Hướng về châu Á

Từ nhiều năm nay, các tổ chức nghiên cứu về giáo dục toàn cầu nhận định châu Á sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của châu Âu, châu Mỹ về năng lực đào tạo cũng như chính sách ưu đãi nhằm thu hút du học sinh thế giới.

Liệu trong tương lai, châu Á có thể "thâu tóm" giáo dục toàn cầu bằng sức mạnh và tiềm lực như đã chứng tỏ trong lĩnh vực kinh tế?

Nhảy vọt trên bảng xếp hạng

Trong bảng xếp hạng mới nhất của Times Higher Education, tạp chí về giáo dục uy tín thế giới, các trường đại học (ĐH) của châu Á có bước nhảy vọt đáng kinh ngạc.

Trong bảng xếp hạng này, các trường ĐH Âu - Mỹ vẫn chiếm ưu thế và đa số ở nhóm dẫn đầu (Anh và Mỹ chiếm trọn 10 vị trí đầu). Trong số 200 trường dẫn đầu, riêng giáo dục ĐH Mỹ đã có đến 76 đơn vị, Anh xếp thứ nhì với 31 trường, Hà Lan xếp thứ 3 với 12 trường.

Tuy nhiên, trong tổng thể bảng xếp hạng này, các trường ĐH châu Á đã vươn lên mạnh mẽ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 
Cụ thể, ĐH Tokyo (Nhật) đứng đầu châu lục với vị trí 27, tiếp theo là ĐH Quốc gia Singapore (NUS) từ hạng 40 nhảy lên 29 và xếp thứ nhì châu Á. Sự bứt phá mạnh mẽ của châu Á còn thể hiện ở thứ hạng của nhiều cái tên khác: ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) xếp thứ 52 (tăng 19 bậc), ĐH Nanyang (Singapore) từ thứ 169 lên 86.

"Trong sự vươn lên này, có thể thấy dù châu Á chưa đặt chân vào top đầu nhưng rõ ràng châu lục này đã tiến bộ nhảy vọt so với trước", Times Higher Education đánh giá.

Trong khi đó, xem xét một cách kỹ lưỡng, cho dù Âu - Mỹ vẫn chiếm vị trí "mặt tiền", nhưng không khó để nhận ra một thực tế rõ rệt là phương Tây có số lượng trường tụt hạng nhiều hơn hẳn.

Cụ thể, Mỹ có đến 51 trường bị tụt hạng. Vài trường trong số này thậm chí đã "rơi tự do", như ĐH Stony Brook từ vị trí 114 (năm 2011) đã rớt 48 bậc, đứng thứ 162 trong năm nay.

Tương tự là Darthmouth College (giảm 34 bậc, hạng 124), ĐH Iowa (giảm 28 bậc, hạng 169)... Phần lớn các trường của Anh cũng đồng cảnh ngộ.

Các trường ở khu vực Nam Âu tình hình cũng không mấy khả quan: Tây Ban Nha mất đại diện duy nhất ở top 200, trong khi Ý, Hy Lạp chỉ có mặt trong bảng xếp hạng từ 200 - 400.

Nhiều ĐH ở châu Á đang khẳng định được chất lượng của mình, với chi phí tương đối "dễ chịu" hơn nên trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các trường Âu - Mỹ về mặt thu hút sinh viên ngoại quốc.

Tuy nhiên, trong đà tiến chung của châu lục, các nước Đông Nam Á vẫn chưa chứng tỏ được mình. Ngoài Singapore, ở khối ASEAN chỉ có ĐH Kỹ thuật King Mongkut (KMUTT) của Thái Lan có mặt trong nhóm các trường từ hạng 351 - 400.

Lực đẩy từ kinh tế

Đánh giá của các tổ chức nghiên cứu giáo dục cũng như số liệu thống kê cho thấy châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á, đang xây dựng tầm ảnh hưởng trong nền kinh tế thế giới.

Và để đặt nền móng vững chắc cho tương lai, nhiều quốc gia trong châu lục này đã đầu tư rất lớn cho giáo dục, nghiên cứu. Cụ thể là Hàn Quốc dành khoảng 5% GDP cho những lĩnh vực nói trên.

Tại Singapore, các chính sách hỗ trợ sinh viên bắt đầu được thực hiện: hỗ trợ không hoàn lại 80% học phí, cho vay 75% học phí và 25% còn lại là học bổng.

Các sinh viên có kết quả thi xuất sắc vào các trường công sẽ được xem xét hỗ trợ học bổng trị giá lên đến 6.000 SGD/năm và được vay tiền để chi trả sinh hoạt phí.

Malaysia thu hút du học sinh quốc tế với những chính sách hỗ trợ tối đa: nhập cảnh tương đối dễ, không cần phỏng vấn và đặc biệt là không phải chứng minh khả năng tài chính. Bên cạnh đó, chính phủ còn cho du học sinh vay ưu đãi, miễn giảm học phí...

Tại Trung Quốc, sắp tới, quy định cấm du học sinh quốc tế đi làm thêm nhiều khả năng sẽ được bãi bỏ, nhằm khuyến khích nhiều người đến đây học tập.

Tại châu Á, Nhật Bản được xem là nước có lượng du học sinh quốc tế nhiều nhất, theo thống kê của JASSO (cơ quan hỗ trợ sinh viên Nhật).

Thế mạnh của Nhật là các ngành kinh tế, xây dựng và công nghệ. Mức học phí tại Nhật khá cao so với các nước châu Á khác. Cụ thể, học phí các trường công lập dao động từ 9.000 - 15.000 USD/năm.

Tuy cao nhưng những chính sách dành cho du học sinh tại Nhật khá tốt, hầu hết các trường đều có chương trình vừa học vừa làm với thu nhập lên đến hơn 1.000 USD/tháng và Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều học bổng.

Tiêu biểu nhất là học bổng MEXT của chính phủ Nhật bao gồm học phí, sinh hoạt phí và di chuyển...

Theo đánh giá của Times Higher Education, các trường ĐH ở châu Á cũng được đánh giá cao bởi tiêu chí chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và số lượng công trình khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành.

Cùng với đó, tăng cường quan hệ quốc tế cũng là một nỗ lực để "đánh bóng" tên tuổi của trường.

 Theo DNSG