Du học gần để tiến xa

Du học gần, chi phí không mấy đắt mà cũng có thể nắm bắt được kiến thức mới, hấp thụ được lối sống và làm việc tiên tiến, đồng thời có thể vươn cao...

Theo KTS Nguyễn Hữu Thái từng du học nhiều nước, có điều kiện tìm hiểu và quan sát nhiều nền giáo dục có một số lời khuyên đối với những người đang có ý định du học.

... Tôi khuyên các em nên chọn các khu vực nói được tiếng Anh. Thực tế làm việc ở khắp thế giới và châu Á ngày nay, tiếng Anh là phổ biến. Cho nên tuy đang ở châu Âu, có em hỏi tôi có nên đi Pháp hoặc Đức học, tôi can ngăn ngay. Không phải ta chê họ dở, nhưng phải chú ý cái trở ngại rất lớn về ngôn ngữ (tiếng Pháp và Đức rất khó, phải mất thêm thời gian học) và môi trường làm việc sau đó thường là khu vực nói được tiếng Anh thì cũng mất công.

Vấn đề tiền bạc cũng là một yếu tố mấu chốt khác. Dẫu gia đình giàu có hay bản thân có tiền, chi phí học hành ở phương tây đối với ta quả là khá tốn kém. Có em hỏi nên du học Australia, Canada hoặc Mỹ. Tôi khuyên nếu có tiền và theo học các ngành cao học, thì nên chọn Mỹ, vì rõ ràng Mỹ giỏi nhất về đào tạo ở cấp thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Còn học cấp cử nhân thì ở phương tây, Nhật Bản và một số đại học kha khá tại châu Á thì cũng sàn sàn ngang nhau.

Lời khuyên thiết thực là nên xem lại túi tiền mình. Cụ thể nhất là lựa chọn nơi nào giá cả phải chăng, ở gần nước mình mà trình độ đào tạo khá thì tới đó học. Nếu so sánh thì chi phí học hành và sinh sống ở Mỹ, Nhật Bản đắt nhất, kế đến là châu Âu và châu Á. Hầu hết các nước này đều quy định không cho phép người nước ngoài, kể cả sinh viên, làm việc thêm. Chi phí bảo hiểm y tế đắt kinh khủng đối với người nước ngoài.

Cho nên tuy biết rằng các ĐH Âu Mỹ khá tiên tiến, nhưng tôi vẫn khuyên các em khởi đầu nên chọn một nước gần mình để du học, ví như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... Đạt chuẩn thứ nhất về du học gần và giỏi là Singapore. ĐH các nước này tuy không phải là vào hàng đầu thế giới nhưng theo học được các nơi đó, một khi đã quen nước quen cái rồi, muốn tiến xa nữa cũng không khó. Đó là môi trường ta có nhiều cơ hội tiếp cận với các trường ĐH nổi tiếng khắp thế giới.

Có nhiều dịp tìm hiểu, quan sát và so sánh các trường ĐH phương tây và châu Á láng giềng, tôi nhận thấy nhiều đại học châu Á nay đã tỏ ra không thua kém ai về chất lượng giảng dạy. Tiếp cận các ĐH Singapore và quen biết một số bạn bè giảng dạy, sinh viên người mình đang theo học tại đó, tôi nghĩ rằng du học Singapore khá tốt, điều kiện ăn sống cũng dễ chịu.

Chỉ kẹt một điều là khi ra khỏi khuôn viên đại học cũng cần am hiểu thêm tiếng Hoa để dễ bề hoà nhập vào đời sống bên ngoài. Tuy vậy, xét về lâu dài, vốn ngoại ngữ của ta ngoài tiếng Anh nên biết thêm tiếng Hoa là một lợi thế khác ở châu Á. Du học với mục đích thiết thực để làm được việc về sau, không những ta chỉ cần nắm bắt được kiến thức tiên tiến nhất mà còn phải biết hoà mình vào môi trường sống ở các nước phát triển đó để học hỏi kinh nghiệm làm việc, rèn luyện tác phong công nghiệp.

Một vấn đề khác là đi học xong nên về ngay hay nán lại làm việc, thực tập. Kinh nghiệm cho thấy, sau khi lấy bằng mà có cơ hội nán lại làm việc hoặc thực tập vài năm, khi quay về nước công tác thường có kết quả hơn là chỉ mới giật được mảnh bằng đã vội thu xếp về ngay.

Các chuyên gia hàng đầu từng làm bật dậy các ngành công nghệ mũi nhọn ở Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc phần lớn đều là các du học sinh, khi đỗ đạt ra trường từng tìm cách ở nán lại thực tập, làm việc ở Âu Mỹ. Các bài học sau ĐH ở ngoài đời có khi còn quan trọng hơn là những kiến thức hấp thụ được ở giảng đường.

Theo Lao Động