Du học tại các nước châu Á có bị coi "lỗi thời và lạc hậu"?

(Dân trí) - Du học hiện nay được coi là kênh đầu tư bắt nhịp xu thế của các bậc phụ huynh dành cho con em mình. Thế nhưng, nếu du học tại các nước châu Á thì có được trải nghiệm nền giáo dục tân tiến bằng du học ở Mỹ hay các nước châu Âu khác?

Hội thảo “Think Singapore” được tổ chức vào ngày 16/6 tại Hà Nội bởi một nhóm học sinh bậc phổ thông hiện đang sống và học tập tại đảo quốc sư tử đã đem đến cho các bạn trẻ ở Việt Nam, đặc biệt là các học sinh từ lớp 7 - 10 một bức tranh toàn diện hơn về du học Singapore.

Về lí do tổ chức hội thảo này, Trưởng Ban tổ chức Đỗ Hoàng Nam Hiếu (đạt học bổng toàn phần SJII, hiện đang học tại trường St. Joseph’s Institution International, Singapore) chia sẻ: “Chúng em đã quyết định tổ chức hội thảo vì nhận thấy các học bổng du học Singapore vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là các học bổng đi học phổ thông. Không ít người cho rằng du học tại các nước châu Á là lỗi thời và lạc hậu.

Bộ Giáo dục Singapore không quảng cáo về học bổng mỗi lần cử người sang tuyển học sinh ở Việt Nam, vậy nên thông tin về học bổng vẫn chưa được biến đến rộng rãi.

Chúng em may mắn được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến đó nên muốn cung cấp miễn phí thông tin mình biết cho rộng rãi mọi người, đúng như tinh thần giáo dục tại Singapore, nơi mà cơ hội học tập luôn là công bằng cho mọi học sinh”.

Ban tổ chức hội thảo “Think Singapore”.
Ban tổ chức hội thảo “Think Singapore”.

Chuẩn bị trước khi đi

Du học tại Singapore có ba loại học bổng: học bổng ASEAN, học bổng A*STAR và học bổng SJI (International).

Ngoài giới thiệu về từng loại học bổng, các diễn giả còn chia sẻ kinh nghiệm bản thân để chinh phục học bổng mình hướng đến.

Bạn Đào Minh Hải (đang học bằng O-level và International Baccalaureate (IBDP) tại ACS(I), Singapore) cho hay, kì thi học bổng với ba môn: Toán, Tiếng Anh, IQ. Thứ hai, điểm thi rất quan trọng với lựa chọn cho vòng phỏng vấn (chọn 10 – 15 ứng viên đạt điểm từ 80+). Thứ ba, vòng phỏng vấn mang tính quyết định cho kết quả học bổng (chọn 10 từ 15 người vòng 2).

Bài thi môn Toán 60 phút bằng tiếng Anh. Với học bổng SJI (International), bài thi Toán là trắc nghiệm và cần mang máy tính. Bài thi tự luận cho hai học bổng ASEAN và A*STAR và không được dùng máy tính. Kiến thức toán cơ bản THCS, nâng cao về hình học không gian, lượng giác và đại số. Để làm được bài cần một lượng từ vựng Toán – tiếng Anh đáng kể và nên tìm hiểu đề trước ở trên mạng hoặc trong sách.

Bài IQ là trắc nghiệm nhanh (40+ câu trong 20 – 30 phút) nên thí sinh cần suy luận nhanh, đầu óc sắc bén, tập trung tìm quy luật, có thể ôn học để rèn luyện khả năng suy luận logic nhưng không nên học thuộc lòng câu học. Quan trọng là tập cách tô trắc nghiệm nhanh và chính xác.

Bạn Nam Minh Quân (Giải Vàng cuộc thi United Kingdom Intermediate Mathematical Challenge (UKIMC) 2018, hiện đang học ở trường ACS(I), Singapore) chia sẻ: “Vòng phỏng vấn của mỗi loại học bổng khác nhau. Đối với học bổng A*STAR, phỏng vấn hai lần (sau lần một sẽ chọn lọc thí sinh để vào vòng hai).

Đối với học bổng ASEAN, có khoảng 3 hiệu trưởng/ giáo viên phỏng vấn cùng một lúc (có thể dựa vào bài viết tiếng Anh để hỏi). Hiệu trưởng và giáo viên đứng đầu ban tuyển sinh phỏng vấn một lúc đối với học bổng SJI (International).

Nhìn chung mỗi cuộc phỏng vấn khoảng 10 -15 phút, vì thế học sinh nên cố gắng tạo ấn tượng và dấu ấn cá nhân riêng trong khoảng thời gian ngắn.

Để đạt điểm cao vòng phỏng vấn cần luyện nói tiếng Anh lưu loát; giữ bình tĩnh, trả lời tự tin, tự nhiên, không học thuộc đáp án; giữ phép lịch sự tối thiểu; chuẩn bị kĩ về sở thích cá nhân, điểm mạnh, điểm yếu, suy nghĩ về các vấn đề xã hội, lí do muốn đi du học; chuẩn bị kĩ về Singapore (cho ASEAN) và về trường (cho A*STAR và SJI (International) và luyện cách suy nghĩ câu trả lời nhanh cho những câu hỏi bất ngờ”.

Các diễn giả trong hội thảo “Think Singapore”.
Các diễn giả trong hội thảo “Think Singapore”.

Trải nghiệm ở Singapore

Hoàn thành quá trình xin học bổng thì giai đoạn tiếp theo hầu hết học sinh muốn đi du học cần để ý là cách học tập và sinh sống tại Singapore.

“Học hết hai năm cấp hai (tương đương với hết năm lớp 9 ở Việt Nam) thì toàn bộ học sinh phải làm bài kiểm tra O – level để phân loại vào trường dự bị Đại học. Thay vì học các môn bắt buộc thì họ cho phép học sinh tự chọn môn học nhưng vẫn phải đảm bảo tính toàn diện bằng việc chọn đồng đều giữa môn khoa học và xã hội.

Singapore có giáo trình rất chuyên sâu, kiến thức khá nặng ở các môn, không có khái niệm môn chính hay môn phụ. Giáo dục ở Singapore chú trọng vào việc giải thích hiện tượng và áp dụng được vào thực tế đời sống.

Hơn nữa, giáo dục ở Singapore rất chú trọng vào việc giáo dục các đức tính tốt cho học sinh như tính đồng đội, tính trung thực. Bản thân người Singapore có tính cạnh tranh cao và coi trọng năng lực bản thân nên việc tự học rất quan trọng.

Ngoài việc học các hoạt động ngoại khóa như biểu diễn nghệ thuật, câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ xã hội cũng được chú trọng. Học sinh có nhiều lựa chọn và nhà trường luôn khuyến khích tham gia nhiều nhất các hoạt động tình nguyện, hoạt động thúc đẩy vai trò lãnh đạo”, bạn Ngân Anh (học bổng A*STAR, hiện đang học trường St. Andrew's Junior College, Singapore) nói.

Bạn Phan Vũ Long (học bổng toàn phần cho 3 năm học tại trường St. Joseph’s Institution International, Singapore) nhớ lại về chuyến đi ngoại khóa đến Campuchia trong một tuần năm lớp 11 đã mang lại nhiều kĩ năng bổ ích.

Tuy là được tài trợ 100% nhưng học sinh phải tự đặt vé máy bay, tự lên kế hoạch, tự liên hệ với nơi ở,… Chuyến đi ấy không chỉ cho Long tham quan các địa danh mà còn được trực tiếp giúp đỡ cho một ngôi làng tại Campuchia bằng dự án phi lợi nhuận nhằm đem đến cơ hội giáo dục, môi trường học tập tốt hơn cho trẻ em trong vùng.

Buổi hội thảo thu hút các bậc phụ huynh, các em học sinh đến tham dự.
Buổi hội thảo thu hút các bậc phụ huynh, các em học sinh đến tham dự.

Con đường sau Singapore

Chọn tiếp tục học Đại học tại Singapore, chuyển tiếp sang nước khác hoặc trở về Việt Nam tùy thuộc vào khả năng, sở thích và điều kiện tài chính của gia đình để có con đường đúng đắn nhất.

Cựu học sinh trường Anglo -Chinese School (Independent), Singapore Lê Tiến Đạt chia sẻ: “Sự thành công chính là khi cơ hội gặp sự chuẩn bị kĩ càng. Khi các bạn sang đến Singapore thì đó chính là cánh cửa mở ra rất nhiều cơ hội. Còn sự chuẩn bị chính là do các bạn trong suốt bốn năm học, ngay từ bây giờ về hoạt động ngoại khóa, thành tích học tập và thư giới thiệu của giáo viên”.

Với câu hỏi về cách xoay xở để vượt qua khó khăn, các vấn đề tâm lí như nỗi nhớ nhà khi du học từ bậc phổ thông mà không có người thân bên cạnh giúp đỡ, các diễn giả cho biết, học sinh phải tự lực cánh sinh rất nhiều và làm dần một mình sẽ quen.

Xung quanh luôn có sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô nên khi cần hỗ trợ sẽ luôn có. Nhớ nhà là nỗi niềm thường trực của du học sinh, nhất là dịp Tết nguyên đán. Nên các du học sinh thường có quan niệm là “nhớ nhà cùng nhau” và sẽ cùng tụ tập xem Táo quân, gọi điện chúc Tết gia đình. Chính những khoảnh khắc buồn bên nhau lại mang đến tình bạn rất đẹp.

Hồng Vân (ghi)