Một “bản lĩnh thể thao Việt” ở CH Séc

17 tuổi với vô số huy chương lớn nhỏ của các giải đấu cầu lông, cô gái Czech gốc Việt có vóc dáng nhỏ bé Vlasta Phamova đang nỗ lực chứng minh bản lĩnh của mình trong giới thể thao CH Séc.

Vlasta Phamova thường được bạn bè gọi với cái tên thân mật là Vlasticka (trong tiếng Séc có nghĩa là dễ thương, đáng yêu), thế nhưng cô gái gốc Việt 17 tuổi này lại thích được bố mẹ gọi bằng cái tên Việt Nam giản dị hơn là Hạnh.

 

Đến với thể thao bất ngờ

 

Cái duyên đến với cầu lông đầy tình cờ của Phamova, đó là khi 11 tuổi, cô được người bạn thân rủ đi tập môn thể thao này với mục đích giảm... cân. Vậy mà, cầu lông trở thành niềm đam mê của cô lúc nào không hay.

 

Sau một năm đầu tiên tập luyện các kỹ thuật chơi cầu lông, đến năm 12 tuổi, Hạnh chính thức bước chân vào câu lạc bộ quốc gia. Hiện Phamova đang sinh sống cùng gia đình tại Most – thành phố có các hoạt động về cầu lông nhộn nhịp nhất của Séc. Vlasta may mắn vì có nhiều cơ hội tham gia tập cầu lông cũng như thi đấu các giải quốc gia và quốc tế. Từ năm 12 tuổi, thành tích thể thao của cô gái này cứ dày lên thêm mỗi năm với các tấm huy chương lớn nhỏ.

 

Vlasta Phamova cùng đồng đội
Vlasta Phamova cùng đồng đội



Đang là học sinh cấp 3 tại một trường văn hoá của Séc, Hạnh đã đề nghị giáo viên giúp đỡ sắp xếp thời gian học để mình có ít nhất 2 tiếng luyện tập cầu lông mỗi ngày. Nhìn cô gái bé nhỏ này, có lẽ không ai nghĩ rằng ngoài tập kỹ thuật cầu lông cô còn phải theo một chương trình rèn luyện thể lực nghiêm khắc không thua kém vận động viên chuyên nghiệp nào.

 

Hạnh cho biết: “Người châu Âu có được lợi thế hơn người châu Á khi chơi thể thao đó là sức bền, vì thế em phải thường xuyên tập luyện thể lực để theo kịp các bạn trong đội”. Thời gian biểu của Vlasta bây giờ là các ngày trong tuần dành cho việc học văn hoá và luyện tập cầu lông tại câu lạc bộ, đến cuối tuần sẽ đi sang các thành phố khác thi đấu.

 

Tự hào khoe về những thành tích đã đạt được, Hạnh kể về kinh nghiệm những lần tham dự các giải đấu quốc tế như Swiss Open tại Thuỵ Sĩ (2012) và nhiều năm tham gia giải Easter Tournament của Đạn Mạch. Đối với giải quốc gia Séc, em đã đạt được nhiều giải thưởng mà gần đây nhất là giải nhất đánh đôi giải Grand Prix dành cho lứa tuổi U17.

 

Hạnh chia sẻ: “Cảm xúc mỗi lần bắt đầu một giải đấu thật tuyệt vời. Khi lời quốc ca vang lên, trong em lại đầy háo hức khi chuẩn bị được thi đấu với những vận động viên giỏi khác, điều này khiến em cảm thấy tự hào, là người đại diện cho câu lạc bộ hay quốc gia”.

 

Muốn chơi đến khi còn có thể

 

Có lẽ Hạnh may mắn hơn nhiều người Việt ở Séc khác khi em được bố mẹ ủng hộ rất nhiều trong việc chơi thể thao, đặc biệt là về mặt tài chính. “Bố mẹ em không ép buộc em phải tập trung học văn hoá để thi vào đại học. Bố mẹ em luôn nỗ lực thu xếp để em có thể sắp xếp lịch chia đều cho cả 2: học văn hóa và thể thao” – cô kể.

 

Từ khi Hạnh còn nhỏ, bố mẹ em đã thường xuyên sử dụng tiếng Việt để con gái không quên ngôn ngữ quê hương. Hạnh tâm sự, người thân thiết nhất với em trong gia đình chính là anh trai – hiện đang sống ở Việt Nam. Chính vì thế, mỗi dịp nghỉ hè, điều khiến Hạnh háo hức nhất là có thể về Việt Nam sống cùng anh trai, đi du lịch Việt Nam và khám phá những nét đặc sắc của quê hương mà em còn chưa biết đến.

 

Hạnh bị mê hoặc bởi món ăn Việt Nam. Ở Séc không có cơ hội thưởng thức những món này, nên mỗi lần về Việt Nam, Hạnh đều cố gắng thưởng thức hết các món ăn quê hương. Hạnh nói vui: "Món nào em cũng thích hết, đặc biệt là mấy món bánh như bánh xèo, bánh trưng… Khi trở lại Séc là đã thấy nhớ món ăn ở Việt Nam rồi".

 

Trong chuyến trở về Việt Nam mùa Hè năm nay, Hạnh kết hợp tranh thủ tập luyện với câu lạc bộ cầu lông Relax Club với một chuyến đi du lịch Phú Quốc cùng người thân và bạn bè. Hạnh chia sẻ: "Tuy cộng đồng người Việt bên Séc rất đông, mỗi dịp lễ Tết đều có những hoạt động tập thể hướng về quê hương nhưng thú vị và ý nghĩa hơn nhiều khi được trải nghiệm thực sự ở Việt Nam".

 

Trong tương lai, Hạnh - Vlasta Phamova muốn tiếp tục theo học văn hoá và phát triển sự nghiệp thể thao của mình. Em đang cố gắng để vào học tại trường đại học thể thao chuyên nghiệp. Điều may mắn mà Hạnh có được là chính quyền Séc luôn tạo điều kiện cho các vận động viên cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động này. Hạnh muốn chứng minh cho cho nhiều người thấy rằng, chơi thể thao cũng có thể tạo ra tương lai cho chính mình. “Tương lai có lẽ không ai biết trước được, có lẽ còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan và chủ quan, nhưng em sẽ tiếp tục chơi cầu lông đến khi nào còn có thể” - Hạnh khẳng định

 

Theo Khánh My

Thế giới&Việt Nam