“Mỗi lần Skype thấy con trai ở Mỹ… gầy dần đi, râu tóc dài thêm ra”

(Dân trí) - Có con du học cách xa nửa vòng trái đất, các bậc cha mẹ không chỉ kỳ vọng con học giỏi, đạt thành tích tốt, độc lập, tự chủ trong cuộc sống mà còn mong mỏi, các bạn trẻ biết cách giữ gìn sức khỏe , không đốt năng lượng đến mức kiệt sức…

Kỳ vọng con biết phân bổ hợp lý giữa học tập và sức khỏe

Câu chuyện mỗi lần Skype nói chuyện với con trai và thấy con gầy dần đi, tóc dài thêm ra… của bác Nguyễn Hoài Văn (phụ huynh của nam sinh Nguyễn Siêu – Sinh viên trường Vassar College) tại Phòng Phụ huynh của Hội thảo du học VietAbroader 2016 (Hà Nội) vừa qua thể hiện nỗi lo chung rất thực của nhiều bậc phụ huynh Việt có con đi du học Mỹ.

Tuổi trẻ nhiều đam mê, khát vọng, xa vòng tay cha mẹ ra nước ngoài học tập, không ít các bạn du học sinh hăng say theo đuổi đam mê, học tập và làm việc đến mức quên chăm sóc bản thân.


Bác La Văn Thịnh (giữa) và bác Nguyễn Hoài Văn (phải) chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con chinh phục đại học Mỹ.

Bác La Văn Thịnh (giữa) và bác Nguyễn Hoài Văn (phải) chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con chinh phục đại học Mỹ.

phụ huynh của Nguyễn Siêu, chàng trai 9X nổi bật trong cộng đồng du học Việt đã từng giành cùng lúc 7 học bổng đại học Mỹ, bác Nguyễn Hoài Văn chia sẻ câu chuyện con trai đã thay đổi rất nhiều (tích cực lẫn tiêu cực) sau 3 năm ở Hoa Kỳ.

Bác Văn nhận thấy, cậu con trai bé nhỏ ngày nào của mình ngày càng có tính độc lập cao và sáng tạo trong cuộc sống. Con cũng biết tiết kiệm khi sống ở đất nước Hoa Kỳ đắt đỏ và vì thương bố mẹ nên chịu khó học ngày học đêm.

Phương pháp giáo dục đại học tại Mỹ yêu cầu tự chủ động nghiên cứu, chính niềm say mê tri thức giúp nhiều bạn trẻ Việt gặt hái kết quả học tập đáng nể ở xứ người nhưng theo bác Văn, điểm tiêu cực là các con không giữ gìn sức khỏe, “nghỉ hè về nhà thấy hầu như ai cũng gầy, không tươi tỉnh”.

Tự sâu thẳm nỗi lòng của bậc sinh thành, bác Văn cũng như nhiều phụ huynh Việt mong mỏi con biết phân bổ giữa sức khỏe và thời gian học tập, nghiên cứu khi du học.

“Mong các con ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, có kế hoạch học tập hợp sức mình, không đốt cháy năng lượng đến mức kiệt quệ vì con đường phía trước còn dài…”, bác Văn tâm sự.

Cho con về quê lội ruộng, bắt cua, bắt ốc, chèo thuyền thúng hái sen…

Ngoài ra, bác Văn cũng kỳ vọng rằng, con dù học tập ở trời Tây nhưng vẫn duy trì, giữ gìn văn hóa gốc và hướng về quê Việt, mà trước tiên đó là duy trì mối liên hệ giữa các thế hệ trong gia đình một cách thường xuyên, thông suốt.

Cũng chính nhờ mong muốn gìn giữ dòng chảy văn hóa trong con trẻ, bác La Văn Thịnh (Phụ huynh của nữ sinh La Thị Tú Anh, tân sinh viên New York University, khóa 2020) đã giúp con có trải nghiệm văn hóa quý giá để chinh phục thành công ĐH New York danh tiếng.

Khi nhận thấy xu hướng các bạn trẻ đi du học, bác La Văn Thịnh đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao để có thể cho con được tiếp thu nền giáo dục mới tại một đất nước khác mà vẫn có thể giữ gìn văn hóa của Việt Nam.

Luôn hướng về quê hương, gia đình đã đặc biệt tạo điều kiện cho hai anh em có cơ hội được về thăm quê hương thường xuyên và trải nghiệm đời sống thực của những người nông dân giản dị nơi đây.

“Liên tục trong 7 tuần chuẩn bị hồ sơ nước rút, thứ bảy, chủ nhật nào gia đình cũng đưa Tú Anh đi một địa điểm nào đấy với mục đích “nhồi” đất nước và con người Việt Nam vào đầu cháu thật nhiều. Để ít nhất sang bên kia nó cũng có tư liệu và tình cảm với quê hương”, bác Thịnh kể.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Hà Nội nhưng Tú Anh khá thạo những công việc đồng áng. Bác Thịnh tự hào khoe cô con gái “sinh ra ở phố nhưng về quê cũng không ai biết nó là gái phố cả”, chẳng hạn Tú Anh có thể tự tay chuẩn bị 17 mâm cỗ ở quê.

“Tôi là nông dân ra Hà Nội sống, văn hóa người ở quê ăn sâu vào máu. Trải nghiệm lội ruộng, bắt cua, bắt ốc là sự đồng hành của gia đình suốt quá trình trưởng thành của con”, bác Thịnh chia sẻ.

Và với tất cả những kỉ niệm đáng nhớ về những lần lội ruộng khi thăm quê, chèo thuyền thúng ra hồ hái sen pha trà cùng bố đã cho Tú Anh chất liệu tuyệt vời để viết bài luận. Bài luận về sự hài hòa giữa thế giới ảo và thế giới thực của Tú Anh đã giúp cô bạn chinh phục học bổng đến New York University.

Nói về vai trò của phụ huynh trong việc đồng hành cùng con chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ, cả hai diễn giả của Phòng họp phụ huynh là bác Văn và bác Thịnh đều cho rằng, cha mẹ không nên áp đặt, cách tốt nhất là trở thành người bạn chân thành, chỗ dựa thoải mái nhất cho con.


Nữ du học sinh Phạm My An (giữa) và nam du học sinh Phạm Việt Hà (phải) cho rằng, cha mẹ nên là người bạn chân thành, tôn trọng và ủng hộ quyết định của con.

Nữ du học sinh Phạm My An (giữa) và nam du học sinh Phạm Việt Hà (phải) cho rằng, cha mẹ nên là người bạn chân thành, tôn trọng và ủng hộ quyết định của con.

Chuẩn bị hồ sơ: Hun đúc ngọn lửa ước mơ và hãy để con tự lập

Bác La Văn Thịnh quan niệm, cha mẹ không cần đặt ra quá nhiều kỳ vọng với con cái. “Nó thành công ta vui cùng nó, nó thất bại ta chia sẻ cùng nó để nó đứng lên” là phương châm của vị phụ huynh này.

Theo bác Thịnh, cả bố mẹ phải cùng con đồng hành để “bình tĩnh quan sát, trụ vững hai chân, bám sát mục tiêu, an toàn về đích” trong quá trình chuẩn bị hồ sơ vất vả.

Bác Nguyễn Hoài Văn cũng đồng tình rằng, phụ huynh chỉ “hỗ trợ vòng ngoài”, không nên can thiệp và tham gia trực tiếp vào quá trình làm hồ sơ của các con. Với con trai mình, bác Văn đã tập trung hun đúc ngọn lửa đam mê du học cho Nguyễn Siêu từ những năm đầu cấp 3.

Khi Nguyễn Siêu nộp hồ sơ vào ngành Điện ảnh, thay vì “nhăn mặt” với việc chọn ngành của con, bác Văn chỉ động viên Siêu tự đánh giá, so sánh, quyết định ngành nghề và ngôi trường phù hợp với năng lực và thiên hướng của cháu nhất.

Với sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình, Nguyễn Siêu hiện là sinh viên xuất sắc tại Vassar College, chuyên ngành Điện ảnh và là thực tập sinh tại xưởng sản xuất phim của series Paranormal Activity ở thành phố Hollywood, bang California.

“Bà đỡ” tài chính

Cũng góp mặt tại hội thảo, nữ sinh Phan My An (tân sinh viên Bucknell University) mong rằng, các bậc phụ huynh nhẹ nhàng động viên khi con xao nhãng việc học thay vì mắng mỏ.

Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, theo My An, phụ huynh phải xác định tư tưởng hỗ trợ tài chính và động viên con quyết tâm theo đuổi đam mê vì một số trường hợp, các bạn rất thích du học nhưng bố mẹ “lúc này lúc kia, lúc đồng ý lúc lại bảo dừng vì tài chính hạn hẹp khiến các bạn bối rối và bị ngắt quãng giữa con đường”.


Các phụ huynh Việt tham dự chương trình.

Các phụ huynh Việt tham dự chương trình.

Học phí ở các trường Mỹ khá cao, là phụ huynh có cả hai con cùng du học Mỹ, bác Thịnh luôn tâm niệm “Mỹ là nước tiền nào của ấy”, do vậy phải cố gắng mới có phần thưởng xứng đáng.

Theo bác, phụ huynh không nên đặt giới hạn tài chính với con vì với người lớn có thể là bình thường nhưng đôi khi nó lại là cái trần chạm ước mơ của các con.

Chính vì thế, bác Thịnh luôn dạy các con tiêu đồng tiền xứng đáng, đầu tư chắc chắn và đảm bảo rằng, mình có thể học thật tốt ở ngôi trường có mức học phí các con chọn (dù không rẻ).

Bác Văn cũng khẳng định, tài chính của gia đình rất quan trọng nếu hỗ trợ tài chính gia đình tốt cháu chọn trường tốt, đúng ý, còn nếu tài chính không đủ thì có thể chọn trường không đúng sở thích.

Nam sinh Phạm Việt Hà (tân sinh viên trường University of Virginia) vừa chinh phục thành công ước mơ du học Mỹ còn nhớ rõ kỉ niệm được bố mẹ đặt vào thử thách “nếu không được học bổng 90% thì không cho đi du học”.

Thử thách rõ ràng của bố mẹ như một động lực thúc đẩy cậu bạn vươn lên đứng đầu lớp, tìm cơ hội du học và cuối cùng, dù không đạt 90% nhưng Hà đã giành 80% của ngôi trường danh giá nước Mỹ.

Đồng hành cùng con từ lúc chuẩn bị hồ sơ và là chỗ dựa cho con những ngày tháng cô đơn, lạc lõng khi hòa nhập văn hóa Mỹ, cũng như bao bạn bè khác, Việt Hà tin rằng điều mà bạn trẻ cần nhất ở bố mẹ chính là “một chỗ dựa tinh thần vững chắc và một người bạn chân thành”.

Lệ Thu