Sư thầy giành học bổng Harvard: “Mọi khó khăn đều là bậc thang dẫn đến đỉnh cao”

(Dân trí) - “Ba mẹ mình là những nông dân chất phác và hiền lành nên ít tìm hiểu đến các trường nổi tiếng. Khi mình báo tin là được nhận vào 2 trường Harvard và Yale thì ba mẹ rất vui nhưng chưa biết đó là trường gì”, sư thầy Thích Tâm Tiến tâm sự.

Sư thầy Thích Tâm Tiến (sinh năm 1991), người vừa xuất sắc được ĐH Harvard và ĐH Yale (Hoa Kỳ) chào đón đã dành cho PV Dân trí một cuộc trò chuyện về duyên tu và hành trình chinh phục học bổng thạc sĩ toàn phần ở hai ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới.

Sư thầy Thích Tâm Tiến đang tu tại chùa Hoằng Pháp vừa được trường ĐH Harvard và ĐH Yale (Mỹ) cấp học bổng chương trình thạc sĩ.
Sư thầy Thích Tâm Tiến đang tu tại chùa Hoằng Pháp vừa được trường ĐH Harvard và ĐH Yale (Mỹ) cấp học bổng chương trình thạc sĩ.

"Ý định đi du học từng là một cái gì đó mơ hồ lắm"

PV: Đi tu từ năm 15 tuổi, vậy việc học tập của sư thầy có diễn ra bình thường hay không?

Sư thầy Thích Tâm Tiến: Lúc vào chùa, ai muốn được xuất gia (xuống tóc) thì phải thực tập 6 tháng trước. Vì phải thực tập nên mình học trễ 1 năm và sau khi được xuất gia thì được đi học tiếp tục.

Được sự nâng đỡ của Sư phụ đó là Thượng Tọa Thích Chân Tính - Trụ trì chùa Hoằng Pháp và quý Thầy cùng các Phật tử, mình học hết cấp ba và có thời gian rèn luyện ngoại ngữ cũng như theo học các lớp Phật học trước khi đi du học.

Ý định du học của sư thầy bắt đầu thế nào? Thầy có gặp khó khăn gì trong quá trình chinh phục mục tiêu?

Ý định đi du học là một cái gì đó mơ hồ lắm, bởi vì ban đầu mình cũng không tự tin vào khả năng của mình. Mình biết có rất nhiều bạn cũng đang rơi vào tình trạng đó, không thực sự biết mình muốn gì.

Năm 2012, mình có duyên được gặp một vị Thượng Tọa và có ngỏ ý với thầy là mình muốn đi du học. May thay thầy đang có một suất học bổng mà một trường ở Thái Lan tặng và thầy tặng cho mình.

Trước khi đi mình có xin phép Sư phụ của mình và Sư phụ mình đồng ý. Khó khăn lớn nhất là mình phải học tiếng Anh nhiều hơn nữa, nhưng có đi thì có đến mà, mình cũng đã vượt qua được khó khăn đó.

“Con út trong nhà mà đi tu thì uổng quá”

Gia đình sư thầy có ủng hộ thầy đi tu không? Bố mẹ sư thầy có cảm xúc thế nào khi con trai liên tục chinh phục được các trường đại học danh tiếng ở Mỹ?

Gia đình mình có truyền thống theo đạo Phật từ nhiều đời nên việc đi tu không gặp trở ngại gì cả. Ban đầu, ba mẹ có phần buồn vì mình là con út trong nhà mà đi tu thì “uổng” quá. Nhưng mọi người đều rất ủng hộ.

Ba mẹ mình là những nông dân chất phác và hiền lành nên ít tìm hiểu đến các trường nổi tiếng. Khi mình báo tin là được nhận vào 2 trường đó thì ba mẹ rất vui nhưng chưa biết đó là trường gì. Mình cảm thấy thật may mắn khi được ba mẹ ủng hộ hết mình về con đường mình chọn.

Sư thầy Thích Tâm Tiến đi tu từ năm 15 tuổi, sau đó học cử nhân ở Thái Lan và hiện học thạc sĩ ngành Triết học tôn giáo ở trường Đại học Naropa (Hoa Kỳ).
Sư thầy Thích Tâm Tiến đi tu từ năm 15 tuổi, sau đó học cử nhân ở Thái Lan và hiện học thạc sĩ ngành Triết học tôn giáo ở trường Đại học Naropa (Hoa Kỳ).

Được biết sư thầy từng du học ở Thái Lan trước khi sang Mỹ? Việc học đại học ở Thái Lan cho sư thầy những trải nghiệm gì?

Câu hỏi này cũng là một phần trong bài luận vào Đại học Harvard của mình. Học ở Thái Lan giúp mình tiếp xúc được với nhiều tu sĩ ở các nước và giao lưu với những nền văn hóa khác nhau. Khi mình đi ra những nước khác, tâm hồn mình cũng được mở rộng ra.

Mình không còn bị những ràng buộc nhỏ bé, không còn chấp chặt vào tư tưởng nông cạn của bản thân, và mình thấy học được nhiều điều bổ ích từ những người bạn ngoại quốc.

Nếu ai có dịp được đi đây đi đó, các bạn hãy dùng đó làm trải nghiệm của bản thân, không ít thì nhiều chúng ta sẽ học được từ những người bạn mà chúng ta gặp.

Học thạc sĩ ở hai trường để chuẩn bị cho việc nghiên cứu sau này

Sư thầy đến Mỹ học chương trình thạc sĩ tôn giáo ở ĐH Naropa (Mỹ) theo dạng học bổng hay tự túc? Sư thầy đã học ở Mỹ được bao lâu và những điều khiến thầy ấn tượng nhất với việc học tập ở đây là gì?

Vì là lần đầu mình đến Mỹ để học Thạc sĩ nên nhà trường chỉ hỗ trợ một phần nào đó thôi. Mình đã học ở đây gần được 2 năm và học kì này là học kì cuối, mình sẽ tốt nghiệp tháng 5 này.

Mình thích cách dạy và học ở đây. Giáo viên ít giảng lắm, họ cho bài về đọc và sinh viên vào lớp thảo luận với nhau là chính. Điều này làm cho sinh viên chủ động hơn, hơn nữa không phải mình đều đồng ý với tất cả những gì trong sách viết.

Giáo sư hướng dẫn cho mình cách suy nghĩ khách quan và thẳng thắn hơn trong việc “đối thoại" với tác giả qua sách của họ. Hơn nữa, trong thời gian học ở đây mình nhận ra một điều rằng việc học của mình là do mình muốn biết, muốn tìm hiểu nên mình chọn những môn mình thích, vì vậy việc học rất thú vị.

Tại sao đang học thạc sĩ ở Đại học Naropa sư thầy lại tiếp tục nộp hồ sơ vào chương trình thạc sĩ của Đại học Harvard và Yale?

Ban đầu mình cũng nghĩ sẽ nộp hồ sơ cho chương trình tiến sĩ, tuy nhiên mình thấy mình còn trẻ, còn muốn học hỏi thêm từ nhiều giáo sư và muốn thực sự trang bị đầy đủ kiến thức khi bước lên việc nghiên cứu tiến sĩ. Bởi vì nếu mình học tiến sĩ là mình sẽ tự nghiên cứu, làm việc với một giáo sư là chính.

Còn khi học thêm thạc sĩ thì mình sẽ học được nhiều tư tưởng hơn và điều đó hỗ trợ rất lớn cho những nghiên cứu của mình sau này. Với lại khi nộp hồ sơ vào 2 trường đó mình chọn ngành hơi khác một chút so với ngành mình đang học.

Việc là một tu sĩ liệu có khiến sư thầy khó hòa nhập với sinh viên quốc tế khi đi du học không?

Khó khăn lớn nhất đó chính là văn hoá. Mình bị “shock” văn hóa mấy lần. Nhưng dần dần thì cũng quen. Các bạn sinh viên cũng rất hòa đồng, nếu mình biết mở lời thì sẽ có người đáp lại.

Đừng bao giờ thu mình trong vỏ bọc của bản thân, mình chỉ có thể tránh được mọi người chứ không bao giờ tránh được bản thân và chính bản thân mình mới là người mình cần phải vượt qua.

Học ở Mỹ, sư thầy sẽ tu ở đâu?

Tu trong tâm nè! Mình có sinh hoạt và giảng dạy tại một vài ngôi chùa Việt Nam ở bang này. Mỗi chủ nhật thường đến các chùa để sinh hoạt với các em nhỏ và giảng pháp cho các Phật tử ở trong chùa.

Còn việc tu của bản thân thì mình thường ngồi thiền là chính. Mình có thời khóa ngồi thiền mỗi ngày. Bởi vì ngồi thiền là cách mình thấy tốt nhất để làm tâm mình thanh thản, sáng hơn và nhìn những việc mình làm, học rõ hơn.

Sở thích thường ngày của thầy là gì? Sư thầy có tham gia hoạt động cộng đồng ở Mỹ không?

Sở thích của mình là đọc sách, chụp hình và làm video. Mình có tham gia một vài hoạt động ở trường và cũng thường làm tình nguyện viên cho một vài công tác thiện nguyện của các thành phố.

Mình có thành lập Dharma Supporting Group tại ĐH Naropa để hỗ trợ, tư vấn, cũng như trò chuyện với sinh viên. Mình cũng thành lập lớp Phật giáo and Tiếng Việt tại chùa Tây Thiên, Colorado để dạy cho các em người Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

Định hướng cho bạn trẻ có tâm huyết học hành, phụng sự xã hội

Được biết sư thầy hay giảng dạy cho các bạn trẻ. Sư thầy thường quan tâm giảng nhiều nhất đến chủ đề gì?

Mình quan tâm nhất đó là làm sao các bạn trẻ định hướng được tương lai của bản thân. Sống có ước mơ, ước mơ lớn và có đủ sự dũng cảm để theo đuổi ước mơ đó. Mình cũng tiếp xúc và tư vấn cho nhiều bạn trẻ, mình thấy các bạn thường bị “chênh vênh" trong cuộc sống và trong học tập.

Theo sư thầy Thích Tâm Tiến, nhiều bạn trẻ hiện nay chênh vênh, bế tắc trong cuộc sống do không truyền thông được với bố mẹ.
Theo sư thầy Thích Tâm Tiến, nhiều bạn trẻ hiện nay "chênh vênh", bế tắc trong cuộc sống do không truyền thông được với bố mẹ.

Mình muốn giúp các bạn ấy thấy được con đường mà các bạn sẽ đi, không cần phải thấy thật rõ, chỉ cần xác định được bản thân muốn gì và sẽ làm như thế nào để đạt được nó, bất cứ khó khăn nào mình gặp phải đều là những bậc thang để mình bước lên một đỉnh cao mới.

Ngày nay, các bạn bị ảnh hưởng nhiều và nhanh từ cuộc sống. Những ảnh hưởng đó có cái tốt, có cái chưa tốt nhưng nếu các bạn không biết chọn lọc thì cuộc sống của bản thân sẽ khó khăn lắm. Có nhiều bạn không truyền thông được với cha mẹ nên những vướng mắc trong cuộc sống lại càng bế tắc hơn.

Sư thầy dùng ngôn ngữ teen để tạo không khí gần gũi, cởi mở khi giảng dạy cho các bạn trẻ.
Sư thầy dùng ngôn ngữ "teen" để tạo không khí gần gũi, cởi mở khi giảng dạy cho các bạn trẻ.

Sư thầy có lời khuyên gì cho các bạn trẻ sinh ra trong bối cảnh các giá trị đạo đức có nhiều biến động như thời nay?

Chúng ta có nhiều phương tiện tốt để học và liên lạc với nhau, hãy dùng nó làm những bậc thang cho sự thăng tiến của mình về kiến thức cũng như tâm hồn. Không ai là người hoàn hảo cả, chỉ có người biết như vậy và luôn cố gắng để tiến gần đến sự hoàn hảo mà thôi.

Các chùa ở Việt Nam cũng mở nhiều khóa tu mùa hè để hướng dẫn cho các bạn trẻ trở về với tự thân, tập sống có ích, và rèn luyện tinh thần hiếu hạnh của người con Việt. Nếu các bạn có cơ hội hãy tham gia một khóa tu để xem đó là trải nghiệm cho bản thân mình.

Dự định của sư thầy sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ?

Mình luôn luôn có một “dự định" đó là ngày nào mình còn giúp đỡ được ai đó mình sẽ giúp. Cuộc sống này quá ngắn để cứ ngồi dự định rồi không làm gì cả.

Mình luôn trân trọng từng ngày mình sống và trân trọng những người bên cạnh mình. Giúp đỡ người là cách mang lại hạnh phúc chân thật nhất cho bản thân mình.

Mình cũng muốn sau khi học xong nếu đủ duyên về Việt Nam giảng dạy tại các trường Đại học. Mình rất thích việc giảng dạy cho các bạn trẻ nên đây cũng là một dự định của mình. Mong rằng các trường ĐH sẽ đồng ý để tu sĩ vào đó dạy.

Với sư thầy Thích Tâm Tiến, bất kỳ khó khăn nào cũng là một bậc thang dẫn đến đỉnh cao.
Với sư thầy Thích Tâm Tiến, bất kỳ khó khăn nào cũng là một bậc thang dẫn đến đỉnh cao.

Ước mơ lớn nhất của sư thầy là gì?

Ước mơ của mình là mình mong muốn tất cả mọi người đều được an lành. Có lớn quá không ạ! Những gì mình học được đều hướng đến mục đích giúp đỡ người khác. Mình chỉ muốn sử dụng những gì mình học và tu để hướng dẫn cho những bạn trẻ có tâm huyết học hành, phụng sự xã hội càng nhiều càng tốt.

Sư phụ mình từng nói hạnh nguyện của một người xuất gia là mang lại an lạc cho tất cả chúng sinh, mình được ảnh hưởng tư tưởng đó từ Sư phụ nên việc học bây giờ chỉ là phương tiện để mình làm tốt công việc đó sau này.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của sư thầy.

Lệ Thu (thực hiện)

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục