Jean-Marie Maillard, người bạn lớn của sinh viên Việt Nam

(Dân trí) - Tình yêu ngôn ngữ, văn hóa và sở thích đi du lịch, khám phá thế giới đã đưa ông tới những đất nước xinh đẹp bên kia bán cầu. Không biết từ bao giờ, ông đã nặng lòng với đất nước nhỏ bé, cong cong chữ S, như dáng hình một thiếu nữ mảnh mai.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Dijon (Pháp), Jean-Marie từng là giáo viên tiếng Anh trong một trường trung học ở ngoại ô thành phố. Dijon là thủ phủ của vùng Bourgogne, một trong ba vùng sản xuất rượu vang lớn nhất nước Pháp. Tình yêu ngôn ngữ, văn hóa và sở thích đi du lịch, khám phá thế giới đã đưa ông tới những đất nước xinh đẹp  bên kia bán cầu.

 

Không biết từ bao giờ, ông đã nặng lòng với đất nước nhỏ bé, cong cong chữ S, như dáng hình một thiếu  nữ mảnh mai. Phải chăng vì vậy mà sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu, ông đã tìm cho mình một phụ nữ gốc gác vùng sơn cước Cao Bằng có  nước da trắng ngần và đôi mắt đen, sâu thẳm…

 

Vợ chồng ông bà Reine-Jean-Marie và sinh viên tại

Vợ chồng ông bà Reine-Jean-Marie và sinh viên tại Dijon trong dịp Tết Canh Dần 2010
 

 

Sau những chuyến du lịch Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a…, vào những năm 1990, ông cùng 5 người bạn cũng là viên chức, doanh nhân lập ra hội PREFASSE. Mục đích hoạt động ban đầu của hội là tài trợ học bổng, đón tiếp sinh viên nước ngoài khi mới đặt chân lên đất Pháp, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng, với cuộc sống mới.

 

Hội PREFASSE hoạt động ở Paris, Grenoble, Dijon, Nancy và trở thành cái tên quen thuộc, gần gũi đối với sinh viên Việt Nam trong các thành phố này. Hầu hết thành viên của Hội đều là các viên chức đã nghỉ hưu, làm việc trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y học, kinh doanh, các nghề tự do như luật sư, công tác xã hội, chuyên viên tâm lý, tư vấn, doanh nhân, v.v… Hội do Jean-Marie làm Chủ tịch có mục tiêu rõ ràng :“Mở rộng ảnh hưởng của việc giảng dạy tiếng Pháp ở Đông Nam Á, nhất là ở Việt Nam” (http://www.prefasse.org/?page_id=77)

 

Năm 1997, Hội đã tài trợ học bổng cho những sinh viên năm cuối Khoa tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) có thành tích xuất sắc trong học tập. Các em đã được sang Pháp thực tập tiếng Pháp trong 1 tháng hè. Hội đã đài thọ tiền vé máy bay, đăng ký lớp học hè trong các trường đại học của Pháp cho các em và chính các thành viên của Hội đã ra tận sân bay đón các em về nhà mình, tài trợ tiền ăn cho các em trong một tháng hè, ngoài giờ học ban ngày trên lớp.

 

Cuối tuần, chính họ lại lái xe chở các em đi chơi, tham quan các vùng đất, các điểm du lịch, văn hóa trên đất Pháp. Cũng chính họ đã giảng giải cho các em những kiến thức văn hóa, xã hội, đời sống ở Pháp. Các thành viên của Hội đã làm tất cả những việc đó một cách tự nguyện, vô tư và lặng lẽ từ đó đến nay. Số lượng các thành viên của PREFASSE đến nay đã lên đến 40 người.

 

Nguồn kinh phí do chính Jean-Marie vận động các doanh nghiệp, các nhà sản xuất rượu nho trong vùng Bourgogne tài trợ và do các thành viên Hội PREFASSE đóng góp vào quỹ Hội từ những đồng lương hưu của chính mình.  

 

Vợ chồng ông bà Reine-Jean-Marie và sinh viên tại
Lễ trao học bổng PREFASSE cho các sinh viên năm thứ 5 ngành Công nghệ Thực phẩm tại ĐHBK Hà Nội, 7/9/2012



Năm nào Jean-Marie cũng sang Việt Nam, tài trợ học bổng cho các giáo viên tiếng Pháp trẻ, các sinh viên xuất sắc đang học tiếng Pháp. Kể từ khi mới thành lập đến nay, ông đã trao 18 học bổng cho giáo viên tiếng Pháp và lần này tới Việt Nam ông lại mang tin vui đến cho 9 sinh viên Pháp ngữ năm thứ năm, ngành Công nghệ thực phẩm của Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Cứ mỗi lần ông tới Hà Nội là các cựu sinh viên, từng được nhận học bổng của Hội cùng các giáo viên trẻ lại háo hức đón ông, bởi ông đã mang đến cho các em không chỉ những niềm vui giống như trong câu chuyện cổ tích về cô Lọ Lem mà còn cả một thông điệp lớn lao, sâu sắc về văn hóa và tình người…

 

Các sinh viên đã từng sống trong những căn hộ xinh xắn, được trang trí bằng tranh ảnh, và các đồ mỹ nghệ của các thành viên Hội PREFASSE, luôn nhớ về những ngày tháng đầy ắp tiếng cười. Họ từng được nếm món thịt bò hầm Bourguignon, những món fromage khác nhau hay món pain d’épice, món moutarde Dijon đặc sắc của vùng đất ẩm thực này. Họ đều mang theo suốt đời chuỗi kỷ niệm sâu sắc trên đất Pháp, cùng những cái tên quen thuộc như Jean-Marie, Claude, Marie-Jeanne, Jean, Régine, Reine…

 

Làm sao có thể quên được khi các bác đã cưu mang, chăm sóc các em như người cha, người mẹ của các em vậy. Có em mẹ bị ốm ở Việt Nam, chính vợ chồng bác Jean-Marie đã gửi thuốc cho mẹ em. Sau này, nhiều em đã nhận được học bổng của Chính phủ Pháp, AUF, hay của Bộ giáo dục Việt Nam sang Pháp, Bỉ hay châu Âu học tiếp, chính bác Jean-Marie đã mua vé tàu cho các em sang Pháp chơi, thăm lại căn hộ nơi các em đã sống và học tập trước kia…

 

… Ngồi bên tôi là người đàn ông đã ngoại lục tuần, có mái tóc điểm bạc với những câu chuyện đời, chuyện người không dứt. Ông từng trải qua cả cuộc đời dạy tiếng Anh và văn hóa Anh cho các thế hệ học sinh Pháp. Đến cuối đời, dường như niềm đam mê và khao khát nơi ông vẫn cháy bỏng như ngày nào. Ông nói, ông muốn tiếng Pháp phải được dạy, được học ở Việt Nam, dù thời cuộc, hoàn cảnh có thể khiến người ta lao vào học tiếng Anh, tiếng  Trung, tiếng Nhật hay một thứ  tiếng khác…

 

Ông Jean-Marie và tác giả (bên cạnh) cùng một số cựu du học sinh ở Pháp
Ông Jean-Marie và tác giả (bên cạnh) cùng một số cựu du học sinh ở Pháp



Nền văn hóa Pháp không thể bị mai một trên mảnh đất mà ông đã gắn bó bằng cả trái tim, khối óc, sức lực và hơn cả, đó là một tình yêu lớn lao, sâu nặng mà ông đã dành cho đất nước Việt Nam, cho các thế hệ sinh viên Pháp ngữ ở Việt Nam. Tạm biệt Hà Nội, ông lại lên đường sang Jakarta, Kuala Lumpur…cùng sứ mạng của mình. 

 

Tôi chợt nhớ đến điều mà Marie-Jeanne, một thành viên Hội PREFASSE đã chia sẻ khi chúng tôi tới ăn tối cùng vợ chồng bà tại căn hộ ở phố Bình đẳng (Rue de l’Égalité). Đó cũng là triết lý sống theo đạo Phật mà bà tâm đắc: tất cả mọi người đều bình đẳng vì đều phải chết, song những hạt thiện gieo xuống sẽ nảy thêm biết bao niềm vui, cơ hội và sự hồi sinh cho những cuộc đời.

 

Bài: Minh Nguyệt

Nguồn ảnh tư liệu của Hội sinh viên Dijon