Châu Á nổi lên là “đối thủ đáng gờm” với Đại học Mỹ và Anh

(Dân trí) - Mỹ và Anh quốc vẫn là 2 nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới khi chiếm trọn Top 10 của BXH các trường đại học theo bình chọn của Times Higher Education. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong BXH này là châu Á đang vươn lên mạnh mẽ.

Năm thứ hai liên tiếp, Viện công nghệ California (The California Institute of Technology) giữ ngôi đầu bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của Times Higher Education.

 

Trong Top 10, Mỹ vẫn tiếp tục cho thấy ưu thế áp đảo khi đóng góp tới 7 đại diện. Ba “suất” còn lại thuộc về Vương quốc Anh với Đại học Oxford (hạng 2, vượt hai bậc so với năm ngoái), ĐH Cambridge (hạng 7, tụt một hạng) và Học viện Hoàng gia London (Imperial College London - giữ nguyên hạng 8).

 

Viện công nghệ California đứng đầu BXH các trường ĐH trên thế giới của THE năm thứ 2 liên tiếp
Viện công nghệ California đứng đầu BXH các trường ĐH trên thế giới của THE năm thứ 2 liên tiếp
 


So với bảng xếp hạng QS World University Rankings công bố hồi giữa tháng 9, Mỹ có nhiều hơn một đại diện trong Top 10. Tuy nhiên, thứ hạng của các trường có sự “vênh” khá rõ nét. Viện Công nghệ MIT, quán quân trên BXH của QS, chỉ đứng hạng 5 theo xếp hạng của THE, dù so sánh với thứ hạng năm ngoái, MIT đã tiến được 2 bậc.

 

Ngoài Viện công nghệ California và Viện công nghệ MIT, các “gương mặt” khác trong Top 10 đến từ nước Mỹ bao gồm ĐH Stanford (đồng hạng 2), ĐH Harvard (hạng 4), ĐH Princeton (hạng 6), ĐH California, Berkeley (hạng 9) và ĐH Chicago, nơi GS. Ngô Bảo Châu đang giảng dạy, xếp hạng 10.

 

ĐH Oxford là một trong 3 đại diện của Anh trong Top 10
ĐH Oxford là một trong 3 đại diện của Anh trong Top 10



Mở rộng ra, trong Top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới, nước Mỹ chiếm tới hơn 1/3, với 76 trường. Tiếp đến là Vương quốc Anh. Một nền giáo dục lâu đời ở châu Âu là Pháp góp 7 đại diện (so với 5 của năm ngoái) trong Top 200.

 

Theo phân tích của các chuyên gia, dù vẫn chiếm đa số trên các BXH nhưng nhiều trường ĐH của Mỹ và Vương quốc Anh đang dần để mất vị trí vào tay các trường châu Á, được coi như “ngôi sao đang lên” trong giáo dục đại học.

 

Các đại học ở Trung Quốc, Singapore, Đài Loan và đặc biệt là Hàn Quốc có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng năm nay. Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy sự dịch chuyển trong cán cân quyền lực từ Tây sang Đông. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự vươn lên của các trường đại học châu Á là việc họ nhận được hỗ trợ ngân sách không nhỏ từ chính phủ.

 

Các trường đại học châu Á đang vươn lên mạnh mẽ. Ảnh: ĐH Tokyo (nguồn: Internet)
Các trường đại học châu Á đang vươn lên mạnh mẽ. Ảnh: ĐH Tokyo (nguồn: Internet)



Bảng xếp hạng này cũng là lời cảnh báo các trường đẳng cấp của Anh sớm có nguy cơ rơi vào nhóm bậc trung do tình trạng cắt giảm ngân sách đầu tư, học phí tăng cao và tính cạnh tranh toàn cầu gay gắt.

 

“Ngoài tam giác vàng gồm London, Oxford và Cambridge, các trường đại học đẳng cấp thế giới của Anh đang phải đối mặt với nguy cơ bị rơi xuống nhóm bậc trung”, ông Phil Baty, biên tập viên của THE nhận định.

 

“Nguồn đầu tư lớn cho các trường đại học hàng đầu ở châu Á đã bắt đầu gặt hái kết quả. Và khi mặt trời mọc ở hướng đông thì nước Anh đang đối diện với cơn bão”, ông này ví von một cách hình ảnh.

 

Tạp chí THE xếp hạng các trường đại học dựa trên hơn 13 tiêu chí, như nghiên cứu, giảng dạy, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế. Có khoảng hơn 700 trường đại học trên thế giới được THE đánh giá.
 
Mạnh Hải
Tổng hợp