Tết Ta - Tết Tây: Câu chuyện đồng xu

(Dân trí) - Có nên nhập Tết Ta và Tết Tây lại hay không? Câu trả lời dễ mà. Thả một đồng xu xuống đất. Nếu sấp thì nhập, ngửa thì không. Nghe có vẻ vô lý nhỉ! Nhưng đó là lập luận có lý nhất trong tất cả các lập luận mà tôi từng biết.

Có rất nhiều lập luận cho là việc nhập lại sẽ có lợi. Và cũng có rất nhiều lập luận cho là việc đó không tốt. Sự hợp lý của các lập luận này phụ thuộc vào khả năng dự đoán tác động của việc nhập hay không lên toàn bộ xã hội. Nó bao gồm rất nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật… của rất nhiều các thành phần khác nhau: nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức, các cá nhân. Những yếu tố này đan xen vào nhau, tương tác với nhau rất phức tạp và khó đoán. Một số người có vẻ như rất tự tin vào khả năng dự đoán của mình đến mức cho là các lập luận phía bên kia là sai, thiếu hiểu biết, thậm chí là “ngu”.

Thật ra chúng ta có khả năng dự đoán chính xác những tác động phức tạp này không? Nếu ai cho rằng được thì hãy thử dự báo một việc đơn giản hơn nhiều: nếu bạn thả một đồng xu xuống đất, nó sấp hay ngửa?! Về mặt lý thuyết, chỉ cần với 3 định luật Newton thì bạn có khả năng dự báo chuyện này một cách chính xác. Nếu một chuyện đơn giản như vậy mà bạn không làm được thì bạn không thể dự báo các vấn đề phức tạp của xã hội một cách chính xác được.


Có ai dự báo chắc chắn được việc sáp nhập tết tốt hay không tốt? Nếu ai cho rằng được thì hãy thử dự báo một việc đơn giản hơn nhiều, đồng xu sẽ sấp hay ngửa khi bạn tung nó.

Có ai dự báo chắc chắn được việc sáp nhập tết tốt hay không tốt? Nếu ai cho rằng được thì hãy thử dự báo một việc đơn giản hơn nhiều, đồng xu sẽ sấp hay ngửa khi bạn tung nó.

Điều này không có nghĩa là bạn không nên tranh luận. Tranh luận làm cho chúng ta nhìn nhận được nhiều khía cạnh của vấn đề hơn, hiểu nhau hơn, và đưa ra các giải pháp dung hòa lợi ích của nhiều bên hơn. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm được điều này khi chúng ta đủ hiểu biết để tôn trọng những điều khác biệt, những ý kiến trái chiều với ý kiến của chúng ta. Điều này không dễ làm nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ một việc nhỏ, cụ thể, và dễ làm: ngừng kêu những người có ý kiến khác với chúng ta bằng những từ tiêu cực như: “thiếu hiểu biết”, “ngu”, …

Tôi dự báo khá chắc chắn là nếu tất cả chúng ta đều làm được điều này thì chúng ta sẽ có một năm mới tốt đẹp hơn (tôi không cần thẩy đồng xu cho việc này).

TS. Hồ Nguyên Đắc Ngã

(Nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH San Francisco State, Hoa Kỳ)