Nam ta thì tôi thấy rất nhiều phí khác nhau đổ lên đầu phương tiện. Đã là xe, phương tiện thì theo tôi là không nên phân biệt xe biển xanh được miễn, còn xe biển trắng  thì phải thu cho bằng được. Vì như vậy là có công bằng hay không (loại trừ xe cứu thương, xe cảnh sát và xe được hưởng mức ưu đã đặc biệt theo luật định).

 

Tóm lại, tôi vẫn không ủng hộ việc thu  phí hạn chế lưu hành xe ô tô, và mong đừng có cái nhìn còn tỏ rõ sự phân biệt theo màu biển xe như vậy. Tôi nghĩ, dầu có thế nào chăng nữa, chủ các phương tiện đó cũng là dân. Họ cũng đã hoàn thành đầy đủ mọi nghĩa vụ với Nhà nước bao gồm cả thuế, họ còn chịu nhiều áp lực hơn so với rất nhiều vị cán bộ đang  tại vị. Hãy thực thi mọi chủ trương thật đúng là vì một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, thưa BT Thăng” - Bảo Giang:  bgiang1990@gmail.com

 

Câu trả lời hiểu được

 

Tựu trung lại, cách lý giải của BT Thăng tuy theo đánh giá chung là tương đối đi thẳng vào từng vấn đề, nhưng vẫn chưa đủ sức thuyết phục với những người dân là đối tượng trực tiếp được “nhắm vào”. Xem ra vẫn còn đó nhiều câu trả lời đang chờ lời giải đáp của ngành GTVT, song vấn đề là ở chỗ làm sao cho dân có thể hiểu rõ được cả mục tiêu và lợi ích thiết thực của nó. Chứ không  phải quá xa vời như như những hứa hẹn kiểu: sau này khi CSHT giao thông đã tốt hơn thì sẽ giảm các loại  phí… (người dân đã có kinh nghiệm, hầu  như cái gì dính dáng tới tiền ở nước ta mà đã có  hoặc tăng rồi thì khó, nói cách khác là không thể... tự nhiên  biến mất hoặc giảm được).

 

“Vấn đề thu phí giao thông, tôi nghĩ còn rất nhiều khía cạnh BT cần giải thích thêm. Không nên duy ý chí mà áp dụng ngay thì người dân không thể chấp nhận được.

 

Tôi thấy thế này: Phí là thu tiền của dân, số tiền thu vào BT có thể nhẩm tính được dễ dàng, nhưng điểm cốt lõi dân cần biết số tiền đó được sử dụng như thế nào? Có dùng đúng cho việc bảo trì giao thông hay không? Hay là cứ thu vào rồi ngành GTVT chi vào đâu là do họ tự quyết? Dân không biết số tiền đó đi về đâu cả thì làm sao mà giám sát được…

 

Một vấn đề nữa mà tôi xin hỏi BT là: Mọi vấn đề đều có hai mặt của nó, BT có tính toán phần thiệt hại mà nền kinh tế phải hứng chịu khi thực hiện chính sách này không? Khi thực hiện chính sách này thì "cầu của xã hội" về xe cộ sẽ giảm xuống, ảnh hưởng đến GDP, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của rất nhiều người dân, tiền thuế các loại khác sẽ giảm xuống ... Liệu phần thu được khi áp dụng loại phí trên có bù được thiệt hại toàn phần của nền kinh tế cũng như của người dân không?

 

Mong BT có câu trả lời cho dân hiểu. Khi BT đã chuẩn bị chi tiết các kế hoạch, các số liệu tính toán cụ thể và giải thích rõ cho dân hiểu lợi ích XH nhận được, thì tôi nghĩ rằng mọi chuyện đều ổn thỏa cả thôi” - HungQB:  hungpqbhco68@yahoo.com

 

“Tôi không đồng tình với ý tưởng của BT Thăng…  Chúng ta phải đặt ra câu hỏi: tại sao trong thời chiến, Nhà nước huy động gì dân cũng ủng hộ, dân cũng mang hết của cải sức lực để cống hiến? Đó là vì lí do là hòa bình - mục đích chung của cả nước của toàn xã hội.

 

Bây giờ trong thời bình, mục đích mà BT Thăng đề cập đến và phấn đấu cũng là mang đến lợi ích chung cho toàn xã hội, "hứa hẹn" một hệ thống giao thông Việt Nam chất lượng và an toàn. Thế nhưng đa số người dân Việt Nam đều phản đối cách làm và biện pháp mà BT đưa ra? Bởi lẽ nó không hợp với hoàn cảnh hiện tại, không hợp với bối cảnh xã hội và kinh tế ở Việt Nam hiện nay, khi mà dân đang còn rất khó khăn về đời sống.

 

Phương tiện giao thông của người dân sắm được không phải là kết quả để đánh giá đời sống của người dân đang dư dật… mà chẳng qua đó cũng mới chỉ là nỗ lực cố gắng để họ lấy đó làm phương tiện kiếm cơm cho từng gia đình. Sao lại qua đó để mà đánh phí?

 

Muốn hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế tai nạn giao thông ... theo tôin ghĩ, nên phát triển phương tiện công cộng, mở rộng hệ thống và tập trung vào chất lượng thực sự các công trình giao thông. Đừng đổ lỗi do không có kinh phí xây dựng và duy tu bảo dưỡng để rồi thu phí từ người dân nhằm làm việc đó. Phải chú ý ngay từ những khâu xây dựng ban đầu. Còn nếu ngành GTVT không làm được điều đó để bây giờ phải sửa sai bằng hành động thu tiền dân thì… ” -  Cogaixauxi:  xauxi@yahoo.com

 

“Chuyện dân rất ủng hộ mọi chính sách để phục vụ nhân dân là rất bình thường. Còn dân phản đối vì dân không đủ tin tưởng vào chính sách sẽ đảm bảo tính công bằng và hiệu quả. Chương trình của BT Thăng rất hay và dường như rất hợp lý, song thử hỏi: kinh phí dành cho GT mà Việt Nam ta còn phải đi vay thêm đã được sử dụng ra sao, bao nhiêu % phục vụ đúng mục đích là cải thiện CSHT giao thông? Và cứ để tình trạng thất thoát lớn do bị rút ruột công trình như thế, thì mỗi năm người dân VN  và cả các thế hệ mai sau sẽ trả nợ bao nhiêu và tới  bao giờ? Tôi nghĩ, người dân sẽ rất hiểu, có ý thức và hành động đúng đắn khi mọi chính sách rõ ràng và chiếm được lòng tin của người dân” - Cuong:  lynnmagoon@yahoo.com

 

“Xin hỏi ông BT GTVT: Nếu phí trên được áp dụng trong thời gian tới thì quyền lợi của người đóng phí sẽ như thế nào? Vì cứ theo luật thì người đóng phí gì sẽ được hưởng lợi ích từ phí mình đã đóng. Vậy nếu người dân đã đóng phí như ông BT nói thì khi tham gia giao thông mà người đóng phí vẫn gặp các trường hợp như đường đầy ổ gà, ổ voi, bụi gây ô nhiễm có hại cho con người thì sao. Người dân có quyền khiếu nại hoặc kiện lại thì Bộ GTVT có đáp ứng quyền được hưởng giá trị mà người dân đã đóng không?” - Nguyen Duc Phu:  ducphu1242@yahoo.com.vn

 

“Chúng ta nên chia sẻ khó khăn với đất nước, nhưng cũng mong Nhà nước và Chính phủ lắng nghe và nhìn thấy những gì mà nhân dân đang phải đối măt,. Thu phí không phải là chuyện gì mới. Hãy nhìn những loại phí cầu đường, phí đi lại, ăn ở mà nhân dân đã đóng góp trong hàng chục năm nay và hãy nhìn lại cơ sở hạ tầng đã có gì thay đổi chưa ? Tôi thì thấy là hầu như rất ít. Mà phẩn lớn cầu mới xây, đường mới làm được vài tháng đã có hiện tượng xuống cấp. Vậy xin hỏi rằng: nếu như bảo là hãy đóng phí để có tiền trang trải cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, thế thì đã làm được chưa mà cứ năm nào cũng cho ra 1 loạt thuế hoặc phí mới? Cứ như vậy thì làm sao mà người dân còn tin tưởng được…” - An Nguyen:  annguyen.hoang1100@gmail.com

 

“Kính gửi BT Thăng ! Tôi thấy tai nạn giao thông và phí là hai việc hoàn toàn khác nhau. Về toán học mà nói không có một phương trình nào để giải bài toán này. Vì an toàn giao thông thì hàm của nó có các biến là: luật GT và ý thức người tham gia GT cơ mà... Kính thưa BT Dân còn nghèo, thu nhập không đủ lo cái ăn cái học cho con trẻ, thế mà lại nhìn vào thu nhập của những người dư dả hơn để bắt dân đóng thêm tiền  là không nên… Hiện nay chúng ta có lệ phí GT trong xăng dầu và thu phí đường bộ mà cứ 70-80 km/trạm đó, theo tôi là thừa sức xây dựng đường bộ có chất lượng rồi.

 

Vậy cần thu thêm để  hạn chế phương tiện ư? Nhưng phương tiện là cái người ta đi làm ăn nên dù có đưa ra thế chứ nhiều hơn thì cũng không giảm được. Tôi nay tuy đã qua tuổi 60 rồi nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, nếu cần tôi xin nhận 2 khoảng tiền từ lệ phí xăng dầu và phí thu dọc đường đó để làm đường cho cả nước, vì tôi tính lượng tiền này rất lớn (hàng trăm nghìn tỷ/ năm). Nhưng liệu BT có đồng ý cho tôi làm điều này không?” - Võ Tấn Điền:  tandien_qn@yahoo.com
 
Chuyện Phí: Hồi kết nào cho hợp lý...
Liệu thu phí phương tiện giao thông cá nhân cao sẽ nâng cao chất lượng giao thông? (ảnh: vef.vn)

 

Thực tế tỉ lệ nói CÓ so với nói KHÔNG với phí từ phía dư luận là như vậy. Chắc ngành GTVT cũng như bạn đọc đều có thể cân nhắc xem tỉ lệ nào là của số đông…Mà xem ra câu chuyện PHÍ cứ kéo dài mãi như phim bộ dài  kỳ thế này cũng đã quá lâu rồi, cũng nên đến hồi kết sao cho có hậu để người xem là đông đảo cư dân chúng ta đều được hài lòng…

 

Khánh Tùng