Nhà khoa học Việt trẻ lập tạp chí đa ngành trên đất Mỹ

(Dân trí) - Nền khoa học nước nhà đang trải qua nhiều thách thức, sự phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng… Bên kia bờ Thái Bình Dương xa xôi, một nhóm nhà khoa học trẻ Việt mạnh dạn thành lập Tạp chí khoa học trực tuyến đa ngành- Vietnam Journal of Science.

Đưa con thuyền khoa học công nghệ Việt hòa cùng biển lớn

Đó là khát khao chung của TS Phan Minh Liêm (Tổng biên tập Vietnam Journal of Science - VJS) cùng 8 thành viên nòng cốt và nhiều nhà khoa học, tình nguyện viên sáng lập, vận hành VJS.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm (32 tuổi) –1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2014, người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Ung thư MD Anderson, Mỹ từ lâu luôn canh cánh trong lòng ước mơ một ngày nền khoa học Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới.

Muốn góp sức vào ước mơ lớn ấy, anh cùng các bạn nghiên cứu sinh của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF) và nhiều nhà khoa học, tình nguyện viên Việt Namở nhiều nơi trên thế giới đã chung tay thành lập Tạp chí Khoa học đa ngành trực tuyến Vietnam Journal of Science ( http://www.vjsonline.org ).

Giao diện website của Vietnam Journal of Science
Giao diện website của Vietnam Journal of Science

Với mục tiêu phát triển một tạp chí khoa học đa ngành online đáp ứng được các tiêu chuẩn báo chí khoa học thế giới nhưng vẫn tiếp cận được với độc giả phổ thông, VJS đã mất gần một năm chuẩn bị, số đầu tiên của VJS được ra mắt vào tháng 7/2014. Mục đích của VJS là giúp tăng lượng công bố quốc tế của Việt Nam đồng thời góp phần đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chung tay để cùng thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

Ý tưởng cho ra đời một tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến của TS Liêm bắt nguồn từ chính hành trình miệt mài nghiên cứu, cống hiến cho khoa học của anh. Năm 2010, TS  Phan Minh Liêm cùng giáo sư hướng dẫn và các đồng nghiệp đã đạt thành công lớn khiphát hiện một gen kháng ung thư có khả năng đảo ngược hoặc ức chế quá trình tiến hoá của ung thư về mặt chuyển hoá năng lượng.

TS Liêm khẳng định: “Việc phát hiện gien 14-3-3sigma có khả năng tiêu diệt ung thư hiệu quả là một quá trình khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực và công sức của toàn bộ nhóm nghiên cứu, nhưng mình may mắn vì được tiếp cận với thông tin cập nhật và điều kiện nghiên cứu tốt nhất.

Do đó, mình thấy việc chuyển giao hiểu biết và thông tin khoa học chuyên ngành cho độc giả phổ thông, cũng như tạo ra một nền tảng hỗ trợ các nhà khoa học trong nước là rất cần thiết.

Như bạn cũng đã biết, tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Mấy năm nay, mặc dù số lượng xuất bản khoa học của Việt Nam có tăng, nhưng chúng ta vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực hay trên thế giới. Dù nghịch lý là, Việt Nam không hề thiếu những nhà khoa học tài năng.


TS Phan Minh Liêm (hàng phía trước, bên phải) và và các cộng sự tại lễ vinh danh của Trung tâm Ung thư MD Anderson, Houston, Texas, Hoa Kỳ.

TS Phan Minh Liêm (hàng phía trước, bên phải) và và các cộng sự tại lễ vinh danh của Trung tâm Ung thư MD Anderson, Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Theo một thống kê chưa đầy đủ của Cục người Việt Nam ở nước ngoài năm 2014, chúng ta có khoảng hơn 6.000 nhà khoa học đang có bằng Tiến sỹ làm việc ở nước ngoài, trong đó có nhiều người là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mình đang theo đuổi. Ngay cả ở Việt Nam, số lượng người làm khoa học xuất sắc, được đồng nghiệp nước ngoài nể trọng cũng không phải là ít.

Vậy nên với dự án này, mình và các đồng nghiệp mong muốn mời gọi các nhà khoa học và tình nguyện viên Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cùng chung tay xây dựng một tạp chí khoa học của người Việt đạt đẳng cấp quốc tế. Cùng với nhau, chúng ta sẽ đưa con thuyền khoa học công nghệ Việt Nam hòa cùng biển lớn tri thức nhân loại và có những đóng góp thật sự thiết thực cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước”.

Dự án phi lợi nhuận: Cần tâm huyết, lòng tin, sức bền và cả sự hy sinh

Xây dựng một tạp chí khoa học đã khó, xây dựng một tạp chí khoa học đẳng cấp quốc tế mà vẫn tiếp cận được với bạn đọc phổ thông còn khó gấp bội. AnhThiều Mai Lâm, Nghiên cứu sinh ngành Khoa học Cao phân tử, ĐH Virginia Tech – Mỹ, người đồng sáng lập VJS tâm sự: “Có nhiều người hỏi tôi: Thế xây dựng tạp chí khoa học đẳng cấp quốc tế cần bao nhiêu tiền?

Thật ra, đây không phải vấn đề tiền bạc, dù rằng tài chính luôn là vấn đề quan trọng với bất cứ dự án nào. Xây dựng tạp chí khoa học giống như xây dựng lòng tin vậy, cần sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Để viết được một bài báo khoa học chỉn chu, chặt chẽ cần mất rất nhiều thời gian và công sức; để thuyết phục các nhà khoa học viết bài và gửi bài lại càng cần nhiều nỗ lực hơn.

Một số của tạp chí Vietnam Journal of Science.
Một số của tạp chí Vietnam Journal of Science.

Vậy nên, nói một cách không quá đáng là 2 năm vừa qua, công việc chính của chúng tôi là xây dựng lòng tin với các nhà khoa học. Và bản thân mỗi người, trong hành trình gian nan ấy, chắc chắn có những lúc phải hy sinh phần riêng để mục tiêu chung của VJS đến đích.

Việc xây dựng tạp chí khoa học, theo tôi, gần giống như một cuộc chạy đua marathon vậy, cần sức bền và sự kiên trì. Không phải là có một ý tưởng hay và nhiều người ủng hộ là thành công sẽ đến ngay lập tức, mà quan trọng là, bạn phải phải kiên nhẫn đi qua giai đoạn hăng hái ban đầu, kiên định với mục tiêu của mình”.

Những bước đầu lạc quan

Hiện nay, ngoài 9 nhân sự nòng cốt trong nhóm điều hành dự án, VJS sở hữu đội ngũ BTV đông đảo gồm những người đã có bằng Tiến sỹ hoặc đang làm nghiên cứu sinh ở những trường ĐH hàng đầu thế giới cũng như một lực lượng lớn tình nguyện viên rất nhiệt tình, có trình độ chuyên môn vững vàng. Ngoài ra, VJS cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng như GS.TS Nguyễn Văn Tuấn, GS.TS Trương Nguyện Thành, PGS.TS Nguyễn Văn Thuận, PGS.TS Ngô Vũ, GS.TS NGND Ngô Kiều Nhi,…

VJS đã xuất bản được 2 số và chuẩn bị ra số thứ 3 trong tháng 12 này. Trang Facebook của VJS cũng nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc với gần 7000lượt like và hàng chục nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Hiện VJS đã được công nhận và lưu trữ bởi Thư Viện Quốc hội Hoa Kỳ với ISSN 2374-8664.


Giao diện Vietnam Journal of science trên facebook.

Giao diện Vietnam Journal of science trên facebook.

Về các kế hoạch trong tương lai, VJS đang cố gắng tham gia vào hệ thống open access journal (DOAJ) trong năm nay. Sau khi đã có tên trong hệ thống DOAJ, VJS sẽ tiếp tục hướng đến các tiêu chuẩn của báo chí khoa học quốc tế như Scopus, SCI, ISI… Cuối cùng, sau khi đã đạt được tiêu chuẩn ISI, VJS sẽ nỗ lực để nâng cao hệ số ảnh hưởng (impact factor) để có thể cạnh tranh với các tạp chí khoa học quốc tế.

Khó khăn là rất nhiều, thử thách là vô cùng lớn. Tuy nhiên, với nhiệt huyết tuổi trẻ và tấm lòng đối với quê hương đất nước, các nhà khoa học trẻcủa VJS thể hiện quyết tâm sẽ không ngừng nỗ lực như phương châm “Khoa học vì một thế giới tốt đẹp hơn" -  “Science for a better world” của tạp chí.

TS Phan Minh Liêm bày tỏ: “Sự thành công của dự án VJS phụ thuộc rất lớn vào sự đóng góp của các nhà khoa học và tình nguyện viên Việt Nam trong và ngoài nước. VJS rất mong sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ cũng như hỗ trợ của tất cả các bạn để khoa học và công nghệ Việt Nam ngày càng phát triển và thành công hơn nữa”.

Lệ Thu