Nữ DHS Việt tại Úc chia sẻ kinh nghiệm đạt kết quả học tập tốt

(Dân trí) - Giảng viên trường Cao Đẳng Bình Định Lê Hoàng Vân, cựu học viên Học bổng Chính phủ Australia, chia sẻ kinh nghiệm học tập tại Đại học Queensland của Úc để đạt kết quả cao nhất.

Đối với chương trình Thạc sĩ tập trung (Master Coursework), thành quả và sự nỗ lực của bạn được thể hiện qua điểm tổng kết (GPA) ấn tượng vào cuối khóa. Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh GPA, tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu cũng vô cùng cần thiết và hoàn toàn có thể làm được.


Lưu học sinh Định Lê Hoàng Vân

Lưu học sinh Định Lê Hoàng Vân

Trau dồi kiến thức về nghiên cứu qua các khóa học trên trường: Học với vô vàn câu hỏi trong đầu.

Đăng kí tham gia các học phần liên quan tới nghiên cứu là chưa đủ. Trong quá trình học, chúng ta phải luôn tự hỏi bản thân rằng liệu vấn đề được giới thiệu có ứng dụng ở môi trường làm việc của mình được không? Vấn đề này có mới ở Việt Nam và thu hút được sự quan tâm hay không? Hãy nhớ rằng, thay vì tham lam đọc về tất cả, hãy đọc và nghiên cứu sâu về một vài vấn đề. Hãy khiến tên bạn đuợc nhắc tới khi lĩnh vực đó được bàn ở Việt Nam!

Ngoài ra, một bài tập không thể thiếu của các học phần nghiên cứu là viết đề cương nghiên cứu. Hãy viết nghiêm túc! Thay vì chọn phương pháp nghiên cứu thật màu mè, bạn hãy dùng phương pháp có thể thực hiện được trong điều kiện làm việc sau này của mình. Tôi còn nhớ, khi làm đề cương cho môn Nghiên cứu định tính, tôi đã chuẩn bị ý tưởng và thảo luận với giảng viên của mình từ rất sớm.

Tôi trình bày rõ với thầy là tôi muốn làm một đề cương mà sau này tôi sẽ tiến hành nghiên cứu được ở nơi tôi công tác. Thầy đã nhận xét ý tưởng và dàn bài của tôi rất nghiêm khắc theo hướng có tính khả thi.

Tham gia hội thảo khoa học: Tại sao không?

Ngoài việc học, tham gia các hội thảo khoa học cũng rất bổ ích và cần thiết vì đây là cơ hội giúp bạn định hình hướng nghiên cứu của mình. Ngoài ra, bạn còn được gặp gỡ, học hỏi từ những nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi, cũng như mở rộng mạng lưới quen biết và giao lưu kết bạn. Chính vì thế, các bạn hãy tranh thủ mọi cơ hội để đi hội thảo và mạnh dạn trình bày nghiên cứu của mình.

Nhiều bạn thắc mắc sao tôi có thể vừa duy trì GPA ở mức 6.94/7 vừa làm nghiên cứu và chuẩn bị bài đi hội thảo. Bí quyết của tôi là sự đam mê và chiến lược hợp lý. Bạn phải thực sự yêu thích thì mới dành thời gian cho những việc không được tính điểm như thế này. Muốn duy trì kết quả học tập tốt, bạn không thể hy sinh thời gian đến lớp và thời gian ‘cày’ bài tập mà phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi của chính mình. Nói về chiến thuật, tôi chỉ có thể sơ lược hai điểm cơ bản trong bài chia sẻ này.

Thứ nhất, hãy tham gia hội thảo đầu tiên với tư cách người nghe trước khi bạn thử sức với vai trò là người thuyết trình. Hãy quan sát cách thức hội thảo được tổ chức cũng như những bài thuyết trình mà bạn cảm thấy ‘thích nghe’ sau khi đọc tựa đề. Việc này giúp bạn nhận ra cách viết một tựa đề thu hút cũng như định hình được đề tài nào đang được quan tâm. Ngoài ra, bạn sẽ biết ‘tầm’ của bài thuyết trình tại hội thảo như thế nào để tự đánh giá khả năng hiện tại của bản thân và thêm động lực phấn đấu.

Thứ hai, hãy tham gia các hội thảo từ nhỏ đến lớn. Hội thảo đầu tiên mà tôi trình bày nghiên cứu của mình là hội thảo Rhizomes IX, được tổ chức tại trường tôi, đại học Queensland. Cảm giác ‘gà nhà’ và nhìn thấy bạn bè ở hàng ghế khán giả khiến tôi tự tin hơn. Sau đó, tôi tham dự hội thảo về TESOL, tổ chức bởi trường đại học Sydney và cuối cùng là hội thảo ALAA/ALANZ/ALTAANZ 2015 , do Hội ngôn ngữ học ứng dụng của Úc và New Zealand tổ chức.

Nữ DHS Việt tại Úc chia sẻ kinh nghiệm đạt kết quả học tập tốt - 2

Làm luận văn: Khổ nhưng đáng!

Mỗi trường, mỗi ngành sẽ có những yêu cầu khác nhau để chọn sinh viên làm luận văn. Chẳng hạn như đối với ngành Ngôn ngữ học ứng dụng ở đại học Queensland, bạn cần đạt GPA tối thiểu là 6.0/7 và điểm 6 cho tất cả các học phần nghiên cứu mà bạn học. Mặc dù rất gian nan nhưng hãy cố gắng làm luận văn nếu bạn có cơ hội. Tôi còn nhớ sau khi nộp luận văn, tôi hoàn toàn mất ngủ vì quen với những đêm thức trắng ở thư viện.

Tuy nhiên, cái được cũng rất nhiều và bạn hãy tự tin rằng mình làm được. Hãy làm nghiêm túc! Hãy tự thử thách bản thân vì đây sẽ là lần hiếm hoi các bạn được trải nghiệm làm một nghiên cứu thực sự dưới sự hướng dẫn của những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm. Thậm chí, giáo viên hướng dẫn của bạn chính là giáo sư đầu ngành trên thế giới về đúng mảng bạn đang chọn.

Đừng bao giờ làm đại đề tài nào đó chỉ để tốt nghiệp thạc sỹ, vì đề tài đó có thể là mảng nghiên cứu mà bạn sẽ theo cả sự nghiệp. Bạn đừng nghĩ là còn quá sớm để suy nghĩ tới PhD! Hãy xác định lĩnh vực đang là xu hướng và có thể mở cho bạn nhiều hướng phát triển.

Đừng ngần ngại bày tỏ với giáo viên rằng bạn muốn làm một nghiên cứu mà có thể viết báo được, hay có thể tạo đà cho những nghiên cứu tiếp theo khi bạn về Việt Nam. Qua đó bạn có thể có sự lựa chọn đề tài, đối tượng và phương pháp nghiên cứu cho phù hợp.

Viết báo chuyên ngành: Hãy tự tạo cho mình cơ hội!

Giáo viên sẽ tạo mọi điều kiện cho bạn thể hiện mình, nhất là khi bạn cháy hết mình cho môn học của họ. Vì vậy, bạn đừng ngần ngại thảo luận với thầy cô giáo những ý tưởng nghiên cứu của bạn. Những trăn trở đấy không nhất thiết chỉ bó hẹp trong nội dung bài học trên lớp. Biết đâu chính những ý tưởng đó sẽ được ghi nhận và mang đến cho bạn những cơ hội mà chính bạn cũng không ngờ tới.

Có lần vì phân vân không biết chọn đề tài nào cho một bài tập lớn, tôi đã mạnh dạn xin phép gặp thầy để hỏi đề tài nào là vấn đề đang ‘hot’ trong ngành của tôi. Sau khi nhìn 4 đề tài tôi định làm, thầy đã tỏ ra thích thú với một đề tài và bảo tôi hãy thử viết bằng tất cả khả năng của mình.

Sau khi nộp bài, tôi nhận được lời đề nghị phát triển bài tập lớn đó thành một bài báo khoa học dưới sự hướng dẫn của thầy. Cũng có những lần, sau khi thảo luận về ý tưởng của mình với giáo viên, tôi biết rằng chủ đề mình đang làm chưa đủ tầm để viết thành báo hoặc đã có người viết rồi. Các bạn thấy đấy, không phải lần nào tôi cũng thành công, nhưng quan trọng là chúng ta hãy tự tạo cho mình cơ hội.

Tóm lại, nếu chúng ta có đam mê thì mỗi bài tập, mỗi khóa học sẽ đều trở nên ý nghĩa và bổ ích. Mỗi lần gặp vấn đề trong học tập tôi luôn tự nhắc mình rằng: “Mỗi khó khăn, trăn trở trong lúc học chính là kinh nghiệm quý báu của mình trong tương lai”.

Hồng Hạnh ghi