Đà Nẵng: Hội nghị hợp tác GD Việt Nam - Lào

(Dân trí) - Hôm nay 7/9, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị hợp tác GD Việt Nam - Lào 2012. Hội nghị do Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ GD&TT Lào phối hợp tổ chức.

Hội nghị hợp tác GD Việt Nam - Lào 2012 diễn ra hôm nay 7/9 tại Đà Nẵng.
Hội nghị hợp tác GD Việt Nam - Lào 2012 diễn ra hôm nay 7/9 tại Đà Nẵng.

Hội nghị nhằm đánh giá và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GD và phát triển nguồn nhân lực.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT Việt Nam tại hội nghị, từ năm 1992 đến nay, hàng năm, Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ GD - Thể thao (GD&TT) Lào đều ký kết kế hoạch hợp tác trên lĩnh vực GD - ĐT như hỗ trợ nước bạn Lào phát triển các cơ sở GD, đào tạo cán bộ, trao đổi đoàn công tác để học tập kinh nghiệm quản lý GD, cũng như nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV).

Tính đến thời điểm này, có tổng số hơn 5 nghìn HS Lào đang học tập tại các cơ sở GD-ĐT ở Việt Nam từ nhiều nguồn học bổng, tài trợ của Chính phủ hai nước, của các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, và cả du học tự túc. Riêng trong năm học mới 2012 - 2013 này, theo Hiệp định hợp tác giữa 2 Chính phủ, Việt Nam đã tiếp nhận đào tạo 750 lưu HS Lào. Trong đó, riêng Bộ GD-ĐT Việt Nam tiếp nhận gần 400 cán bộ, SV, học viên cao học, nghiên cứu sinh, HS là con em Việt kiều được học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn.

Cũng tính đến thời điểm này, đã có hơn 400 lưu HS Việt Nam sang Lào du học bằng học bổng do nước bạn lào chu cấp. Hiện trong thời điểm này, có gần 500 lưu HS Việt Nam đang du học ở Lào theo các diện Hiệp định hợp tác giữa 2 Chính phủ, diện kết nghĩa giữa các địa phương, các Bộ, ngành… và tự túc.  

Hội nghị hợp tác GD Việt Nam - Lào 2012 diễn ra hôm nay 7/9 tại Đà Nẵng.
Các đại biểu đại diện Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ GD&TT Lào đã nghe các báo cáo, đánh giá và đóng góp ý kiến nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực GD và phát triển nguồn nhân lực.

Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ GD&TT Lào trong thời gian qua không ngừng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác như xây dựng cơ sở vật chất, trao đổi đoàn công tác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, Việt Nam hỗ trợ chuyên gia và cử GV sang dạy tiếng Việt tại Lào, cung cấp các chương trình, tài liệu, SGK… Đặc biệt, sau một năm triển khai đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực GD và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 -2020” (Đề án hợp tác GD Việt - Lào), công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học đã được tập trung vốn đầu tư nhiều hơn, như khởi công xây dựng khoa tiếng Việt tại trường ĐH Quốc gia Lào, xây dựng Trường THPT tỉnh Luang-Pra-Băng, Trường PTDTNT tỉnh Xiêng Khoảng…

Điểm lại các thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình hợp tác GD giữa hai nước, tại hội nghị, đại biểu hai bên cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế trong chất lượng đào tạo. Nhiều lưu HS Lào sau thời gian học dài ở Việt Nam khi về nước chưa nói rõ được tiếng Việt. Nhiều lưu HS chưa tìm được việc làm hoặc hạn chế trong việc bố trí công việc sau khi về nước… Theo đó, các đại biểu đề xuất ý kiến nên thành lập trung tâm tiếng Việt tại Lào do nhu cầu hiện nay rất cao. Ngoài ra, các trường ĐH 2 nước nên có các chương trình liên kết đào tạo; cần bố trí công việc cho lưu HS Lào cũng như lưu HS Việt Nam sau khi về nước, xây dựng trang thông tin việc làm trên mạng để lưu HS có thể tìm hiểu, có kế hoạch và tìm được việc làm thuận lợi hơn khi về nước...

Khánh Hiền