Những điều cần biết về du học giao lưu văn hóa

Qua nhiều cuộc trao đổi với các bạn đã và đang đi giao lưu văn hóa, cũng như bộ phận tuyển sinh của các đại học hàng đầu ở Mỹ, bạn Phạm Anh Khoa tại Mỹ muốn chia sẻ một số kinh nghiệm về bản chất cũng như những mặt lợi hại của các chương trình trao đổi văn hóa hiện rất phổ biến ở Việt Nam.

Thứ nhất, những chương trình trao đổi văn hóa này không bảo đảm học sinh tham gia sẽ được tốt nghiệp phổ thông hoặc được cấp bằng tú tài Mỹ. Và điều này được nói rất rõ trên website của hai tổ chức: http://www.cci-exchange.com/high.htm, http://www.iseusa.com/student_faq.cfm.

Thứ hai, phần lớn các bạn sau khi trao đổi văn hóa thì có 3 hướng chính. Các bạn nào khả năng tài chính eo hẹp và khả năng học có hạn sẽ nộp đơn vào những đại học cộng đồng (community college), đối tượng này chiếm đa số. Một số khác với khả năng tài chính mạnh hơn thì sẽ đăng ký học tự túc tại những đại học 4 năm.

Khá nhiều học sinh Việt Nam học 2 năm ở đại học cộng đồng và sau đó chuyển tiếp lên đại học 4 năm, nhưng để được học bổng toàn phần hoặc vào các đại học hàng đầu lại là một việc không dễ tí nào. Một số ít các bạn có thành tích học tốt và khả năng tiếng Anh xuất sắc thì sẽ xin học bổng vào những đại học hàng đầu của Mỹ.

Có thể nói, ai cũng muốn đi con đường thứ ba này, nhưng trên thực tế chỉ có một số rất ít (khoảng 5%) có thể vượt qua được. Đây thường là những bạn có thành tích học cấp 3 ở Việt Nam rất tốt, khi qua đây thì tiếp tục đạt thành tích học tốt ở trường và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, cuối cùng là có khả năng tiếng Anh xuất sắc (để đạt điểm cao trong các kỳ thi chuẩn như SAT và TOEFL).

Đối với các bạn đi trao đổi văn hóa xin học bổng vào đại học thì còn nhiều rủi ro tiềm tàng. Hãy cân nhắc những yếu tố sau đây:

Hạn nộp đơn của hầu hết các đại học bốn năm là từ tháng 1 đến tháng 3, và nếu bạn muốn xin học bổng thì hạn chót thường là tháng 1 và tháng 2, trong khi đó các bạn học sinh thường qua Mỹ vào nửa cuối tháng 8. Điều này có nghĩa là các bạn này chỉ có vỏn vẹn 4 tháng để hoàn tất quá trình nộp đơn và tìm học bổng, trong đó bao gồm rất nhiều giai đoạn như: thi SAT và TOEFL, viết luận, xin giấy giới thiệu của thầy cô... Đấy là chưa kể các bạn phải đi học trên trường và mất thời gian hòa nhập vào cuộc sống mới ở Mỹ.

Bộ phận tuyển sinh các đại học thường ưu tiên những bạn có nỗ lực tham gia ngoại khóa lâu dài (ít nhất 2 năm trở lên) và tập trung (chỉ tập trung vào 2-4 lĩnh vực) đó cũng là một lưu ý.

Ngoài ra, tất cả các trường trung học trong các chương trình giao lưu văn hóa là các trường công lập ở Mỹ, và một thực tế mà ai ở Mỹ cũng biết là chỉ có một số rất ít trường công lập ở Mỹ có chất lượng tốt, do vậy phải tìm hiểu kỹ khi chọn trường.

Có bạn may mắn vào trường tốt thì cơ hội giành học bổng sẽ cao hơn nhờ những yếu tố như: danh tiếng trường và sự hỗ trợ của thầy cô giáo...

Khi được hỏi về bất lợi lớn nhất của các học sinh trao đổi văn hóa Việt Nam khi xin học bổng vào đại học Mỹ, thì ít nhất là hai giám đốc tuyển sinh ở hai trường nằm trong top 30 của Mỹ đề cập đến yếu tố danh tiếng của trường công mà các bạn Việt Nam theo học.

Danh tiếng của các trường hàng đầu ở trong nước như Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), Lê Hồng Phong, Phổ thông năng khiếu (TPHCM), hay các trường quốc tế khác ở Việt Nam mà có nhiều học sinh Việt Nam giành học bổng thường hơn hẳn hầu hết các trường công bên Mỹ.

Nếu như bạn muốn đi trao đổi văn hóa 1 năm và mục đích chính là giao lưu văn hóa thì quá tuyệt vời. Nhưng nếu mục đích chính của bạn là tìm cơ hội xin học bổng vào đại học Mỹ thì cần cân nhắc tất cả những yếu tố rủi ro.

Hiện có khá nhiều tổ chức giới thiệu các chương trình trao đổi văn hóa, như là ASPECT, EF, SMG, Center for Cultural Interchange (CCI), International Student Exchange (ISE). Đặc điểm chung của các tổ chức này là phi lợi nhuận và được Bộ Ngoại giao Mỹ công nhận và cho phép hoạt động.

Theo Thanh Niên