Thông tin cá nhân thí sinh bị đánh cắp:

Ai chịu trách nhiệm?

Dự thi vào trường này bỗng nhận được giấy báo mời nhập học của trường kia; muốn vào ĐH thì lại nhận giấy báo vào trường trung học, dạy nghề. Chuyện giấy báo mời nhập học "từ trên trời rơi xuống" lác đác xuất hiện từ vài năm trước đây bỗng rộ lên trong mùa tuyển sinh 2005.

Thi một trường, nhận 13 giấy gọi 

 

Thí sinh (TS) T.T.P. quê ở Bạc Liêu dự thi vào Trường ĐH B với số báo danh 6960. Sau khi có kết quả, vì lý do kỹ thuật, tên của P. lúc đầu có trong danh sách trúng tuyển, sau đó lại không. Khi cả gia đình còn đang hoang mang chưa biết sự thể thế nào, định khăn gói đến trường để hỏi thực hư thì đã nhận được thư của một trường ĐH dân lập khác. Ngoài bì thư, tên của trường ĐH dân lập xa lạ được ghi ở vị trí người gửi. Còn vị trí người nhận là những thông tin của P. khi dự thi vào Trường ĐH B như số báo danh, địa chỉ liên lạc.

 

TS N.T.N. dự thi vào Trường ĐH Nông lâm TPHCM lại không "may mắn" như vậy. N. chỉ nhận được thư mời nhập học của Trung tâm dạy nghề tư thục Tri Thức. Trung tâm này gắn mác liên kết với Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, đưa ra lời quảng cáo đao to búa lớn khiến N. "say đắm" nghe theo. N. lặn lội vào TP Hồ Chí Minh, đóng tiền nhập học rồi qua báo chí mới hay đó chỉ là một trung tâm lừa lọc.

 

Vừa vượt qua cú sốc trượt ĐH, gắng gượng đứng dậy đi đăng ký học lấy cái nghề lại bị trung tâm này giáng thêm một cú sốc nữa.

 

Hàng nghìn học sinh khác từ khắp các tỉnh thành trong cả nước cho biết họ cũng nhận được những tờ thư mời như vậy gửi đến tận nhà. Thậm chí thư còn được gửi bảo đảm đầy "trân trọng".

 

Tiếp xúc với chúng tôi, không ít TS cho hay sau khi dự thi ĐH họ đã nhận được không phải một mà là rất nhiều thư mời gọi như thế. Điển hình như một TS dự thi vào Trường ĐH Mỏ địa chất trong tháng chín đã nhận được đến... 13 giấy gọi nhập học khác nhau. Bạn bè cùng lớp của TS này cũng nhận được nhiều giấy gọi hệt như vậy.

 

Nhận được những giấy báo kiểu như thế có TS lấy làm vui mừng vì lối đi khác đang mở ra trước mắt ngay trong lúc bi quan, nhưng cũng không ít người hết sức bực bội. Anh T.H., phụ huynh một TS, than phiền con anh đã dự thi ĐH từ năm trước nhưng đến năm nay một trường THCN khác vẫn tiếp tục gửi thư đến mời học!

 

Anh Trương Thái Hòa ở Long Thành, Đồng Nai, một phụ huynh cũng "bị" các đơn vị giáo dục gửi thư về nhà, bức xúc: "Con tôi nộp hồ sơ đăng ký dự thi qua sở GD-ĐT, rồi sở lại gửi cho trường ĐH. Như vậy chỉ có sở và trường ĐH có thông tin của con tôi. Thế mà chẳng hiểu tại sao các trung tâm dạy nghề lại có được địa chỉ rồi gửi thư về nhà quấy nhiễu!".

 

Vì sao "em" có?

 

Từ đâu các cơ sở giáo dục kia lại có trong tay thông tin của những TS vốn trước đó không có mối liên hệ nào với họ? Đặt câu hỏi này với một người trong cuộc - trưởng phòng đào tạo một trường ĐH dân lập đã từng gửi thư đến tận nhà cho TS - chúng tôi nhận được câu trả lời khá vô tư.

 

Ông cho hay: "Lấy thông tin của TS à? Việc đó đâu có gì khó (?!). Theo mối quan hệ sẵn có, chúng tôi sẽ dựa trên ba nguồn để xin danh sách TS. Thứ nhất là các sở GD-ĐT; thứ hai là các trường ĐH và thứ ba là đến trực tiếp các trường THPT".

 

Trưởng phòng đào tạo này bộc bạch thêm: "Gửi thư mời thì cũng như đi phát tờ bướm vậy thôi. Thay vì  phải đi phát tràn lan thì chúng tôi xin địa chỉ để phát cho đúng đối tượng (!)".

 

Khi chúng tôi liên lạc với một số sở GD-ĐT, nơi có nhiều TS nhận được thư mời gọi,  phần lớn câu trả lời nhận được là không hề cung cấp thông tin cho các cơ sở kia. Các sở thừa nhận có cung cấp thông tin thì cho rằng việc đó là rất ít.

 

Ông Trần Hữu Dung, cán bộ Sở GD-ĐT Bình Thuận, nói: "Trước khi cung cấp, chúng tôi có tìm hiểu xem trường đó hoạt động, giảng dạy thế nào". Và ông cũng bày tỏ lo lắng: "Nếu có vấn đề gì thì sẽ thiệt thòi cho TS lắm!".

 

 Trong khi đó, ông Lê Duy Dân, trưởng phòng THCN Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, cũng khẳng định sở không hề cho thông tin TS một cách đại trà. Nhưng ông cũng thừa nhận "việc xin lẻ tẻ thì có".

 

Về phía các trường ĐH, hầu hết cũng đều khẳng định là không hề có chủ trương cung cấp thông tin của TS không trúng tuyển vào trường mình cho cơ sở giáo dục khác. Tuy nhiên, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH lớn bày tỏ: "Một số trường hợp yêu cầu xin, có công văn chính thức, theo phép xã giao chúng tôi phải giải quyết. Thật ra chúng tôi có rất nhiều yêu cầu nhưng chúng tôi chỉ cung cấp cho một số nào đó thôi".

 

Không có trường ĐH nào, sở GD-ĐT nào chủ trương cung cấp thông tin TS cho một đối tượng thứ ba, nhưng thông tin vẫn cứ "chảy" ra ngoài. Một số cơ sở giáo dục "năng động" và "biết điều" vẫn có những cách riêng để nắm lấy các thông tin này, phục vụ mục đích của họ.  Riêng TS là thơ ngây không hiểu mình đã bị "xin - cho" như thế nào.

 

May mắn sẽ đến cho những TS nào nhận được thư mời của những cơ sở giảng dạy nghiêm túc. Ngược lại, các "cạm bẫy trường" vẫn luôn rình rập họ như trường hợp "trung tâm công nghệ lừa" là ví dụ.

 

Hiện nay qui chế tuyển sinh chưa có bất kỳ điều khoản nào đề cập đến nội dung bảo mật thông tin cá nhân cho TS. Như vậy trong trường hợp bị lừa lọc, ai sẽ chịu trách nhiệm trước TS?

 

 

Theo Tuổi Trẻ