Chiêu săn đồ cũ "ngon bổ rẻ" của DHS Việt tại Thụy Điển

(Dân trí) - Mua đồ second-hand (đồ cũ) là một trong những bí quyết tiết kiệm của các bạn du học sinh Việt Nam tại Thụy Điển. Giá một chiếc xe đạp cũ thường chỉ bằng 1/5 giá xe mới mà chất lượng khá ổn và khi bán đi vẫn được giá.

Thụy Điển là quốc gia điển hình có mức sống cao ở Bắc Âu, vì thế, chi phí sinh hoạt nơi đây thuộc hàng đắt đỏ. Tuy nhiên, chi phí dao động ở mức khác nhau tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống, chẳng hạn như ở Stockholm, giá cả sinh hoạt thường cao hơn đáng kể so với các thị trấn nhỏ.

Đồ second-hand "ngon bổ rẻ"

Trần Phạm Tấn Hưng đang theo học thạc sĩ ngành phát triển kinh doanh của trường Đại học Umeå cho hay, đồ cũ rất đa dạng từ xe đạp, quần áo, đồ trang sức, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày và cả sách vở...được bán với giá mềm hơn nhiều so với hàng mới.

Trần Phạm Tấn Hưng
Trần Phạm Tấn Hưng

"Giá một chiếc xe đạp cũ có thể chỉ bằng 1/5 mức giá xe mới nhưng chất lượng khá ổn và nếu người dùng giữ gìn tốt thì khi bán lại vẫn được giá vì nhu cầu mua của sinh viên rất lớn. Hồi đầu, do chưa biết về dịch vụ đồ cũ, một số bạn du học sinh thường mua xe đạp và đồ dùng sinh hoạt ngay sau khi nhập trường nên khá tốn kém", Hưng nói.

Các kênh thông tin về mua bán đồ cũ rất nhiều như hỏi qua bạn bè từng có kinh nghiệm, xem trên trang Facebook hay diễn đàn của các bạn sinh viên tự lập. Ngoài ra, các bạn sinh viên, đa phần là người Thụy Điển, khoảng 2 tháng lại tổ chức chợ đồ cũ một lần trong khuôn viên của trường nên rất tiện, Nguyễn Thu Hương học cùng chuyên ngành với Hưng cho biết.

Ở các khu ký túc xá luôn có những tấm bảng để sinh viên đăng tin "rao vặt" mua bán đồ cũ. Thường là những sinh viên sắp ra trường sẽ sang nhượng lại sách vở và đồ dùng học tập ở mức giá rất rẻ. Mỗi mục quảng cáo được viết trên một tờ giấy khung hình chữ nhật và có hiệu lực trong hai tuần, sau đó, sẽ được gỡ xuống để nhường chỗ cho các sinh viên khác.

"Nếu chịu khó để ý thì rất dễ chọn cho mình những đồ cũ vừa rẻ vừa chất lượng, giúp tiết kiệm khoản chi phí đáng kể với nhiều du học sinh", Hương nói.

Các mẩu tin rao vặt của sinh viên trường Đại học Umeå (Ảnh: N.H)
Các mẩu tin "rao vặt" của sinh viên trường Đại học Umeå (Ảnh: N.H)

Về chỗ ở, Nguyễn Thu Vân đang học chuyên ngành quản lý y tế công của trường Đại học Umeå, cho biết, trường chỉ cho sinh viên ở năm đầu trong ký túc xá còn từ năm thứ 2 là phải ở ngoài. Giá phòng ký túc xá vào khoảng 6 triệu đồng/tháng, điện nước dùng thoải mái, còn nếu thuê một phòng 20 mét vuông ở ngoài thì mức giá khoảng 5 triệu đồng/tháng.

"Ăn uống cũng không tốn kém lắm nếu mình biết cách cân đối chi tiêu sao cho hợp lý. Gần trường em có hai siêu thị hay giảm giá nhiều mặt hàng vào cuối tuần, vì thế, em thường đến đây mua thực phẩm để về tự nấu ăn. Trung bình một bữa chỉ vào khoảng 50-70 nghìn đồng và quan trọng là mình nấu món ăn theo kiểu Việt Nam nên thấy ngon hơn. Cuối tháng dư dả, chúng em lại tụ tập "đập phá" một bữa", Vân nói.

Lê Ngọc Hà, du học sinh tại trường Đại học Lund cũng có bí quyết tiết kiệm riêng của mình. Hà cho biết, thỉnh thoảng Hà và các bạn lại tới thành phố Malmö chỉ cách Lund 15 phút đi tàu để săn đồ giảm giá ở siêu thị và đặc biệt ở đây có nhiều người Việt sinh sống nên dễ mua đồ kiểu Việt Nam hơn.

Khi mới đến Hà chưa biết giá cả hàng hóa thế nào nên chủ động hỏi các bạn và cũng tự mình khảo sát giá ở các trung tâm, siêu thị và thấy rằng rau tươi bán ngoài phố thường rẻ hơn trong siêu thị.

Nguyễn Thu Vân cùng các bạn trong lớp
Nguyễn Thu Vân cùng các bạn trong lớp

"Thầy cô không bao giờ quên trả lời câu hỏi của sinh viên"

Điều ấn tượng nhất đối với Lê Ngọc Hà khi học tại Thụy Điển là sinh viên luôn được khuyến khích và tạo điều kiện để nói lên ý kiến của mình còn các thầy cô chỉ giúp định hướng.

Khi trao đổi với thầy về một đề tài, thầy sẽ hỏi sinh viên tại sao chọn đề tài, lý thuyết định sử dụng, các tài liệu tham khảo như thế nào. Quá trình trao đổi giữa thầy trò rất cởi mở. Sinh viên có thể phản bác lại thầy và nếu thầy chưa hiểu vấn đề sinh viên trình bày, thầy sẽ bảo cần tìm hiểu thêm thông tin rồi sẽ tiếp tục thảo luận với sinh viên sau. Sinh viên thường gọi các thầy cô bằng tên riêng cho thân mật chứ không gọi theo họ dù họ là giáo sư hay có chức vụ trong trường

"Khi thầy giảng bài, sinh viên có thể đặt câu hỏi bất kỳ lúc nào, dù đúng hay sai đều được khuyến khích phát biểu ý kiến và các thầy không bao giờ quên trả lời. Có thể thầy sẽ trả lời trước lớp nếu thấy vấn đề đó quan trọng cho các sinh viên khác hoặc có thể email riêng cho người hỏi", Hà nói.

Liên quan đến việc thi cử, Nguyễn Thu Hương cho biết, ở trường Đại học Umeå, sinh viên học theo kiểu cuốn chiếu nên thường cứ mỗi tháng là thi một môn và hầu hết các bài thi đều theo phương pháp tự luận. Trường có khu dành riêng cho việc thi cử gọi là trường thi. Sau khi phát đề xong, sẽ có thầy/cô đến phòng thi để sẵn sàng giải thích thắc mắc của sinh viên về đề thi như liên quan về mặt câu chữ hay cách thức trình bày câu trả lời...

Nguyễn Thu Hương trong chuyến thăm một trang trại nai sừng tấm ở Bjurholm, Thụy Điển
Nguyễn Thu Hương trong chuyến thăm một trang trại nai sừng tấm ở Bjurholm, Thụy Điển

Khi vào phòng thi, sinh viên được yêu cầu để áo khoác, cặp sách và điện thoại ở ngoài, chỉ mang duy nhất hộ chiếu vào để kiểm tra.

"Kỳ thi vừa rồi, có một bạn cố tình mang điện thoại vào nhà vệ sinh để tra cứu thông tin nào ngờ nhà vệ sinh có thiết bị công nghệ hiện đại tự động phát hiện điện thoại di động nên bạn ấy bị lộ. Sau đó, nhà trường gửi thông báo về trường hợp của bạn ấy cho tất cả các sinh viên được biết để cảnh cáo và bạn ấy bị đình chỉ học 2 tuần", Hương kể.

Trong phòng thi các bàn đều cách nhau gần 1 mét và mỗi bàn chỉ có một người ngồi nên ai có ý định gian lận thì cũng khó mà qua được. Ở đây không có các khu vực để photo tài liệu như ở Việt Nam nên khi sinh viên muốn photo thì phải vào thư viện mà giá cũng khá cao", Hương cho biết thêm.

"Học ở đây cũng không dễ đạo văn vì mỗi lần sinh viên nộp bài đều được kiểm tra qua một hệ thống. Qua đó, hệ thống có thể biết được bao nhiêu phần trăm bài được copy từ chỗ khác, vì vậy, nếu muốn sử dụng thông tin từ nguồn khác, sinh viên phải trích dẫn nguồn cẩn thận và đề tên tác giả", Hương nói.

Nam Hằng

(Ảnh: NVCC)