Chuyện chưa kể về tình yêu tiếng Việt của 3 người bạn Nhật

(Dân trí) - Đến từ những vùng đất khác nhau của Nhật Bản nhưng cụ ông Tanaka Tetsujiro (83 tuổi), cô Yoshimura Kyoko (61 tuổi) và chị Ito Hiromi (30 tuổi) lại có một điểm chung đặc biệt: Đó là tình yêu đến say mê với ngôn ngữ tiếng Việt.

Vừa qua, tại Hội trường ĐH Osaka, cuộc thi Hùng biện tiếng Việt và tiếng Nhật lần thứ Nhất tại Nhật Bản đã diễn ra.

Như lời phát biểu của PGS Shimizu Masaaki, Khoa sau Đại học nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa - ĐH Osaka, thành viên BGK cuộc thi, “với mong muốn kỉ niệm Việt Nam 70 năm giành độc lập, 40 năm thống nhất đất nước – những sự kiện có ý nghĩa hòa bình, chúng tôi rất hy vọng mọi dân tộc trong đó có Việt Nam và Nhật Bản có thể luôn nối vòng hòa bình nên đã chọn đề tài là chữ “輪”- “Vòng”” ( trong nghĩa “vòng nối” - PV).

Và trong cuộc thi với 16 màn hùng biện đầy hào hứng trên sân khấu, có lẽ tất thảy khán giả có mặt đều hết sức ấn tượng với 3 thí sinh đặc biệt của xứ sở Phù Tang.

Đó là cụ ông Tanaka Tetsujiro (83 tuổi), cô Yoshimura Kyoko (61 tuổi) và chị Ito Hiromi (30 tuổi). Những con người dễ mến đến từ những vùng đất khác nhau của Nhật Bản có một điểm chung rất đặc biệt: Tình yêu đến say mê với ngôn ngữ tiếng Việt.

Nụ cười rạng rỡ của ông Tanaka Tetsujiro khi được hỏi về tình yêu dành cho Việt Nam
Nụ cười rạng rỡ của ông Tanaka Tetsujiro khi được hỏi về tình yêu dành cho Việt Nam

Đầu tiên là cụ ông Tanaka Tetsujiro, 83 tuổi. Là thí sinh lớn tuổi nhất và cũng chỉ mới tự học tiếng Việt được chưa đầy 2 tháng nhưng ông Tanaka Tetsujiro không ngần ngại thử sức tại cuộc thi.

Trong câu chuyện của mình, ông nhớ lại lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1995 và ấn tượng về đất nước, con người thân thiện này, ông đã nhiều lần tới đây vào những năm sau đó.

Năm 1999, ông đến TPHCM và nhìn thấy trên đường phố rất nhiều xe máy xuất xứ Nhật Bản, ông vừa tự hào vừa vui sướng vì chiếc “bánh xe” (chủ đề “vòng tròn” và “bánh xe” mà ông nhắc tới là đồng âm nhưng khác Hán tự - PV) của nước Nhật đã đóng góp vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

“Có thể nói bánh xe đã kết nối con người, tạo nên vòng tròn của tình hữu nghị, hạnh phúc, chúng ta hãy luôn giữ vòng tròn hòa bình nhé”, ông Tanaka Tetsujiro cầu chúc.

Và trong buổi giao lưu sau cuộc thi, lời chia sẻ thêm của ông “dù bây giờ tai tôi đã khó nghe hơn trước vì có lẽ tuổi đã cao, nhưng tôi sẽ học tiếng Việt cho đến lúc chết” đủ để mọi người xúc động về một tấm gương ham học hỏi đáng để noi theo.


Cô Yoshimura Kyoko gây xúc động về câu chuyện tình bạn đẹp 15 năm với người phụ nữ Việt không may bị khiếm thị.

Cô Yoshimura Kyoko gây xúc động về câu chuyện tình bạn đẹp 15 năm với người phụ nữ Việt không may bị khiếm thị.

Còn với cô Yoshimura Kyoko, năm nay đã 61 tuổi và sắp sửa nghỉ hưu nhưng cô sớm có một mục tiêu để theo đuổi : “Sau khi nghỉ hưu có thể được thoải mái thời gian học tiếng Việt”.

Trong bài thi của mình, cô Yoshimura Kyoko trải lòng về tình bạn đẹp 15 năm với một phụ nữ Việt khiếm thị tên Thúy.

Với tất cả sự trân trọng, nể phục, cô kể về người bạn mình. Đó là một người khiếm thị có thể tự học tiếng Nhật, tự thi đỗ những kì thi Năng lực tiếng Nhật, rồi sang Nhật học những chuyên ngành khó của Đông Y như bấm huyệt, giác hơi và châm cứu.

Sau đó chị Thúy đã đỗ kì thi chuyên môn Quốc gia và được cấp giấy phép làm việc (Ở Nhật, mọi lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn đều có các kì thi toàn quốc và người muốn làm việc phải đỗ, được cấp bằng, chứng chỉ mới được làm việc - PV ). Hiện chị đang sinh sống và làm việc chăm sóc sức khỏe cho một công ty IT tại Nhật.

“Khởi đầu của cuộc gặp gỡ 15 năm trước, tôi muốn hỗ trợ Thúy, làm cô ấy vui và cổ vũ cô ấy có thêm ý chí. Nhưng thực ra Thúy mới là người giúp đỡ cho tôi nhiều hơn. Tôi học được nhiều hơn về xã hội Việt Nam, Nhật Bản và cuộc sống của người khiếm thị. Nhiều bài học quan trọng từ cuộc sống tôi cũng nhận được từ em.

Thúy là một người bạn quý giá của tôi. Tôi rất trân trọng em. Vòng tròn của tình bạn là sự kết nối giữa hai con người, sự thấu hiểu giữa hai tâm hồn và trở thành tình yêu dành cho hai đất nước”, cô Yoshimura Kyoko kết luận.

Phó giáo sư Shimizu Masaaki trao giải Nhất cho chị Ito Hiromi.
Phó giáo sư Shimizu Masaaki trao giải Nhất cho chị Ito Hiromi.

Khác với hai thí sinh đặc biệt trên, chị Ito Hiromi (30 tuổi) - người giành giải Nhất trong phần thi bộ môn tiếng Việt dành cho người không chuyên lại đưa ra những phân tích, bình luận về vấn đề bất cập trong dân số Nhật Bản hiện nay như tỉ lệ sinh thấp, nhu cầu kết hôn giảm, dân số già hóa…

Chị chia sẻ đầy dí dỏm hài hước về cuộc sống ở Hà Nội trong khoảng thời gian ngắn của chị, những con người thân thiện, cởi mở. Theo chị Ito, chồng chị vốn “sợ có con” nhưng sau khi cùng chị đến Việt Nam sinh sống một thời gian ngắn thì lại… muốn có con do đất nước Việt Nam… nhiều trẻ con. Hiện tại, chị đang mang bầu 8 tháng.

Hiện nay ở Nhật có không nhiều những người Nhật chọn Tiếng Việt là bộ môn ngoại ngữ để học tập, nghiên cứu, nhưng nếu đã chọn thì họ rất tâm huyết say mê. Mỗi người có một lý do khác nhau chọn tiếng Việt làm bộ môn ngoại ngữ. Song lý do lớn nhất là tình yêu dành cho đất nước, văn hóa con người Việt Nam. Và chính họ vẫn đang làm công việc như một đại sứ hữu nghị, chia sẻ, lan tỏa cảm hứng về tình yêu đó với những người xung quanh, mỗi ngày.

Nhật Linh

(Từ Osaka, Nhật Bản)