“Đa phần sinh viên Việt đang học ngành ít có cơ hội cạnh tranh xin việc tại Mỹ”

(Dân trí) - TS. Đinh Công Bằng (Tốt nghiệp tiến sĩ ngành Khoa học thông tin, Đại học bang Florida) lưu ý, số sinh viên sau đại học ít ỏi, và số sinh viên ngoài STEM đông được coi là nguyên nhân dẫn đến khó khăn xin việc thực tập của sinh viên Việt Nam tại Mỹ.

Khá nhiều bạn trẻ coi nước Mỹ là thánh địa của những cơ hội vì Mỹ là số ít những quốc gia chào đón sinh viên quốc tế làm việc lâu dài và trở thành công dân của họ.

Tuy nhiên, theo một thống kê không chính thức, cứ 100 du học sinh đang học Mỹ chỉ có khoảng 2-3 người (muốn hoặc có thể) ở lại làm việc theo con đường khoa bảng.

Tọa đàm "Xin việc theo con đường khoa bảng tại Mỹ - Cơ hội và thách thức?" diễn ra mới đây đã giúp sinh viên Việt Nam hiểu rõ về xu thế tuyển dụng ở Mỹ và chuẩn bị những kĩ năng giúp cạnh tranh tốt hơn với sinh viên bản xứ khi tham gia thị trường việc làm chất lượng cao ở Mỹ.

Thị trường việc làm cho người ngoại quốc tại Mỹ: Hẹp và không dễ!

Tiến sĩ Đinh Công Bằng (từng là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Khoa học thông tin, Đại học bang Florida, có hơn 20 năm làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam và Hoa Kỳ; hiện là nhà hoạt động cộng đồng trong các lĩnh vực giáo dục quốc tế, việc làm, và định cư tại Hoa kỳ) cho biết, về cơ bản có 7 mốc sự kiện quan trọng để sinh viên quốc tế nhận thẻ xanh sau thời gian du học tại Mỹ.

Đó là: Nhận visa du học (visa F-1/ J-1), thực tập trước tốt nghiệp tại Mỹ, nhận Thẻ lao động từ Sơ Di trú Mỹ - cùng lúc đó có Thẻ an sinh xã hội, thực tập sau khi tốt nghiệp (OPT), những ứng cử viên có triển vọng được công ty mời ở lại làm việc - được cấp visa làm việc H1B, sau thời gian tiếp theo được công ty/ trường đại học bảo lãnh thẻ định cư tại Mỹ.

Các mốc sự kiện quan trọng để sinh viên quốc tế nhận thẻ xanh sau thời gian du học tại Mỹ (từ phải qua trái).
Các mốc sự kiện quan trọng để sinh viên quốc tế nhận thẻ xanh sau thời gian du học tại Mỹ (từ phải qua trái).

Ông Bằng nhấn mạnh, thị trường lao động cho sinh viên quốc tế không giống thị trường lao động bình thường với người Mỹ.

Mỗi năm nước Mỹ chỉ cấp 65.000 visa H1B một năm dành cho người đã có bằng đại học. Trong hơn 10 năm nay, họ ưu tiên dành thêm hơn 20.000 visa H1B một năm dành cho người có bằng trên đại học ở Mỹ (bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ).

Một điểm lưu ý, luật và thị trường Mỹ đều ưu tiên các ngành STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học); do đó mỗi sinh viên quốc tế tốt nghiệp đại học, cao học, tiến sĩ ngành này được cho phép thực tập tối đa 36 tháng.

Trên thực tế, các lĩnh vực sinh viên quốc tế xin được việc làm chủ yếu là các lĩnh vực nước Mỹ đang thiếu lao động chất lượng cao.

“Theo một nghiên cứu công bố tháng 5/2018 của PEW, số sinh viên quốc tế các ngành STEM nhận việc làm sau tốt nghiệp (dùng visa thực tập OPT/F1) tăng 400% trong thời kỳ Obama (từ năm 2008 – 2016). Trong đó, sinh viên nhận bằng cao học/thạc sĩ chiếm đa số trong phần tăng trưởng. 53% sinh viên nhận OPT (thực tập sau tốt nghiệp) có bằng trong lĩnh vực STEM”, ông Bằng dẫn chứng.

TS. Đinh Công Bằng lưu ý, đa phần sinh viên Việt chưa chọn học những ngành có lợi thế cạnh tranh để có thể xin việc tại Mỹ sau khi tốt nghiệp.
TS. Đinh Công Bằng lưu ý, đa phần sinh viên Việt chưa chọn học những ngành có lợi thế cạnh tranh để có thể xin việc tại Mỹ sau khi tốt nghiệp.

Bởi vậy, lời khuyên của TS. Đinh Công Bằng cho bạn trẻ Việt muốn gia tăng cơ hội làm việc sau khi du học Mỹ tại Mỹ là chú trọng đến các yếu tố gồm:

Thứ nhất, chọn đúng ngành mà nước Mỹ đang cần (chỉ những ngành thiếu nhân lực họ mới tuyển sinh viên nước ngoài), ví dụ: Khoa học máy tính, Lập trình, Thống kê, Toán ứng dụng, Toán tài chính, Toán bảo hiểm; Kỹ thuật y sinh, Kế toán, tài chính, phân tích kinh tế...

Thứ hai, bằng cao học (trở lên) là điều kiện lợi thế xin việc cho sinh viên quốc tế xin việc tại Mỹ sau tốt nghiệp. Hai điều kiện tiếp theo là những dấu chỉ rõ ràng của những người sẽ xin được việc tại Mỹ sau khi tốt nghiệp là: thực tập trước và sau tốt nghiệp tại Mỹ.

TS. Đinh Công Bằng lưu ý, du học sinh Việt Nam tại Mỹ đa phần đang học những ngành không có nhiều lợi thế cạnh tranh xin việc cho người nước ngoài tại thị trường này.

“Theo thống kê năm 2016, Việt Nam có tỷ lệ sinh viên chưa rõ ngành học (8.4%) và học tiếng Anh (9,8%) cao bất thường.

Số sinh viên sau đại học ít ỏi, và số sinh viên ngoài STEM đông được coi là nguyên nhân dẫn đến khó khăn xin việc thực tập của sinh viên Việt Nam tại Mỹ”, ông Bằng cảnh báo.

Tỉ lệ chọn ngành của du học sinh Việt tại Mỹ (nguồn: www.iie.org)
Tỉ lệ chọn ngành của du học sinh Việt tại Mỹ (nguồn: www.iie.org)

Chuẩn bị hồ sơ đủ mạnh, bền bỉ, kết nối và hiểu rõ bản thân

Từ quá trình phấn đấu tìm kiếm việc làm thành công ở Mỹ, diễn giả Uyên Trần, vừa tốt nghiệp ngành Tài chính từ trường Iowa State đã được nhận vào công ty Rockwell Collins (nhà dẫn đầu về cung cấp thiết bị và phần mềm hàng không vũ trụ) và trở thành nhân viên chính thức tại công ty sau khi tốt nghiệp đại học nhấn mạnh đến hai yếu tố “sự chuẩn bị” và “bền bỉ”.

Nhắn gửi đến các bạn trẻ Việt du học muốn ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp, Uyên Trần khuyên các bạn luôn có mục tiêu cụ thể. Xác định nên chọn ngành học nào ở Mỹ từ ban đầu và chuẩn bị đường bước thực tập trước và sau khi tốt nghiệp.

Theo Uyên, du học sinh cần chuẩn bị sớm, không ngừng tìm tòi khám phá (trau đồi kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn)..., đầu tư vào những mối quan hệ chất lượng và có phương án dự phòng trong nhiều trường hợp để tăng khả năng ở lại làm việc sau tốt nghiệp.

Từ kinh nghiệm xin việc tại Mỹ, Uyên Trần nhấn mạnh sự chuẩn bị và bền bỉ.
Từ kinh nghiệm xin việc tại Mỹ, Uyên Trần nhấn mạnh sự chuẩn bị và bền bỉ.

Bản thân cô gái Việt này đã bắt đầu tham dự các buổi hội thảo hướng nghiệp từ năm nhất, tìm kiếm các công ty dù bản thân lúc này còn non nớt. Qua đó, Uyên biết nhà tuyển dụng cần gì, học hỏi trau dồi bản thân.

Đến năm 2, cô tiếp tục giữ mối liên hệ với các công ty đã có kết nối từ năm nhất để hỏi thêm về thị trường, định hướng chiến lược của công ty qua email. Uyên cho hay, việc này giúp bạn trẻ được ghi nhớ và dễ có cơ hội được nhận vào khi nộp đơn ở những năm cuối.

Tiến sĩ Quyên Nguyễn, đã từng làm tiến sĩ ngành hóa hữu cơ ở University of Illinois - Chicago trong gần 5 năm, rồi làm postdoc ngành hóa dược ở University of North Carolina trong gần 2 năm, và chuyển sang làm Senior Scientist ở công ty dược Abbvie. Chị là một trong số ít những người Việt được cấp thẻ xanh theo diện EB2 ngay từ khi còn đang ở trong chương trình OPT.

Từ câu chuyện bản thân, chị Quyên lưu ý du học sinh phải chuẩn bị một hồ sơ có tính cạnh tranh. Nếu “profile” không đủ mạnh để qua vòng hồ sơ thì ứng viên cũng không thể tiến đến vòng phỏng vấn xin việc.

Theo nữ tiến sĩ, khả năng kết nối và kỹ năng mềm là hai yếu tố quan trọng để xin việc ở đa số các ngành. Tuy nhiên, đối với những ngành thiên về nghiên cứu, khoa học thì yếu tố quan trọng nhất lại là công trình khoa học/ thành tích nghiên cứu…

Lúc mới ra trường, chị Uyên tự nhận thấy bản thân chưa có nhiều lợi thế nên đã quyết định “lùi để tiến” - học postdoc 2 năm để lấy thêm kinh nghiệm về thị trường và tìm con đường đến công ty hiện tại.

Sau khi qua “vòng gửi xe”, ứng viên cần tìm hiểu thật cụ thể về công ty. Để ở vòng phỏng vấn, bạn có thể truyền tải cho nhà tuyển dụng những thứ họ đang cần tìm kiếm.

TS. Quyên Nguyễn đặc biệt lưu ý đến kỹ năng kết nối và xây dựng mối quan hệ - đó cũng chính là chìa khóa may mắn giúp cô có thể xin được việc tại công ty dược hàng đầu – Abbvie như hiện tại.

“Thêm nữa, yếu tố quan trọng nhất để đi vào một ngành nghề là hiểu mình muốn gì, mạnh ở điểm nào. Có như vậy, bạn trẻ mới tìm ra được con đường lập nghiệp tại một thị trường khắt khe với lao động quốc tế như Mỹ”, nữ tiến sĩ nhấn mạnh.

Lệ Thu (ghi)