Câu chuyện Erasmus Mundus: Khu kí túc không Giáng sinh

(Dân trí) - Tôi không buồn vì không có tiệc Giáng Sinh, cũng không phải quá sung sướng vì sẽ không mất một bữa tiệc. Tôi cảm động vì đã nhận được 1 bài học quý báu về tôn trọng đa dạng tôn giáo của bác giám đốc đáng kính.

Nghiên cứu châu Âu (Euroculture) là một trong hơn 200 ngành thạc sỹ bằng kép được Uỷ Ban Châu Âu tài trợ, cũng là chương trình mà sinh viên toàn cầu có cơ hội xin học bổng Liên Minh châu Âu Erasmus Mundus trong 2 năm học (48000EU, bao gồm tiền học phí, tiền bảo hiểm, chi phí sinh hoạt và đi lại).

Sinh viên tốt nghiệp các ngành xã hội nhân văn có nguyện vọng khám phá chính trị, xã hội và văn hoá châu Âu đều được khuyến khích ứng tuyển, và bắt buộc trải nghiệm ở vài trong số 8 nước châu Âu thuộc khuôn khổ chương trình (Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Ý, Séc, Ba Lan và Hà Lan).

Tác giả bài viết Vũ Hồng Trang là sinh viên Việt đầu tiên đạt học bổng của ngành học này, khoá 2015 – 2017. Trang chọn học kỳ 1 ở trường đại học Strasbourg, Pháp kỳ 2 tại Đại học Goettingen, Đức, 1 tuần học bắt buộc tại Olomouc (Séc) và kỳ 3 tại đại học Uppsala, Thuỵ Điển.


Strasbourg - thành phố được mệnh danh thủ đô ngoại giao thứ 2 của nước Pháp.

Strasbourg - thành phố được mệnh danh "thủ đô ngoại giao thứ 2 của nước Pháp".

Trong suốt thế kỷ 20, số phận của thành phố Strasbourg - thủ đô ngoại giao thứ 2 của nước Pháp sau Paris giống như một tấm lụa đào, phất phơ lúc thuộc về Pháp lúc bị gộp vào lãnh thổ Đức. Nhưng đây cũng lại là thành phố biểu tượng của sự hoà giải Pháp – Đức, thể hiện tinh thần hoà bình và đoàn kết châu Âu, và bởi thế mà nó được chọn làm trụ sở của Uỷ hội châu Âu (Conseil de l’Europe).

Kỷ niệm đẹp nhất của tôi tại Strasbourg, không phải lần đầu đi bán hàng làm từ thiện tại chợ đồ cũ cùng hội sinh viên Việt, không phải là khu chợ Giáng Sinh tràn ngập sắc màu, không phải là những khu lâu đài bề thế của kiến trúc Pháp và Đức, không phải là nhà thờ Notre Dame tráng lệ mà là khu ký túc giản dị La Robertsau của những sinh viên nơi tôi đã gặp bè bạn từ 80 quốc gia, phần lớn từ cộng đồng nói tiếng Pháp. Một khu ký túc xá xa trung tâm, rất gần Toà Án Nhân Quyền châu Âu, điều kiện vật chất hạn chế nhưng lại là nơi nhộn nhịp những hoạt động giao lưu văn hoá, nơi tôi thực sự trưởng thành.

Một người góp phần làm cho khu ký túc giống như một đại gia đình đa sắc tộc ấy là là bác giám đốc khu nhà, một người mang hai dòng máu Đức và Pháp. Chính bác đã từng thừa nhận với sinh viên chúng tôi: Bác từ nhỏ sống trong môi trường song văn hoá, nên hiểu rõ lợi thế của những người được tiếp xúc với những môi trường giao thoa văn hoá, chính vì thế bác coi sứ mệnh của mình là cổ vũ đa văn hoá trong khu ký túc.

Không có tuần nào là không có một sự kiện tập thể diễn ra, cho dù là một buổi chiếu phim vào tối chủ nhật, cuộc bầu cử Hội Sinh viên sôi động, hay lớp học diễn kịch miễn phí, câu lạc bộ ngoại ngữ, hay một buổi toạ đàm về chủ đề thức ăn sạch hay quấy rối tình dục. Số tiền chi tiêu cho mỗi buổi gặp gỡ không lớn, chỉ đủ trang trải cho bánh ngọt và nước hoa quả, nhưng lại là cầu nối để sinh viên năm châu gặp gỡ.

Bác giám đốc rất nhiệt tình lắng nghe những trăn trở của sinh viên. Sinh viên có thể trực tiếp gặp bác để phản ánh và thảo luận những vấn đề bức xúc cá nhân: lò sưởi chưa đủ ấm, nhà bếp khoá cửa sớm, bãi gửi xe thiếu chỗ, sinh viên A chiếm phòng piano quá lâu, sinh viên B độc chiếm phòng gym, sinh viên C chơi violon gây ồn ào, hay có 1 nhân vật khả nghi xuất hiện tại khu nhà, ...


Khu kí túc La Robertsau, nơi tác giả lưu trú trong thời gian học tập tại Pháp.

Khu kí túc La Robertsau, nơi tác giả lưu trú trong thời gian học tập tại Pháp.

Bác là một người lên kế hoạch vô cùng chu đáo, và luôn duy trì đều đặn các buổi họp mặt với hội sinh viên của khu nhà (12 thành viên) hàng tháng. Tôi là 1 thành viên của hội sinh viên, phụ trách các vấn đề của sinh viên châu Á. Chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày Giáng sinh mà phía hội vẫn bặt vô âm tín. Tôi hỏi Nadir, chủ tịch Hội sinh viên: “Thế tình hình Giáng sinh thế nào?” Cậu ta thản nhiên trả lời: “Từ trước tới giờ không có tiền lệ tổ chức Giáng sinh”.

Không kịp chờ Nadir giải thích thêm, tôi, vẫn cái tính bồng bột thuở nào, chạy thẳng một mạch tới phòng giám đốc và xin gặp trực tiếp bác giám đốc. Tôi đề nghị chân thành:

- Dạ, Giáng Sinh tới nhiều bạn về nhà, nhưng cũng nhiều bạn ở lại ký túc lắm bác ạ. Nhiều bạn còn phải làm thêm để kiếm tiền, không thể về sum họp với gia đình. Sao chúng ta không tổ chức tiệc liên hoan Giáng sinh ạ?

Bác cười hiền từ rồi nói:

- Cháu biết không, Giáng sinh là ngày của thiên chúa giáo. Nhưng không phải tất cả sinh viên ở đây đều tin Giê-su. Ở đây, 40% sinh viên đến từ các nước Hồi giáo, nhiều sinh viên Pháp mang đạo Hồi, có khoảng 3 bạn là người Nhật, chắc không thuộc 2 tôn giáo ấy, rồi có 11 bạn người Hindu giáo, 1 bạn người Israel. Nếu chúng ta tổ chức Giáng sinh thì cũng cần phải tổ chức liên hoan cho tất cả các bạn thuộc tôn giáo khác, mà điều này thì kinh phí chưa cho phép.

Tôi chợt bừng tỉnh, tự thấy mình vô tâm.

Bác tiếp lời:

- Nhưng đừng lo, đổi lại chúng ta lại làm bữa liên hoan năm mới thật lớn, vì năm mới là niềm vui chung của tất cả mọi người.

Tôi không buồn vì không có tiệc Giáng sinh, cũng không phải quá sung sướng vì sẽ không mất một bữa tiệc. Tôi cảm động vì đã nhận được 1 bài học quý báu về tôn trọng đa dạng tôn giáo của bác giám đốc đáng kính...

Trang Vũ