Hoá đơn hay là rác?

(Dân trí) - Theo số liệu thống kê của Banknetvn đến tháng 5/2010, cả nước có 47 ngân hàng với 10.200 máy ATM, bình quân mỗi ngân hàng có 217 ATM, số người rút tiền hằng ngày trên mỗi máy có hàng trăm người, hóa đơn vứt ra tung tóe như bãi rác…

Đến nay, số máy ATM còn tăng lên nhiều tạo điều thuận lợi cho việc trả lương, lĩnh lương hay chuyển tiền, nhưng thái độ văn hóa của người sử dụng vẫn chưa được nâng cao.

 

16h30…giờ cao điểm…

 

Chúng tôi có mặt tại điểm đặt ATM có đông người rút nhất ở thành phố Huế của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), số 20 đường Hà Nội. Tính riêng tại điểm ATM này, mỗi ngày có khoảng 300 đến 400 người đến rút tiền, đa số là sinh viên và công nhân viên chức, nhưng trong số đó ít ai bỏ hoá đơn vào thùng rác sau khi đã xem xong mà hầu như mọi người đều vứt ngay xuống chân mình lúc đang ở trong quầy  ATM hay khi vừa ra khỏi ATM.

    

Hoá đơn hay là rác?



Trong khi thùng rác chỉ cách đó khoảng 10cm tức không cần đến 1 giây thì những chiếc hoá đơn đó đã có thể nằm gọn trong thùng rác. Anh Huỳnh văn Phúc ( công nhân công ty Dệt may xuất khẩu Huế ) thấy người khác nhắc nhở liền trả lời: “úi dào, xem xong tiện tay thì vứt đi luôn. Có ai phạt đâu mà sợ”.

 

Nếu như ai cũng “tiện tay” như vậy thì có hoá đơn nào nằm ở trong thùng rác không? Mọi người chen chúc nhau đi vào rút tiền, có người thì đứng chờ trong quầy, có người thì đứng ngay sát cửa ra vào để đợi đến lượt mình. Không khí những ngày nóng bức trong quầy ATM thật ngột ngạt.

 

Ýkiến ca bn v vn đ này xin gi đếDin đàn Dân trí  qua đa ch email: thaolam@dantri.com.vn

Gần hai tiếng đồng hồ có khoảng 150 người đến rút tiền, chỉ khoảng 10% trong số đó bỏ hoá đơn vào thùng rác, khoảng 3% là bỏ vào ví hoặc túi của mình, còn lại tất cả đều “ tiện tay”. Thật đáng buồn là đa số những người “tiện tay” đó là các đấng mày râu, các chị em thì cẩn thận hơn, người thì gấp hoá đơn bỏ ngay vào ví hay túi xách của mình, nhưng cũng có người lại “tiện tay” như thế.

 

Chúng tôi hỏi chị Nguyễn Thị Hà, sinh viên trường Đại học Y dược Huế khi thấy chị vứt tờ hóa đơn ngay khi vừa ra khỏi ATM, chị vừa vội vàng dắt xe vừa trả lời: “ừ! Thì nhiều lúc cũng vội quá nên không để ý, một cái hoá đơn nhỏ rứa thì có ảnh hưởng chi mô!”.

 

Đúng vậy! Một cái hoá đơn nhỏ thì sẽ không có ảnh hưởng gì lớn nhưng hàng chục ngàn cái hoá đơn như vậy bay tung tóe nhiều nơi thì Tp Huế sẽ như thế nào?

 

Số phận của những tờ hoá đơn

 

Hoá đơn sau khi rời khỏi ATM đều được “hoá kiếp” bởi khách hàng dưới mọi hình thức, ném xuông chân mình, xuông nền nhà, bị khách hàng giẫm đạp lên không thương tiếc, cũng có người mang nó ra khỏi buồng máy rồi thẳng tay vứt xuống vỉa hè, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng khiến chúng bay tung toé khắp đường phố. Tệ hơn, có người còn vo viên lại rồi quẳng xuống vỉa hè khi ra khỏi buồng máy.

 

Có một số ít hoá đơn thì may mắn hơn được gấp lại rồi bỏ vào ví hoặc túi xách của những khách hàng, họ giữ lại để xem số dư tài khoản, có những người cầm hoá đơn trên tay, bỏ vào giỏ xe nhưng đi được một đoạn lại vứt ra giữa đường phố…

 

21h15, chúng tôi có mặt tại một điểm ATM khác ở đường Hùng Vương (Tp Huế), gặp chị Hồ Thị Thơm ( công nhân cty Môi Trường và Đô Thị Huế) với bộ đồng phục màu xanh, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, chị đang kiên nhẫn quét những tờ hoá đơn bị vứt xung quang điểm ATM, chị vừa quét vừa nói: “Mệt thật! ngày mô cũng như ngày mô trước ATM khi mô cũng đầy rác em nờ! Có thùng rác hẳn hoi mà người ta không chịu bỏ vào mà lại vứt bừa bãi rứa hề? Thật không chịu nổi!” Chị thở dài rồi làm tiếp công việc của mình. Nói chuyện với chị được 5 phút chúng tôi lại tiếp tục đến những điểm ATM khác. Chúng tôi lại bắt gặp những người “quên” rằng trong quầy ATM có thùng rác.

 

Không chỉ có riêng hoá đơn bị vứt không đúng nơi mà còn có nhiều loại rác khác cũng cùng chung số phận. Thậm chí một số khách hàng vứt luôn cả những bịch nilon sau khi uống nước mía xong, vỏ hộp sữa, kẹo cao su, vỏ kẹo ngay trong buồng máy.

 

Hoá đơn vứt bừa bãi làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường. Huế là một trong những thành phố du lịch nổi tiéng của nước ta, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch. Đừng để những hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy làm cho Huế mất đi hình ảnh trong mắt người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.

 

Vương Diệm_Vũ Minh

 

LTS Dân trí -  Thành phố Huế vốn nổi tiếng thanh lịch cả về cảnh sắc thiên nhiên lẫn tính cách con người, lại là cố đô thời nhà Nguyễn để lại nhiều di tích lịch sử, đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tếng, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới- “Một kiệt tác thơ đô thị”!

Rất tiếc là một số người dân ở nơi đây có hành động thiếu văn hóa vứt hóa đơn bừa bãi sau khi rút tiền từ quầy ATM như bài viết trên đây đã phản ánh.

Mong rằng chính quyền các cấp của TP Huế có quy chế và biện pháp cần thiết nhằm chấm dứt những hành động thiếu văn hóa như vậy.