Xã hội xem trọng thời gian

(Dân trí) - Hiếm có đất nước nào ầm ĩ vì chuyện đúng giờ như nước Nhật. Việc đúng giờ thì ở quốc gia nào cũng quan trọng, nhưng Nhật Bản là một nước đặc biệt. Người nước ngoài sang Nhật ai cũng phải trầm trồ vì tàu điện, xe buýt ở Nhật lúc nào cũng đến đúng giờ.

Theo thống kê, số thời gian chậm của tàu siêu tốc Shinkansen của Nhật một năm trung bình chỉ là 30 giây. Nước Nhật tự hào về công nghệ quản lý thời gian đó. Nếu vì gió bão hay có sự cố gì xảy ra chậm mất vài phút, nhân viên nhà tàu sẽ thông báo và xin lỗi rối rít như một chuyện gì đó hết sức nghiêm trọng.

Người Nhật thường đến sớm ít nhất 10 phút trong khi hẹn gặp ai đó hay trong công việc. Đối với họ thì muộn một phút cũng là muộn và thường sẽ bị đánh giá nghiêm trọng bất kể vì lý do gì, đặc biệt là trong công việc. Trong cuộc sống cá nhân, cũng có những người Nhật đến muộn vài phút, nhưng trong công việc, chuyện đến muộn là tối kị.

Tôi nhớ, có lần trong quá trình huấn luyện khi mới vào công ty làm việc, có một bạn đồng nghiệp đi muộn một buổi giảng dạy năm phút. Nguyên nhân là vì chuyến tàu đang đi thì có một sự cố phải dừng lại do có người ngã xuống đường ray. Cả đoàn tàu phải dừng lại để kiểm tra an toàn nên đã đến ga muộn hơn so với thời gian dự kiến ban đầu.

Người đồng nghiệp ấy có thể xin giấy chứng nhận chuyện mình đến muộn là do phương tiện giao thông có sự cố từ công ty đường sắt. Bình thường, đến muộn do tàu chậm do sự cố bất khả kháng ở Nhật là lỗi dễ dàng được thông cảm và bỏ qua ở hầu hết các công ty hay sự kiện. Thế nhưng, hôm đó công ty tôi lại xử lý việc đó trầm trọng hơn cả sự tưởng tượng của tôi.

Với quan điểm dù đến muộn với lý do chính đáng đi nữa thì việc bắt khách hàng phải chờ đợi là một chuyện không tưởng, ảnh hưởng đến hình ảnh công ty, tất cả chúng tôi liên tục lưu ý rằng tương lai khi đi làm việc với khách hàng phải dự phòng tất cả các phương án.

Chương trình huấn luyện ngay lập tức thêm vào một buổi thảo luận về chủ đề làm sao để không đến muộn dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, ví dụ như: lường trước các cách đi dự phòng đến điểm hẹn ngoài phương tiện chính là tàu điện, luôn theo dõi thông tin tàu chậm và thời tiết trên điện thoại, tránh việc làm việc khuya đến mức ngủ quên...

Rất nhiều người đưa ra ý kiến và giải pháp, ai cũng muốn trình bày thuyết phục và logic. Kết quả là buổi họp kéo dài ba tiếng chỉ để giải quyết vấn đề của một cá nhân đi muộn năm phút. Đó là một lần mà tôi thấy việc khắt khe quá về thời gian đôi khi thật phiền phức.

Sự đúng giờ và chính xác là điều ai cũng phải tán dương, nhưng sự khắt khe và cứng nhắc khi xem xét các thứ ngoài dự kiến, theo tôi, có thể là một điểm yếu trong tính cách của người Nhật…

Phi Hoa

Với hành trang là suất học bổng của chính phủ Nhật Bản, tác giả Phi Hoa đã tới xứ sở mặt trời mọc học tập và làm việc. Với quãng thời gian 8 năm “vừa vui vẻ hạnh phúc nhưng cũng có những nỗi cô đơn, vất vả”, cô gái đang giữ vị trí chuyên viên tư vấn phụ trách mảng chiến lược kinh doanh của Tập đoàn Deloitte Consulting tại Nhật Bản kịp kể lại những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” đầy chân thực trong cuốn sách “Du học Nhật Bản – 3.000 ngày với nước Nhật”.

Những trải nghiệm trong cuốn sách giúp cho bạn trẻ đang nung nấu ý định du học Nhật Bản có ý thức rõ ràng hơn về những khó khăn, vất vả sẽ phải trải qua đồng thời chỉ ra con đường khôn ngoan và tiếp thêm động lực để các bạn trẻ tiếp tục dấn thân trên con đường du học gian nan nhưng đầy vinh quang.