DMagazine

Vén bức màn bí ẩn về "nỏ thần" An Dương Vương trong huyền thoại

(Dân trí) - Từ những mũi tên đồng của hơn 2.000 năm trước, TS Nguyễn Việt đã cùng các nhà khoa học quân sự đi tìm sự thực về chiếc "nỏ thần" "chỉ núi thì núi tan, chỉ ngàn thì ngàn cháy" khiến quân địch khiếp sợ.

Vén bức màn bí ẩn về "nỏ thần" An Dương Vương trong huyền thoại

Sau khi có trong tay những mũi tên đồng từ hơn 2.000 năm trước, TS Nguyễn Việt đã cùng các nhà khoa học quân sự đi tìm sự thực về chiếc "nỏ thần chỉ núi thì núi tan, chỉ ngàn thì ngàn cháy" mà chẳng cần đến chiếc móng của thần Kim Quy hay tướng quân Cao Lỗ.

Người Việt xưa nay đã quen với truyền thuyết kể rằng, thời Thục Phán - An Dương Vương, nước Âu Lạc sở hữu "nỏ thần" kỳ diệu, lẫy nỏ được làm từ chiếc móng của thần Kim Quy.

Người chế tác ra "nỏ thần" là tướng quân Cao Lỗ. Nỏ thần có sức mạnh diệu kỳ, có thể bắn ra hàng ngàn mũi tên, "chỉ núi thì núi tan, chỉ ngàn thì ngàn cháy" khiến quân địch khiếp sợ.

Đây là câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại. Tuy nhiên, trải qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã dần chứng minh được "nỏ thần" không chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Trong lịch sử, nó là loại vũ khí có thật với tên gọi nỏ Liên Châu, thể hiện tài năng quân sự tuyệt vời của nhân dân nước Việt.

"Đơn hàng" đặc biệt của vị tướng và nhà khoa học tài ba

Câu chuyện "nỏ thần" từ lâu đã gắn liền với mảnh đất Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội và vị tướng Cao Lỗ - người sau này được các nhà khoa học chứng minh là một nhân vật lịch sử có thật, tác giả của chiếc nỏ liễu, mỗi lần bắn ra được 10 mũi tên (theo Việt sử lược).

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 1

Hàng nghìn mũi tên đồng được tìm thấy ở di tích Cổ Loa. (Ảnh: H. T)

Chính tại di tích Cổ Loa, tháng 6/1959, trong khi thi công con đường từ Quốc lộ 3 đi qua khu di tích đến xưởng phim, tại khu vực có tên là Cầu Vực, người dân phát hiện một hố vuông mỗi cạnh gần 1m, sâu khoảng 1,2m. Bên trong hố vuông chứa gần 100kg mũi tên đồng, ước tính khoảng gần một vạn chiếc, với rất nhiều kích cỡ khác nhau.

Trong hố khai quật này chỉ có các bó mũi tên. Các nhà khoa học nhận định, các bộ phận khác như phần cán, phần đuôi thường được làm bằng các vật liệu hữu cơ nên có thể đã bị tan vào đất theo thời gian.

Khối mũi tên khổng lồ trong lòng đất khiến giới khoa học vô cùng tò mò về công dụng và mục đích sử dụng của chúng. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, do chưa có điều kiện nghiên cứu nên những câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 2

Mũi tên của "nỏ thần" là mũi tên đồng 3 cạnh. (Ảnh: Hữu Nghị)

Khoảng 20 mũi tên trong số đó sau này được đem về tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Điểm đặc biệt của loại mũi tên này là có 3 cạnh chứ không phải 2 cạnh như nhiều loại mũi tên khác. Niên đại của chúng vào khoảng 2.000 - 2.500 năm trước, đúng vào giai đoạn diễn ra chiến thắng Cổ Loa.

Hàng loạt câu hỏi xoay quanh mũi tên đồng được đặt ra như: Thời xưa người Việt bắn mũi tên này bằng cái cung hay cái nỏ, hình dáng "vũ khí cổ" đó ra sao? Mức sát thương thế nào? Nó có mối liên hệ gì với truyền thuyết về An Dương Vương sai Cao Lỗ chế "nỏ thần" đánh giặc?

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 3

TS Nguyễn Việt dành nhiều năm nghiên cứu về vũ khí cổ. (Ảnh: Toàn Vũ)

Những câu hỏi trên vốn dĩ cũng là nỗi trăn trở suốt nhiều năm của TS Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. TS Việt vốn là một nhà khoa học lịch sử, lại có quãng thời gian cầm súng chiến đấu trong quân đội nên rất thích nghiên cứu về vũ khí. Ông từng cho ra đời cuốn sách "Quân thủy trong lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm".

Cùng có chung mối quan tâm, Bảo tàng  Lịch sử Quân sự Việt Nam khi ấy - đứng đầu là Thiếu tướng Lê Mã Lương đã giao cho Thượng úy Phạm Vũ Sơn làm đại diện tìm đến TS Nguyễn Việt. Đôi bên đã cùng bắt tay nghiên cứu phục dựng, chứng minh khả năng sát thương của mũi tên đồng Cổ Loa và lẫy nỏ đồng Đông Sơn cách nay 2.000 - 2.500 năm. 

Từ đó một "hợp đồng" đặc biệt giữa những người làm công tác bảo tàng và nhà khoa học nghiên cứu vũ khí cổ được ký kết.

Với TS Nguyễn Việt, ông gọi đó là đề tài "Phục dựng nỏ thần An Dương Vương" bởi chiếc "nỏ thần" từ xa xưa đã gắn với truyền thuyết An Dương Vương giữ nước. Mũi tên đồng tìm thấy tại di tích Cổ Loa lại có niên đại vào thời An Dương Vương lập nên và gìn giữ nhà nước Âu Lạc.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 4

Vén màn bí ẩn trong lòng đất từ cơ sở độc đáo về vũ khí cổ

Nhận "đặt hàng" từ vị tướng nổi tiếng để làm ra một chiếc nỏ mới chỉ được nhắc đến trong lịch sử, nhiều người cho rằng TS Nguyễn Việt quá ư mạo hiểm. Tuy nhiên, sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu về vũ khí cổ, vị tiến sĩ này đã tìm ra được không ít lát cắt thú vị để căn cứ vào đó vén bức màn sương khói, đưa "nỏ thần" ra khỏi truyền thuyết.

Ông cho hay: "Vào thế kỉ thứ 3-4 Trước CN, thế giới đã đạt được công nghệ chế tạo vũ khí (trong đó có nỏ). Khảo sát hiện vật dạng vũ khí đào được trong mộ Tần Thủy Hoàng, rồi các mộ khác nhau tương đương thời An Dương vương, ông học được kiến thức về các máy bắn đàn hồi của vùng Địa Trung Hải.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 5

 "Khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi có cơ sở khoa học để trình diễn rằng: Vào thời kì đó, cái nỏ sẽ như thế nào, truyền thống làm nỏ của vùng Đông Nam Á khi ấy ra sao", TS Nguyễn Việt chia sẻ.

TS Nguyễn Việt cũng tìm thấy nguồn sử liệu quan trọng để có cơ sở để kết luận rằng, nỏ là loại vũ khí được người Việt sử dụng từ xa xưa.

Ông kể: Theo nguồn sử liệu, khi sang đây đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện đã có một báo cáo gửi về cho Hán Quang Đế nói là sẽ mang về 3.000 người Lạc Việt bắn nỏ giỏi giang từ vùng Giao Chỉ để giúp cho triều đình. Lúc đó đang có loạn ở trong nội địa của nhà Hán. Điều đó có nghĩa là từ xa xưa, người Việt sử dụng nỏ là chính chứ không bắn cung.

Khi phục dựng "nỏ thần", TS Việt quyết định dựa vào mẫu Khổng Minh lấy được của Mạnh Hoạch (được mô tả lại trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung).

Theo các tài liệu ông tìm hiểu, vào đời Tống có bức tranh nói về nỏ Khổng Minh. Mạnh Hoạch chính là Lạc Việt, là Bắc của Lào Cai, Tây của Hà Giang, cả vùng Quý Châu (Trung Quốc). Chiếc nỏ đó rất giống nỏ của Đông Nam Á, của người Mường, của bà con vùng Tây Nguyên ở Việt Nam. Cánh nỏ dài khoảng 3m.

Với tất cả những tư liệu trên, TS Nguyễn Việt đã thuyết phục được Thiếu tướng Lê Mã Lương - đơn vị "đặt hàng" đồng ý với mô hình nỏ ông đưa ra.

Trong truyền thuyết lẫy nỏ làm bằng móng rùa nhưng TS Nguyễn Việt phán đoán, rùa là con vật tổ được cư dân Việt cổ tôn thờ nên đã gắn sức mạnh của vị thần cho loại vũ khí "bảo bối" của mình nhằm làm tăng thêm sự thần kỳ và linh thiêng.

"Tôi cho rằng, kỹ thuật đúc mũi tên và kỹ thuật làm lẫy nỏ của thời đó tạo ra một dư âm vang vọng và đọng lại trong dân gian truyền thuyết mà chúng ta đang có. Sự thực của câu chuyện đó có lẽ chỉ là cái cách sáng chế để tạo ra loại vũ khí có tên nỏ Liên Cơ khi mà chỉ với một động tác có thể làm cho một loạt mũi tên văng đi", TS Việt nêu quan điểm.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 6

Khuôn đúc mũi tên đồng thời An Dương Vương ở di tích Cổ Loa. (Ảnh: H. T)

"Năm 2005, khi tiến hành cuộc khai quật Đền Thượng (hay còn gọi là Đền An Dương Vương) tại di tích Cổ Loa, các nhà khảo cổ lại phát hiện ra lò đúc mũi tên đồng cùng các khuôn đúc mũi tên ba cạnh.

Những gì đã phát hiện cho phép xác định đây có thể là khu vực chuyên trách đúc mũi tên đồng để trang bị vũ khí cho quân binh", TS Nguyễn Việt nói.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 7

Thực hành bắn nỏ Liên Châu tại Hà Nội. (Ảnh: Đ. D. H)

Những nhà khảo cổ như TS Việt chỉ có trong tay mũi tên, nên họ phải kết hợp với đội ngũ làm khoa học quân sự để tạo ra một chiếc nỏ hoàn chỉnh. Công cuộc phục dựng "nỏ thần" có không ít câu chuyện thú vị thể hiện cái tài của những người làm khoa học. 

 (Còn nữa)

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Hữu Nghị