9X “miền sông nước” từng diện kiến Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật

(Dân trí) - Sinh ra ở một đảo cù lao giữa bốn bề sông nước tỉnh Bến Tre - nơi các em nhỏ thường bỏ học giữa chừng hoặc đi “ở đợ”, Phạm Hoàng Mẫn quyết tâm tìm nguồn quỹ để bê tông hóa đường, xây dựng sân trường, tổ chức phổ cập văn hoá cho trẻ em quê mình.

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Phạm Hoàng Mẫn

Sinh năm 1993 tại Bến Tre

Thành tích cá nhân:

- Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh Đại học 2011

- Học bổng Thủ Lĩnh trẻ Đông Nam Á 2015 của Tổng thống Obama

- Học bổng Odon Vallet của Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam

- Giải thưởng Trương Vĩnh Ký của Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân Bến Tre (2 lần)

- Giải thưởng Hoa Trạng Nguyên do Bộ Giáo dục& Đào tạo trao tặng

- Bằng khen và cúp lưu niệm "62 gương mặt Sinh viên tiêu biểu" của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng

- Bằng khen về việc hoàn thành công việc ngoại giao tại Nhật Bản do Trung tâm Hợp tác quốc tế Nhật Bản trao tặng

- Bằng khen của UBND Bến Tre vì đã có những đóng góp cho an sinh xã hội vùng sâu vùng xa

- Tốt nghiệp cử nhân hạng President’s Honor for Excellency (bằng Danh dự kèm học bổng 50.000 USD cho sinh viên xuất sắc nhất) ngành Kinh doanh Quốc tế của Trường ĐH Tân Tạo, năm 2015

- Cúp quán quân cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh "Speak Up"

- Hai lần đoạt giải thưởng trong kỳ thi Tiếng Anh Quốc gia, năm 2010 và 2011

- Bằng khen của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Hoa Kỳ năm 2015

- Vinh dự được gặp gỡ Tổng Thống Mỹ Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Malaysia, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ.


Phạm Hoàng Mẫn, chàng trai thủ lĩnh trẻ đến từ Bến Tre

Phạm Hoàng Mẫn, chàng trai thủ lĩnh trẻ đến từ Bến Tre

Năm nhất đại học, Hoàng Mẫn tham gia công tác gây quỹ xã hội và tổ chức chương trình cho trẻ em vùng sâu vùng xa trong chương trình “Trăng biên giới” của CLB Blue Circles tại TP.HCM. Nhìn những trẻ em vùng biên giới, Hoàng Mẫn chạnh lòng nghĩ đến trẻ em ngay ở chính quê hương Bến Tre, các em cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao ước mơ đi học dang dở.

Giữa bốn bề sông nước, những học sinh ở Ba Tri, Bến Tre không có nhiều điều kiện để đến trường vì cách trở bởi giao thông, đặc biệt mùa mưa thì đường lầy lội, sình bùn nhão, trường học cũng không có sân trường khang trang. Vì sự cách trở địa lý như vậy, nhiều em bỏ học giữa chừng, đi “ở đợ” hoặc tha phương cầu thực.

Bắt tay vào hành động, Mẫn làm việc với các bạn sinh viên Singapore, tìm kiếm nguồn quỹ để bê tông hoá con đường đến trường của các em đỡ được phần nào, cũng như xây dựng sân trường khang trang để không phải thấy cái cảnh mùa nắng cát bay mịt mù, mùa mưa thì đất nhão lầy lội.

Dự án của chàng trai Bến Tre đã xây dựng 1.500 mét vuông sân trường học cho các em học sinh tiểu học ở vùng quê của Bến Tre, bê tông hoá 1.000 mét đường nông thôn, tổ chức các hoạt động thể thao và phổ cập văn hoá cho trẻ em, gây quỹ tổ chức các ngày hội cho học sinh vùng sâu vùng xa.

9X “miền sông nước” từng diện kiến Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật - 2

Dự án cũng gặp những khó khăn vì sự cách biệt văn hóa cũng như vấn đề nguồn quỹ. Nhưng sau một thời gian, thành viên ban tổ chức đã hiểu cách làm việc của nhau và giải quyết ổn thoả mọi vấn đề.

“Như bên Singapore, các bạn sẽ tổ chức những buổi car-wash (rửa xe hơi) hay làm bánh bán và gom góp tiền. Đồng thời cũng viết dự án xin tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, từ trường đại học để xin thêm quỹ. Khi đến hè thì các bạn sang đây để làm công tác xã hội: xây dựng trường học, bê tông hoá đường quê cũng như phổ cập tiếng Anh.

Các bạn Singapore cũng nhận ra rằng trẻ em ở những vùng quê nghèo ở Việt Nam không có được học về cách tự giữ gìn vệ sinh cá nhân, nên các bạn đã biên soạn lại một vài giáo trình về cách rửa tay, giữ vệ sinh công cộng và cá nhân cho các em”, Mẫn kể.

Anh chàng Bến Tre cũng tích cực tham gia làm công tác xã hội với các bạn sinh viên Hoa Kỳ. Chương trình tổ chức các hoạt động thể thao cho trẻ em rèn luyện thân thể, phổ cập tiếng Anh và tư duy khoa học cho trẻ em.

Bởi lẽ, Mẫn mong muốn tạo ra sự kết nối trong cộng đồng sinh viên các nước để cùng nhau tìm ra tiếng nói chung, cũng như tận dụng những nguồn lực có sẵn để mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, mới mẻ cho các bạn từ nhiều vùng văn hoá khác nhau.


Mẫn tham dự thảo khoa học Trại hè Phương Nam của 18 trường THPT Chuyên trên địa bàn miền Nam, chia sẻ về kinh nghiệm với các học sinh giỏi.

Mẫn tham dự thảo khoa học Trại hè Phương Nam của 18 trường THPT Chuyên trên địa bàn miền Nam, chia sẻ về kinh nghiệm với các học sinh giỏi.

Với những cống hiến miệt mài cho cộng đồng, Hoàng Mẫn nhận bằng khen của UBND Bến Tre vì đã có những đóng góp cho an sinh xã hội vùng sâu vùng xa, - Bằng khen và cúp lưu niệm "62 gương mặt Sinh viên tiêu biểu" của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng,

Duy trì thành tích học xuất sắc, 4 năm đại học Hoàng Mẫn liên tục nhận học bổng của ngôi trường cậu đang theo học. Năm 2015, Mẫn tốt nghiệp cử nhân hạng President’s Honor for Excellency (bằng Danh dự kèm học bổng 50.000 USD cho sinh viên xuất sắc nhất) ngành Kinh doanh Quốc tế của trường ĐH Tân Tạo và được giữ lại làm việc ở trường.

Chàng trai miền sông nước hiểu rằng tiếng Anh là công cụ để vươn ra thế giới. Không ngừng học hỏi, Mẫn giành Cúp quán quân cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh "Speak Up", hai lần đoạt giải thưởng trong kỳ thi Tiếng Anh Quốc gia (năm 2010 và 2011).

Bằng chính khả năng của mình, Hoàng Mẫn trở thành một gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu vinh dự có cơ hội diện kiến Tổng thống Mỹ Obama 2 lần, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Malaysia, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ.


Chàng trai Bến Tre tham gia chương trình Trại hè sáng tạo do Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức cho các em học sinh nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chàng trai Bến Tre tham gia chương trình Trại hè sáng tạo do Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức cho các em học sinh nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chàng thủ lĩnh trẻ sẽ vẫn còn tiếp tục với hành trình góp phần xây dựng quê hương và cống hiến vì cộng đồng. Chàng trai Bến Tre bộc bạch: “Mẫn biết rằng ở vào vị trí của Mẫn bây giờ, "tay trắng" như vậy thì có muốn đóng góp thì cũng chỉ như “muối bỏ biển”.

Mẫn mong muốn được học cao lên, có kiến thức nhiều hơn mới hi vọng có nhiều sáng kiến hữu dụng đóng góp cho xã hội, nghiên cứu giải pháp phát triển xây dựng quê hương cũng như đào tạo các thế hệ sau để truyền lửa cho việc đóng góp vào các hoạt động cộng đồng”.

Lệ Thu