Viết luận bằng thơ Nhật, cô gái dễ thương giành học bổng tiền tỷ đại học Mỹ

(Dân trí) - Đáp lại yêu cầu viết bài luận từ ĐH Mỹ, nữ sinh Đinh Ngọc Thảo đã khiến hội đồng tuyển sinh ấn tượng khi tự làm một bài thơ hai-cư (một kiểu thơ của Nhật Bản) trả lời câu hỏi: “Tại sao lại là Lawrence University?” đúng 47 từ như giới hạn của đề.

Không chỉ chấp nhận, Đại học Lawrence còn cấp học bổng trị giá 37.300 USD/năm trong 4 năm cho nữ sinh Việt (khoảng 3,4 tỷ đồng).

Mùa tuyển sinh năm nay, Đinh Ngọc Thảo nộp hồ sơ 4 trường và đều đỗ. Cả 4 trường này đều chào đón cô gái Việt bằng các suất học bổng giá trị.

Ba trường còn lại Thảo trúng tuyển là Đại học Trinity, Đại học Augustana (học bổng trị giá 31.000USD/năm) và Đại học Beloit (học bổng trị giá 38.000 USD/năm).

Đinh Ngọc Thảo (học sinh lớp 12 chuyên Nhật, THPT Chuyên Ngoại ngữ Hà Nội) xuất sắc giành học bổng cả 4 trường đại học Mỹ mà em ứng tuyển.
Đinh Ngọc Thảo (học sinh lớp 12 chuyên Nhật, THPT Chuyên Ngoại ngữ Hà Nội) xuất sắc giành học bổng cả 4 trường đại học Mỹ mà em ứng tuyển.

Chia sẻ về bài luận đặc biệt, Ngọc Thảo cho biết, bản thân em là một học sinh lớp chuyên Tiếng Nhật, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chính vì đam mê tiếng Nhật cũng như đất nước giàu văn hóa này, Thảo đã tìm tòi cách làm thơ “hai-cư” của người Nhật và thể hiện hiểu biết của mình trong bài luận gửi trường Đại học Mỹ.

Khi được hỏi về cơ duyên du học Mỹ trong khi học chuyên tiếng Nhật, Ngọc Thảo chia sẻ: “Năm lớp 11 em mới bắt đầu có ý định đi du học.

Sau khi cân nhắc giữa du học Mỹ và du học Nhật, em nhận thấy du học Mỹ cho mình nhiều học bổng và cơ hội hơn nên đã chuẩn bị hồ sơ, thi chuẩn hóa để gấp rút thực hiện mục tiêu”.

Cô gái 10 thông minh, dễ thương và giàu lòng nhân ái.
Cô gái 10 thông minh, dễ thương và giàu lòng nhân ái.

Khó khăn lớn nhất của nữ sinh 10X là cân bằng hoạt động vì hồ sơ gửi trường Mỹ khá cồng kềnh. “Việc cân bằng nhiều yếu tố phải làm trong thời gian ngắn khá là khó.

Ở trường chương trình học của em khá nặng nên để duy trì điểm GPA và xây dựng bộ hồ sơ là một thử thách gây stress không ít lần cho em”, Thảo chia sẻ.

Không tham gia hoạt động ngoại khóa vì đám đông làm vậy

Cô gái xinh đẹp, giàu lòng nhân ái thể hiện mong muốn đóng góp cho cộng đồng qua nhiều hoạt động thiện nguyện.

Từ năm học lớp 10 đến nay, Thảo là thành viên tích cực của CLB CNN Shine ở trường cấp 3. Đây là CLB ra đời từ năm 2008 với khoảng 60 thành viên, có sứ mệnh truyền bá tình yêu và kết nối những người kém may mắn trong cộng đồng trường THPT Chuyên Ngữ.

Em tham gia tình nguyện dạy múa hát, thể dục, nấu ăn cho trẻ tự kỷ ở trường Mẫu giáo Cầu vồng Xanh; tổ chức Lễ giáng sinh năm 2015, kỷ niệm Ngày trẻ em tự kỷ vào tháng 4/2016…

Ngọc Thảo trong một sự kiện tình nguyện vì trẻ tự kỷ.
Ngọc Thảo trong một sự kiện tình nguyện vì trẻ tự kỷ.

Em cũng là tình nguyện viên tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; thành viên ban tổ chức chuyến thăm tặng quà ở Trung tâm Cứu trợ Trẻ khuyết tật Thùy An, Ba Vì.

Nói về hoạt động tâm đắc, Thảo kể về thời gian tham gia Câu lạc bộ hợp tác Rubic - Dự án "SunPlay" nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tự kỷ. Thảo đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này vì dự án trực tiếp giúp đỡ gây dựng mối quan hệ yêu thương và tương tác giữa cha mẹ và con mắc chứng tự kỷ.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mong muốn giới thiệu lan tỏa văn hóa Hà thành là lí do Thảo tham gia Câu lạc bộ Lịch sử và Văn hóa của Hà Nội - My Hanoi, góp sức tổ chức các sự kiện truyền thống mỗi cuối tuần trên phố đi bộ như nhảy dây, kéo co, đập sạp, nặn tò he.

Nữ sinh lớp chuyên Nhật cũng là tình nguyện viên dạy tiếng Nhật tại một trung tâm dạy tiếng Nhật tại Hà Nội. Không những vậy, dù quá trình làm hồ sơ dần đến hồi quyết định, đến đầu năm lớp 12 Thảo đã trở thành một “Định hướng viên” trong chương trình “Mười Cộng” cho các học sinh mới vào trường với nguyện vọng có thể ít nhiều “truyền lửa” và giúp ích cho cộng đồng trường trước khi cầm trên tay bằng tốt nghiệp.

“Em nghĩ hoạt động tình nguyện chắc hẳn phải có trên CV của hầu hết mọi người, nhưng em chưa bao giờ tham gia tình nguyện vì đám đông làm vậy, mà vì em thực sự rất tận hưởng điều đó.

Những lần em đi làm dự án SunPlay, dù đường đi rất xa và công việc cũng vất vả đòi hỏi sức khỏe tốt để hoạt động ngoài trời, em thấy đều xứng đáng công sức vô cùng khi thấy phản hồi tốt của phụ huynh cũng như được trực tiếp chứng kiến những niềm vui ấy.

Các em bé mắc chứng tự kỷ thật ra rất dễ thương và cá tính, chỉ là cần nhiều thời gian để hiểu các em ấy hơn. Nếu được quan tâm yêu thương, các bé sẽ phát triển được thành những con người rất tài năng và có thể cống hiến nhiều cho xã hội.

Còn chuyến thăm lên Ba Vì em đã được đi 2 lần, chắc do duyên, và lần nào em cũng dành nhiều thời gian tiếp xúc trực tiếp với các em nhỏ và người già trong đó. Em thích nghe về cuộc sống của các em ấy ra sao, và càng vui khi biết hầu như tuần nào trên đó cũng có 3 đến 4 chuyến thăm giao lưu tặng quà. Có lẽ cộng đồng đang dần khít lại với nhau hơn.

Khi đập sạp cả tối tại khu phố Đi bộ, em cũng có cơ hội trực tiếp giao lưu giới thiệu văn hóa cho người nước ngoài, và cả người Việt Nam. Em luôn cảm thấy Việt Nam có rất nhiều giá trị văn hóa sâu sắc và độc đáo, nhưng chưa làm phổ thông được.

Một lí do em ngưỡng mộ văn hóa Nhật là vì họ rất biết cách đem theo các giá trị truyền thống lồng vào thế giới hiện đại, và khi nhắc đến Nhật ai cũng phải nghĩ đến vài từ khóa như là “sushi” hay “kimono” cho dù không bỏ thời gian ra tìm hiểu nhiều", Thảo say sưa kể về những trải nghiệm vì cộng đồng.

Làm thơ hai-cư thay cho bài luận thông thường, cô gái xinh đẹp giành học bổng 3,4 tỷ đồng từ Đại học Lawrence.
Làm thơ hai-cư thay cho bài luận thông thường, cô gái xinh đẹp giành học bổng 3,4 tỷ đồng từ Đại học Lawrence.

Ngọc Thảo thể hiện mối quan tâm nhất quán trong việc tạo ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng khó khăn qua hoạt động tình nguyện và tâm huyết tham gia hoạt động trong thời gian dài thay vì tràn lan. Chính nhờ việc hiểu bản thân và hiểu ngôi trường mình muốn đến là “chìa khóa” giúp cô gái Việt chinh phục cả 4 đại học em nộp đơn.

“Em nghĩ những trường em đã chọn để apply đều là những trường em đã chọn kỹ, trường có sự phù hợp nhất định với tính cách của em. Em luôn quan niệm rằng việc chân thật với chính mình là bí quyết giúp em được các trường nhận, vì họ tìm thấy học sinh phù hợp và tâm huyết với trường”, Ngọc Thảo nhấn mạnh.

“Có một câu nói của một người bạn lớn mà em ấn tượng vô cùng, và nó rất đúng: ‘Chọn trường đại học cũng giống như tìm người yêu; vấn đề là tìm thấy lựa chọn phù hợp với bản thân chứ không phải đuổi theo một trường học xếp hạng cao ai cũng muốn vào”, cô gái chia sẻ.

Thảo làm Phiên dịch viên tại triển lãm du học Education USA với mong muốn truyền lửa ước mơ du học cho những thế hệ sau.
Thảo làm Phiên dịch viên tại triển lãm du học Education USA với mong muốn truyền lửa ước mơ du học cho những thế hệ sau.

Trong bài luận chính, nữ sinh Việt có nhắc đến niềm đam mê các hoạt động thiện nguyện. Thảo kể lại một lần em học được nhiều bài học về cuộc sống mưu sinh qua buổi hoạt động tình nguyện ở một dự án đáng nhớ.

Lấy sự trưởng thành của bản thân làm thang đo cho sự thành công

Ngọc Thảo cho hay, em sẽ nhập học ở trường ĐH Trininy, đây là ngôi trường em ứng tuyển ở đợt nộp đơn sớm (ED). Trường này cấp cho cô gái Việt học bổng 55% (trị giá 2,7 tỷ đồng).

Ngọc Thảo đam mê mỹ thuật, em bên bức tranh mình tự vẽ.
Ngọc Thảo đam mê mỹ thuật, em bên bức tranh mình tự vẽ.

“Động lực lớn nhất để em lựa chọn Đại học Trinity là ngôi trường này mang lại cho em cảm giác như được về nhà. Em cảm nhận được sự gần gũi, quen thuộc từ sự gắn kết trong cộng đồng sinh viên của trường.

Trinity sẽ là thử thách mới lạ với em qua những môn học chuyên sâu và sự da dạng của 90 câu lạc bộ. San Antonio là thành phố lớn thứ 7 nước Mỹ, vì vậy em chắc chắn sẽ có nhiều trải nghiệm đáng nhớ và khám phá được nhiều cơ hội ở ngôi trường này. Ngoài ra, ở bang Texas thời tiết khá ấm áp nên em không phải lo lắng về mùa đông tuyết lạnh”, Thảo chia sẻ.

Thảo là thành viên tích cực của CLB CNN Shine ở trường cấp 3.
Thảo là thành viên tích cực của CLB CNN Shine ở trường cấp 3.

Thảo (thứ hai, bên trái) và các bạn trong sự kiện định hướng cho các em học sinh mới vào trường.
Thảo (thứ hai, bên trái) và các bạn trong sự kiện định hướng cho các em học sinh mới vào trường.

Tháng 8 tới, cô gái Việt sẽ bay sang Mỹ. Em cho biết, thời gian còn lại ở Việt Nam sẽ hoàn thành nốt chương trình lớp 12 đồng thời chuẩn bị các kỹ năng để sống tự lập tốt nhất. Ngọc Thảo dự định theo đuổi ngành Tâm lý học.

“Em luôn tò mò về cách con người suy nghĩ, hành xử trong cuộc sống thường ngày và con người có thể làm gì để làm việc hiệu quả và xây dựng lối sống lành mạnh hơn. Ngành tâm lý học sẽ cho em kiến thức hiểu người khác và kiến thức hiểu chính mình”, Thảo nói.

Qua một hành trình dài hiện thực ước mơ du học, Ngọc Thảo nhận ra đây không phải là cuộc đua giành điểm số cao nhất trong lớp, có danh sách dài những hoạt động đáng ngưỡng mộ, càng không phải để chứng tỏ bản thân với thế giới.

"Trong suy nghĩ của em, bài học quý giá nhất em học được là bản thân đã hiểu mình hơn, qua những ngày tháng ôn SAT miệt mài mà biết thế mạnh thế yếu trong học thuật, qua những hoạt động mà biết mình muốn trở thành người như thế nào trong xã hội… Từ đó, em thấy mình trưởng thành lên rất nhiều.

Vậy nên em muốn gửi gắm tới tất cả những ai đang ôm trong mình giấc mơ chinh phục các nhà tuyển sinh Mỹ, hay bất kì giấc mơ nào khác, đó là hãy có niềm tin vào bản thân và lấy sự trưởng thành của bản thân làm thang đo cho sự thành công, chứ không phải đo bằng xếp hạng trường hay điểm số.

Dù thế nào cũng không mất tập trung vào câu chuyện thành công của người khác mà bỏ quên mình, vì chắc chắn chính họ cũng có những trăn trở riêng không thể nói.

Những điều này em cũng học được là do luôn có gia đình và những người bạn thân luôn sát cánh ủng hộ và động viên không ngừng, nên qua hành trình này em cũng thấy mình thật may mắn biết bao", Thảo tâm sự.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục