Tản mạn Tết “xa xứ” của một nữ sinh Việt

(Dân trí) - Nhiều lần đón Tết xa quê, nhưng mỗi cái Tết lại mang đến cho tôi nhiều chiêm nghiệm mới mẻ về ý nghĩa thực sự của ngày Tết. Khi yêu thương và quan tâm được sẻ chia, tức là Tết đã ở trong lòng rồi.

Mùa Tết đầu tiên xa nhà, tôi quyết định làm một chuyến du hành xuống miền Nam nước Pháp với mục đích thăm một số bạn bè Việt ở Toulouse. Rút cuộc thì nơi đông người đồng hương, với nhiều hoạt động chuẩn bị Tết sôi nổi lại không phải là nơi mang đến cho tôi cảm giác ấm áp của sự sum họp.

 

Cũng may là trên chuyến đi đó tôi đã tạt ngang qua nhà hai người cô người Pháp. Những tình cảm nơi căn nhà của cô Françoise, chú Jean-Pierre và chú chó nhỏ đã mang lại cho tôi tình cảm gia đình thực sự. Ở nhà cô Simone, tôi lại được chia nhau cái bánh chưng mua ở chợ châu Á với những anh em họ. Dù không nói được tiếng Việt nhưng Amélie đã đến vỗ vai an ủi khi thấy tôi khóc nấc lúc nhận cuộc gọi đêm giao thừa từ Việt Nam. Tết, chính là khi những tình cảm gia đình được nhân lên, thể hiện qua từng sự quan tâm nhỏ nhất.

 

Du học sinh bên mâm cỗ đêm giao thừa
Du học sinh bên "mâm cỗ" đêm giao thừa



Cũng trong năm đó, tôi được Sylvie mời tham dự một bữa ăn Tết cổ truyền do những Việt kiều lâu năm tổ chức. Những món ăn không thực sự thuần Việt và những câu chuyện trò không nhiều tiếng Việt không vì thế mà khiến cảm xúc trong tôi về Tết bị vơi bớt.

 

Còn nhớ tôi đã được người “hàng xóm” ngồi cạnh, vốn là một lính Pháp tham gia trận Điện Biên Phủ năm nào, nhiệt tình kể chuyện. Ông nói dù đã cầm súng chiến đấu ở Việt Nam, nhưng những cảm tình của ông dành cho Đất nước đó vẫn còn nguyên, rằng “vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long sau này tôi không có dịp thưởng ngoạn một lần nào khác nữa, trong đời”.

 

Đó cũng là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một “tiết mục” đám cưới truyền thống mừng ngày lễ Tết. Khỏi nói, dân Pháp hôm đó ai cũng đứng lên vỗ tay rần rần vì được tận hưởng niềm vui 2 trong 1 trong ngày lễ không-phải-của-họ.

 

Cái Tết năm thứ 2, tôi cùng anh bạn trai tổ chức một mâm cỗ giao thừa trong căn phòng kí túc xá 9m2. François là vị khách được bọn tôi mời đến tham dự bữa ăn 30 Tết đó. Dù tròn mắt ngạc nhiên với những tập tục kỳ lạ (vái lạy, thắp hương, đốt giấy tiền vàng mã) nhưng François đã rất cảm kích với buổi ăn ngày hôm đó.

 

Anh chàng gốc Lyon lóng ngóng ngày nào giờ có lẽ là một trong những người hiểu rõ về phong tục Việt Nam nhất ở trường, vì hiện tại bọn chúng tôi đang chia nhau một căn hộ và ngày ngày François vẫn bị “tra tấn” với mùi nước mắm nồng nặc. Tết năm đó với tôi là cái Tết của sự gắn bó giữa tình bạn xuyên biên giới.

 

Nhiều lần đón Tết xa quê, nhưng mỗi cái Tết lại mang đến cho tôi nhiều chiêm nghiệm mới mẻ về ý nghĩa thực sự của ngày Tết. Khi yêu thương và quan tâm được sẻ chia, tức là Tết đã ở trong lòng rồi.

 

Cám ơn cô gia đình cô Françoise, cô Simone, François, Sylvie và những người Pháp đã luôn đi cạnh tôi qua những cái Tết xa nhà.

 

TRANG AMI

Dòng sự kiện: Tết Việt muôn nơi