Xem Hàn Quốc lên kế hoạch “giữ chân” sinh viên giỏi

(Dân trí) - Sau nhiều năm là quốc gia cung cấp nhiều sinh viên cho những trường đại học nước ngoài, hiện Chính phủ Hàn Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch biến nước này trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của giáo dục đại học trong khu vực châu Á.

Xem Hàn Quốc lên kế hoạch “giữ chân” sinh viên giỏi - 1
Hàn Quốc đã thi hành những chính sách nhằm tăng cường sức hấp dẫn của ngành giáo dục trong nước để hạn chế xu hướng học sinh tài năng ra nước ngoài học tập.
 
30 trường được nâng cấp đạt chất lượng nghiên cứu quốc tế

Theo kế hoạch, trong thời gian tới Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng các trường đại học trong nước. Trong 5 năm tới, Hàn Quốc sẽ chi 600 triệu USD để xây dựng và nâng cấp 30 trường đại học nước này đạt chất lượng nghiên cứu quốc tế. Đây là một sự nỗ lực của ngành Giáo dục Hàn Quốc nhằm mục đích giữ chân sinh viên trong nước và thu hút những sinh viên nước ngoài đến du học.

Trong những năm qua, việc du học hầu như là điều kiện "cần phải có" của con em trong những gia đình trung lưu ở Hàn Quốc. Vốn là một đất nước luôn bị sức ép gay gắt trong cạnh tranh về học tập và việc làm, sự phát triển kinh tế và mức sống được nâng cao trong thời gian qua đã khiến ngày càng nhiều gia đình ở Hàn Quốc đủ khả năng cho con em đi du học nước ngoài để tìm kiếm một bằng cấp uy tín quốc tế với hy vọng con cái của họ có được một chỗ đứng tốt trong thị trường lao động khắc nghiệt ở nước này.

Làn sóng du học và những vấn đề đặt ra

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong năm 2007 đã có khoảng 350.000 bạn trẻ Xứ sở Kim Chi đi du học nước ngoài. Phần lớn trong số này là những sinh viên ở bậc đại học, nhưng cũng có du học sinh các cấp học khác. Một báo cáo mới đây của Trung tâm giáo dục Fulbright cho biết, tính riêng ở Mỹ năm ngoái có đến 115.000 học sinh, sinh viên Hàn Quốc thuộc mọi cấp đến để học tập, trong đó có 69.000 sinh viên đại học.

Sự gia tăng số lượng sinh viên Hàn Quốc ra nước ngoài du học trong thời gian qua khiến cho nhiều người quan ngại về sự chảy máu ngoại tệ, và quan trọng hơn là nguy cơ nguồn chất xám Hàn Quốc bị chảy ra nước ngoài. Các trường đại học của Hàn Quốc cũng không có sức thu hút sinh viên quốc tế vì không được đánh giá tốt như nhiều trường đại học khác ở phương Tây.

Bài học từ Dự án Brain Korea 21

Ý thức được điều đó, trong những năm qua ngành Giáo dục Hàn Quốc đã đưa ra chính sách nhằm nâng cao chất lượng của những trường đại học nước này. Từ năm 1999, Hàn Quốc đã có kế hoạch mang tên dự án Brain Korea 21 (Trí tuệ Hàn Quốc 21) nhằm tạo ra "những trung tâm trí tuệ" về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và các lĩnh vực tri thức khác. Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn 1 từ 1999 đến 2005 với vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, nhưng dự án Brain Korea 21 hầu như không đạt được bước "nhảy vọt" nào. Một nghiên cứu gần đây của chuyên gia giáo dục Trường Đại học Hàn Quốc Jung Cheol Shin cho thấy, dự án BrainKorea 21 "không làm rút ngắn khoảng cách giữa các trường đại học Hàn Quốc và các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế ở Mỹ hay Nhật Bản về số lượng các công trình nghiên cứu được công bố".

Trước tình hình trên, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra kế hoạch đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống trường đại học bị coi là thiếu tầm nhìn của nước này. Ngoài việc, trước năm 2012, dự án Brain Korea 21 được đầu tư thêm 2,3 tỷ USD và kế hoạch 600 triệu USD để nâng cao chất lượng nghiên cứu của 30 trường đại học, ngành Giáo dục Hàn Quốc còn mời nhiều học giả nước ngoài giúp sức "để chuyển đổi các trường đại học Hàn Quốc thành những viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới". Một dự án xây dựng trường đại học "toàn cầu" hoàn toàn mới cộng tác với một số các học viện của Mỹ được Nhà nước hỗ trợ sẽ được triển khai. Khi dự án trường đại học đẳng cấp thế giới bắt đầu, ngành Giáo dục Hàn Quốc đã ký hợp tác với các trường đại học Mỹ và mời hàng trăm vị giáo sư nước ngoài đến giảng dạy.

Chiêu hiền đãi sĩ

Một số trường như Đại học Quốc tế Ewha Women ở Seoul đang cố gắng cải "biến" trường của mình thành những nơi làm việc hấp dẫn hơn. Ewha đang xây dựng một khu liên hợp học tập và nghiên cứu mới, rộng 9 triệu m2  với tham vọng thu hút các giáo sư nước ngoài đến làm việc, mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học hàng đầu quốc tế khác. Trường Đại học Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận hợp tác với 50 đối tác nước ngoài, trong đó có Trường Đại học Navarra (Tây Ban Nha); Trường Confederation ở Canada; Trường Đại học John Cabot của Ý. Trong số những nhà nghiên cứu đến làm việc tại Hàn Quốc, có 9 nhà khoa học đạt giải Nobel, gồm cả nhà bác học Roger D. Kornberg từng đạt giải Nobel Hóa học năm 2006. Một số trường đại học Hàn Quốc đã liên minh với các trường đại học hàng đầu thế giới. Sinh viên học trong nước vẫn được tham dự những chương trình đào tạo do chi nhánh một trường đại học của Mỹ đảm nhiệm.

100 nghìn sinh viên nước ngoài năm 2012

Các quan chức ngành Giáo dục Hàn Quốc cho biết: Những kế hoạch này sẽ không bị tác động bởi suy thoái kinh tế. Chính phủ nước này tin rằng trong tương lai, các trường đại học tốt nhất của Hàn Quốc sẽ lọt vào danh sách 50 trường đại học tốt nhất thế giới. "Chúng tôi sẽ mang những trường đại học nước ngoài về Hàn Quốc", ông Hee Yhon Song, quan chức phụ trách chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học của Bộ Giáo dục Hàn Quốc nói.

Với việc nỗ lực trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối các sinh viên cả trong và ngoài nước, ngành Giáo dục Hàn Quốc đang nỗ lực giữ chân những sinh viên tài năng ở lại với đất nước này. Mặt khác, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đặc biệt là hướng đến những thị trường trọng điểm như Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Hàn Quốc đặt mục tiêu thu hút 100 nghìn sinh viên nước ngoài đến du học vào năm 2012 để biến Hàn Quốc trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của giáo dục đại học trong khu vực châu Á.

Vũ Anh Tuấn
Theo Chronicle of Higher Education và Korea Times