Không quá “thiên tài”, nên chọn chương trình nào để vào ĐH tại Anh?

(Dân trí) - Để có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, CĐ tại Anh quốc, học sinh Việt thường phải trải qua chương trình dự bị ĐH như IFY (International Foundation Year), A-Level hoặc AS- Level, IB (tú tài quốc tế). Tuy nhiên để chọn chương trình nào khi bạn muốn tiết kiệm thời gian, chi phí trong khi lực học ở mức vừa phải là điều không hề đơn giản.

Dự bị ĐH IFY - Thêm lựa chọn cho nhiều học sinh Việt muốn du học Anh

Đối với những bạn trẻ Việt muốn nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, CĐ tại Anh quốc, việc lựa chọn chương trình dự bị ĐH như A-Level, AS- Level, IB (International Baccalaureate – tạm dịch: Tú tài quốc tế) trở nên quá quen thuộc.

Song ít năm trở lại đây, bên cạnh những chương trình nói trên, chương trình dự bị ĐH IFY (International Foundation Year – tạm dịch: dự bị đại học quốc tế) dần được nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam lựa chọn để có thể tới Anh quốc học tập, nghiên cứu.

So với thời gian học 2 năm của chương trình A-Level, AS Level hay IB thì chương trình IFY chỉ có thời gian học 1 năm (thậm chí có những trường thực hiện chương trình này chỉ trong vòng 5-6 tháng).

Điều này đồng nghĩa với những du học sinh theo học IFY có thể rút ngắn được thời gian học dự bị (khoảng 1 năm). Cùng với đó là việc tiết kiệm đáng kể chi phí học tập, sinh hoạt tại xứ sở Sương mù.

Hạn chế được cho lớn nhất của chương trình IFY so với A-Level, AS Level hay IB đó là giáo trình của IFY do một trường (hoặc một nhóm trường) tự biên soạn nên một số trường ĐH trước đây hạn chế tuyển học sinh theo học chương trình này.

Dù vậy với những đầu tư, chuẩn giảng dạy được cải tiến hiện đại đáng kể, hiện nay bằng IFY được nhiều trường ĐH (kể cả những trường có thứ hạng cao) tại Anh chấp nhận dù so với các chương trình khác, nội dung học được đơn giản hóa và được đánh giá “dễ thở” hơn, phù hợp với những DHS có lực học vừa phải, không có ý định nộp hồ sơ vào những trường ĐH top đầu như Oxford hay Cambridge.


City College of Plymouth là một trong những trường công lập tại Anh đào tạo chương trình IFY. (ảnh: Devon Live)

City College of Plymouth là một trong những trường công lập tại Anh đào tạo chương trình IFY. (ảnh: Devon Live)

Trường công lập tại Anh cùng tham gia đào tạo chương trình IFY

Trong chuyến công tác tại Anh, PV có buổi làm việc tại City College of Plymouth (CCP), một trường công lập của thành phố Plymouth (Tây Nam nước Anh) hiện đang thực hiện đào tạo chương trình IFY cho các học sinh quốc tế muốn theo học đại học tại Anh.

Theo bà Jessica Randall, giám đốc quốc tế của City College of Plymouth chia sẻ, CCP từng đón nhận học sinh Việt Nam đầu tiên vào năm 2003. Mỗi năm tiếp theo, trường đón nhận từ 8-10 học sinh Việt Nam theo học.

Và hiện nay trường đang phối hợp cùng trung tâm PDVL khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) để giúp đỡ những bạn trẻ mong muốn du học ĐH Anh sớm trở thành hiện thực.

Sở dĩ khá nhiều học sinh quốc tế chọn học IFY tại trường, bà cho rằng CCP là một trường công lập nên học phí tại đây thuộc hàng rẻ nhất so với tất cả các khoá học IFY tại Anh.

“Chỉ với khoảng 15.000 bảng Anh, bao gồm cả tiền ăn, tiền ở, tiền học, các em đã có thể có được tấm bằng dự bị đại học danh giá. Tất nhiên chúng tôi cũng có những hỗ trợ thêm nếu như học sinh đăng ký và nộp học phí sớm.

Các em chỉ mất 5 tháng học tại City College Plymouth, nhưng đầu ra của các em không thua kém gì A-Level bởi chương trình IFY của City College Plymouth được nhiều trường ĐH tại Anh công nhận. Có thể nói, đây là con đường tắt đặc biệt dành cho các học sinh quốc tế để có thể tiến bước vào các trường ĐH tại Anh”, bà Randall khẳng định.

Ngoài ra tại CCP, nơi có tới 95% học sinh, sinh viên là người bản xứ, chỉ có 5% là sinh viên quốc tế, các bạn học sinh sẽ có trải nghiệm thực tế nhất về việc học tập và sống tại Anh.

Bà Randall cho biết thêm: “Giáo viên của chúng tôi cũng lấy sự thành công của học sinh làm trọng tâm nghề nghiệp. Họ hiểu rằng các em học sinh tới từ một nền văn hoá khác biệt cần phải được hỗ trợ nhiều hơn so với các em học sinh bình thường.

Chúng tôi có truyền thống là một ngôi trường luôn dành sự hỗ trợ tối đa cho học sinh từ những điều nhỏ nhặt nhất. Là một bước đệm quan trọng để các em bước vào quãng đường học tập dài hơn tại Anh, chúng tôi tự nhận thấy sứ mệnh của mình là giới thiệu với các em về nền giáo dục Anh quốc luôn thân thiện, hỗ trợ chứ không hề đáng sợ hay mệt mỏi gì cả”.


Bà Jessica Randall, giám đốc quốc tế của City College of Plymouth cho biết thêm nhà trường đã đầu tư một cơ sở chuyên về STEM trị giá 13 triệu bảng phục vụ cho công tác dạy và học.

Bà Jessica Randall, giám đốc quốc tế của City College of Plymouth cho biết thêm nhà trường đã đầu tư một cơ sở chuyên về STEM trị giá 13 triệu bảng phục vụ cho công tác dạy và học.

Khi được hỏi về đánh giá của trường về những học sinh Việt Nam từng theo học, vị giám đốc quốc tế trường CCP cho biết: “Tôi thấy các em đều rất chăm chỉ, và có ý thức về việc phải cố gắng hết mình để không phụ lòng cha mẹ, không bỏ phí khoản tiền mà cha mẹ đã đầu tư để mình có được một cơ hội tốt học tập tại nước ngoài để chuẩn bị cho tương lai của mình.

Chúng tôi đã có những học sinh xuất sắc từ Việt Nam và tôi vẫn còn liên lạc với một vài em, có những em đang làm việc tại Mỹ, có những em khác trở về Việt Nam làm việc”.

“Các học sinh mà chúng tôi đón nhận là nhóm học sinh sang học chương trình Dự bị đại học IFY. Các em còn khá trẻ và lần đầu tiên trải nghiệm việc xa nhà, lần đầu tiên phải tự lập, và phải học cách hoà nhập với một môi trường khá khác so với Việt Nam, không chỉ về phong cách sống mà còn cả về phong cách học tập. Các em phải học rất nhiều, học cách hoà nhập nhanh chóng.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm chăm sóc, hỗ trợ các em học sinh nhằm giúp các em vượt qua các trở ngại ban đầu nên khi tới CCP, các em ổn định khá nhanh và tập trung để học cũng rất nhanh.

Tất nhiên các em rất nhớ gia đình của mình, nhưng tôi cũng khuyên các em rằng cảm giác nhớ nhà là hoàn toàn tự nhiên, rồi chúng tôi giúp các em đỡ nhớ nhà hơn bằng cách đưa các em tới nhà hàng Việt tại Plymouth chẳng hạn, và thường sau khi thưởng thức một bát phở, ăn một cái bánh mỳ kiểu Việt Nam, các em sẽ cảm thấy nguôi ngoai hơn.

Tôi cũng nhận thấy công nghệ phát triển cũng giúp xoá nhoà khoảng cách về mặt địa lý: các em giờ có thể dễ dàng gọi điện về nhà, gọi cho bạn bè ở nhà qua các ứng dụng công nghệ video, hàng ngày đều trò chuyện với cha mẹ của mình, cha mẹ cũng thấy con mình mọi thứ đều ổn.

Đôi khi tôi còn cảm thấy sự tiện lợi này cũng có chút mặt trái, vì các em vẫn quá hướng về cuộc sống ở Việt Nam và chưa ổn định để sẵn sàng cho cuộc sống ở một đất nước mới”, bà chia sẻ.

Bà Randall cũng đưa ra lời khuyên: “Một trong những điểm quan trọng trước khi các em chọn theo học tại một trường nào, đó là các em nên đặt thật nhiều câu hỏi cho người tư vấn các em, nghiên cứu thật kỹ về trường. Nhờ đó khi bước chân tới ngôi trường mới, trải nghiệm của các em về trường sẽ tốt hơn rất nhiều.

Ngoài ra trước khi tới Anh tham gia khóa học IFY, các em có thể chuẩn bị về mặt ngôn ngữ, chẳng hạn như nghe tin tức, một vài chương trình radio thuần Anh, xem các bộ phim của Anh, khi đó tai của các em sẽ làm quen dần với tiếng Anh thuần Anh.

Có nhiều em học sinh Việt Nam nói tiếng Anh tốt, nhưng đó là tiếng Anh - Mỹ nên bị bất ngờ khi nghe tiếng Anh- Anh.

Về kỹ năng học, học sinh Việt Nam đã được rèn luyện rất bài bản từ trong nước. Tuy nhiên các em có thể trau dồi thêm các kỹ năng làm việc với máy tính, làm power point để thuyết trình, sẽ giúp các em hoà nhập tốt hơn”.

Vũ Phong

(Từ Plymouth, Anh)