DNews

Vợ chồng Nhật nên duyên nhờ Việt Nam, đám cưới mời bác xe ôm, cô bán trà đá

Loan Tô

(Dân trí) - Đám cưới của vợ chồng ông Murayama Yasufumi có sự góp mặt của 20 vị khách Nhật, 80 người bạn Việt. Trong đó, họ là xích lô, xe ôm, các bà ở quán cà phê, trà đá, ông chú quán ăn…

Vợ chồng Nhật nên duyên nhờ Việt Nam, đám cưới mời bác xe ôm, cô bán trà đá

Cuộc gặp mặt đặc biệt với nạn nhân chất độc da cam

"Có ai sẽ tiếp tục theo dõi tình hình Việt Nam sau chiến tranh không?", tháng 9/1988, sau khi hoàn thiện bộ ảnh tại Việt Nam, ông Murayama Yasufumi đã lên tiếng với đồng nghiệp của mình là phóng viên ảnh Bunyo Ishikawa.

 "Tôi không biết nữa", người bạn đáp.

Ngay sau đó, ông Murayama Yasufumi đã khẳng định: "Nếu không có bất kỳ nhiếp ảnh gia nào thì tôi sẽ làm điều đó". 

Từ giây phút đặc biệt đó, cuộc đời của vị nhiếp ảnh gia Nhật Bản đã gắn chặt với Việt Nam. Suốt 25 năm, ông đã hàng chục lần trở lại Việt Nam để tham dự dự án về chất độc màu da cam, Thượng đỉnh Mỹ-Triều, sự nghèo đói, rác thải và HIV/AIDS… tại đất nước hình chữ S.

Vợ chồng Nhật nên duyên nhờ Việt Nam, đám cưới mời bác xe ôm, cô bán trà đá - 1

ÔngMurayama Yasufumi đã có mối duyên nặng nợ với đất nước Việt Nam trong suốt cả sự nghiệp (Ảnh: NVCC).

Năm 2001, trong một dịp tình cờ, ông Murayama Yasufumi quen biết với bà Đỗ Thùy Dương (SN 1988), một nạn nhân chất độc da cam. Chính vết thương khổng lồ trên khuôn mặt cô gái trẻ đã dấy lên trong lòng vị nhiếp ảnh gia sự thương cảm vô tận.

"Chúng tôi đã gặp nhau 6 tháng một lần, hỏi ý kiến của các bệnh viện nhằm thực hiện ca phẫu thuật khối u. Cuối cùng bệnh viện Đại học Kyoto đã tiếp nhận Thùy Dương", ông Murayama Yasufumi kể.

Ngay sau đó, chuyến bay đưa nạn nhân chất độc da cam đến Nhật Bản để thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u đã cất cánh. Câu chuyện cảm động này đã thu hút sự quan tâm của người dân 2 đất nước và một cuộc họp báo diễn ra ngay tại sân bay.

Vợ chồng Nhật nên duyên nhờ Việt Nam, đám cưới mời bác xe ôm, cô bán trà đá - 2

Ông Murayama Yasufumi đã giúp đỡ nhiều nạn nhân chất độc da cam như chị Thùy Dương trong ảnh (Ảnh: NVCC).

Duyên nợ vợ chồng mang tên Việt Nam

Khi đó, tại Nhật Bản, bà Yokogawa Mariko đã lắng nghe qua phương tiện truyền thông. Vài ngày sau bà tìm đến gặp ông Murayama Yasufumi và đề nghị: "Liệu rằng tôi có thể chăm sóc cô ấy không?".

Suốt nhiều tháng ròng, bà Yokogawa Mariko thường xuyên lui vào bệnh viện và lặng lẽ chăm sóc Thùy Dương. Chính sự chăm chỉ, tỉ mẩn và chịu khó của người con gái ấy đã khiến ông Murayama Yasufumi rơi vào lưới tình.

"Đây chẳng qua là định mệnh, và chúng tôi có thể nói rằng cả hai đã mang duyên nợ nhờ Việt Nam", ông Murayama Yasufumi nhớ lại.

3 tháng sau đó, ông Murayama Yasufumi ngỏ lời: "Chúng ta có thể bắt đầu một tình yêu" khiến bà Yokogawa Mariko vô cùng ngượng ngùng.

 Thế nhưng, chính lòng nhân hậu và sự hết mình giúp đỡ nạn nhân chiến tranh Việt Nam đã khiến bà dù không nhận được sự đồng ý của gia đình, vẫn quyết định yêu ông.

"Gia đình vợ tôi cần một người đàn ông có thể che chở cho cô ấy nhiều hơn nên đã phản đối. Thế nhưng cuối cùng cô ấy đã rời nhà và đến ở cùng tôi", ông Murayama Yasufumi nhớ.

Buổi lễ đặc biệt ở TPHCM và món quà cưới trị giá 200.000 đồng

 Sau một năm yêu nhau, tháng 8/2008, cả 2 cùng quyết định tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên có một sự đặc biệt là họ lại lần nữa lựa chọn quay trở lại Việt Nam - nơi bắt đầu mối duyên nợ, để tổ chức lễ cưới.

Hôm đó, cô dâu Yokogawa Mariko mặc bộ áo dài đỏ đậm chất truyền thống Việt Nam khiến ông Murayama Yasufumi không khỏi xúc động.

Vợ chồng Nhật nên duyên nhờ Việt Nam, đám cưới mời bác xe ôm, cô bán trà đá - 3

Đám cưới của cả hai đã diễn ra ấm cúng trong một nhà hàng nhỏ ở TPHCM. Ông Murayama Yasufumi mời 20 người Nhật Bản, còn lại là 80 người bạn Việt Nam từ những người có địa vị xã hội đến cả những người lao động làm nghề xích lô, xe ôm, các bà ở quán cà phê, các ông chú ở quán ăn…

"Mọi người thuộc mọi tầng lớp đều được chào đón, miễn là họ là bạn của tôi. Tất cả họ đều có những hoàn cảnh khác nhau, thế nhưng đều chúc phúc cho cuộc hôn nhân của tôi", ông Murayama Yasufumi nói.

Đặc biệt, trước sảnh nhà hàng không có một bức hình ngoại cảnh, váy vóc cầu kỳ, mà chỉ là tấm ghi chú của chú rể: "Phí tham dự 200.000 đồng" cùng dòng chú thích: "Miễn nhận tiền mừng và quà cưới", khiến quan khách đều ngạc nhiên, không nhịn được cười.

Lý giải điều này, ông Murayama Yasufumi nói rằng đây là một phong tục Nhật Bản. Khác với Việt Nam tiền mừng cưới thường có giá trị lớn, lễ cưới là một lễ kỷ niệm nên ông Murayama Yasufumi muốn bạn bè chỉ cần tặng không quá 200.000 đồng xem như lệ phí hoặc món quà tặng.

Suốt 15 năm bên cạnh nhau, vợ chồng ông Murayama Yasufumi đã đến Việt Nam 8 lần. Đặc biệt kỷ niệm tuần trăng mật, họ lựa chọn đi xe buýt đến Cần Giờ để tận hưởng.

"Cả đêm đó tôi không ngủ được vì có rất nhiều muỗi, vợ tôi buộc phải thức cùng để nói chuyện đến sáng. Mặc dù hiện tại, vợ chồng tôi không có con nhưng cuộc sống rất hạnh phúc. Đặc biệt, tình yêu vô tận với Việt Nam của tôi cũng đã lan truyền sang cô ấy", Murayama Yasufumi cười, kể thêm.

Vợ chồng Nhật nên duyên nhờ Việt Nam, đám cưới mời bác xe ôm, cô bán trà đá - 4

Những người bạn của ông từ quan chức đến xe ôm, xích lô, bà chủ quán cà phê, ông chú quán ăn... (Ảnh: NVCC).

Hình ảnh: NVCC.