"Kiếp đỏ đen" của thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay

Thật lo khi công nghệ giải trí ngày càng phát triển, nhu cầu của công chúng ngày càng tăng cao mà lại thiếu thế hệ nhạc sĩ chuyên nghiệp biết viết nhanh, viết khỏe và viết hay... Hiện tại, công việc sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay cứ như một vòng luẩn quẩn "đỏ đen"...

Trong khi nhạc sĩ Duy Mạnh bất ngờ "đổi đời" chỉ bằng hai ca khúc ăn khách trích từ album phát hành đầu năm của anh Kiếp đỏ đen, Hãy về bên anh thì nhiều nhạc sĩ trẻ khác vốn nổi tiếng trước đây nay lại "xìu" hẳn phong độ.

 

Đó là việc phải nhắc đến “thời” của các nhạc sĩ trẻ có từ khi làng nhạc Việt được công chúng hâm mộ trong khoảng giai đoạn 1996-2002. Rất nhiều gương mặt được giải Làn Sóng Xanh và đóng góp một lượng ca khúc khổng lồ cho thị trường, như: Ngọc Châu, Nguyễn Đức Trung, Việt Anh, Tuấn Khanh, Trần Minh Phi, Đức Trí... (từ năm 2000 trở về trước); Lê Quang, Minh Châu, Hoài An, Quốc An, Nguyễn Nhất Huy, Võ Thiện Thanh, Vũ Quốc Việt, Tường Văn... (từ năm 2000 trở về sau).

 

Thậm chí nhiều người kể trên còn là chủ nhân các bài hit giúp cho ca sĩ vượt cấp tỏa sáng hoặc duy trì sự hâm mộ của khán giả: Việt Anh với Mưa phi trường, Người đi xa mãi dành cho Lam Trường; Đức Trí với Ta chẳng còn ai cho Phương Thanh, Có quên được đâu cho Thanh Thảo; Quốc An với Cây đàn sinh viên, Hát với dòng sông giúp Mỹ Tâm lên đỉnh; cặp đôi Hoài An- Nguyễn Nhất Huy với Nếu phôi pha ngày mai, Bờ bến lạ... viết "đo ni đóng giày" cho Đan Trường-Cẩm Ly ăn khách một thời...

 

Nhưng dần dà, có vẻ như cả thị trường lẫn các nhạc sĩ trẻ đều... giận hờn và quay lưng với nhau. Thị trường âm nhạc ngày càng bát nháo với lượng ca khúc đổ ùn thượng vàng hạ cám khiến công chúng nhăn mặt chê nhiều hơn khen. Năm 2004 lại thêm vũ đạo nhạc bị phanh phui khiến những người yêu âm nhạc càng thất vọng và chán nản hơn. Ngược lại, về phía các nhạc sĩ thì cũng phát rầu với những con sâu làm hỏng nồi canh, từ vài bài "đạo nhạc" chính hiệu nai vàng thì có vô sô bài bị liệt oan ức vào diện "tình nghi". Điều này cũng làm nhiều nhạc sĩ trẻ e ngại và tự ái ít nhiều khi sáng tác vì bất kể bài nào của họ viết ra cũng bị soi với kính hiển vi.

 

Tuy nhiên tác quyền ca khúc quá bèo mới là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các nhạc sĩ trẻ giảm năng suất. Đành rằng sáng tác là một nghệ thuật, là cảm xúc, là những "đứa con tinh thần thiêng liêng" song thời đại hôm nay quan điểm đã được bổ sung: việc viết nhạc, sáng tác còn là một công việc mang tính chuyên nghiệp cao. Người nhạc sĩ bỏ tâm bỏ tài ra viết được nhạc cho hãng đĩa ghi âm, ca sĩ hát kiếm sống hàng đêm... thì cũng cần có một thù lao tương xứng. Đằng này suốt 10 năm trôi qua, tác quyền ghi âm băng đĩa cho một ca khúc vẫn "bình chân như vại" ở giá 500.000 đồng. Bài nào được mua độc quyền thì mới ở tầm 2,3 triệu đồng.

 

So sánh nào cũng có thể khập khiễng, không khéo mang tiếng so đo. Tuy nhiên ở nước ngoài người ta đã trân trọng vai trò lẫn quyền lợi của người nhạc sĩ một cách công bằng hơn: nhạc sĩ được hưởng tác quyền qua phần trăm số lượng mỗi một đĩa bán ra, mỗi một lần ca sĩ hát trên sân khấu hoặc bất cứ ai đó hát karaoke ca khúc của họ...

 

Do nhiều yếu tố, ở VN người nhạc sĩ chưa được hưởng tác quyền theo cách tính hợp lẽ như thế. Cho nên những cây viết sung sức một giai đoạn nhạc trẻ Việt nay đều sáng tác nhạc lai rai, không còn đam mê phổ biến cấp tập như trước. Thậm chí, nhìn đi quẩn lại thấy nhạc sĩ trẻ nào cũng loay hoay kiếm thêm nghề riêng chứ chẳng ai sống được bằng việc sáng tác nhạc cả: Nguyễn Nhất Huy nuôi cá ở Đồng Nai, đi học chụp hình; Hoài An viết báo tin học; Vũ Quốc Việt đánh đàn, hát quán bar... Những tay "lỡ" sống chết với nghề nhạc như Võ Thiện Thanh, Minh Khang đương nhiên ngoài chuyện sáng tác phải làm hòa âm phối khí, đánh nhạc, đào tạo ca sĩ... mới nuôi được chính mình.

 

Một loạt những người trẻ sau này - thế hệ "8X" (sinh sau năm 1980) như Nhất Trung, Trung Quân, Lương Bằng Quang, Nguyễn Hoài Anh... chỉ nhảy vào thị trường với niềm đam mê hồn nhiên của tuổi trẻ hoặc những lý do rất riêng (như Nhất Trung viết cốt yếu là để cho chính nhóm boyband AXN mà anh là thành viên hát). Chưa ai mơ tưởng sẽ sống được với nghề viết nhạc. Mặc dù lẽ ra, vai trò của những nhạc sĩ chuyên nghiệp là một mắc xích trọng yếu trong dây chuyền công nghệ giải trí. Không có những nhạc sĩ chuyên nghiệp thì không thể gọi nền nhạc trẻ chuyên nghiệp được...

 

Và một thực tế khó lý giải đó là việc ca khúc hay, chất lượng có thể bị quên lãng, còn bài hát dở cũng có thể ăn khách. Bài hát lên hàng hit, đôi khi chỉ là do chuyện may mắn hoặc xui rủi chứ không phải do tài năng hoặc bất tài... Hy vọng những trớ trêu như vậy chỉ là hiện tượng nhất thời mà thôi.

 

Giữa tháng 4 này album của nhạc sĩ Duy Mạnh đã tiêu thụ được 20.000 bản. Các album riêng của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cũng đạt 5-10.000 bản. Hoài An vừa ra được một album riêng dạng collection bài ăn khách với sự ưng ý của tác giả. Các sáng tác của Nhất Trung -AXN, Lương Bằng Quang phổ biến rất mạnh mẽ trên các trang web nghe nhạc online... Những ánh sáng le lói này có thể động viên các nhạc sĩ trẻ vững tin cố gắng hơn?

 

Và người yêu nhạc cũng sớm đặt hy vọng vào những chương trình giới thiệu các ca khúc mới chất lượng và tôn vinh vai trò của các nhạc sĩ như Bài hát Việt 2005 sắp khai trương vào ngày 17/4 này sẽ là liều thuốc "tăng lực" giúp cho các nhạc sĩ trẻ VN hứng thú với chuyện sáng tác (và sáng tác hay) hơn, giã biệt tình cảnh thểu não hiện nay.

 

Theo Trung Nghĩa

 Tuổi Trẻ