Chàng trai người K'Ho đầu tiên du học và nhận bằng tiến sĩ quốc tế

(Dân trí) - “Học hết cao học là học tới đâu vậy con, Học tới thạc sĩ đã hết chưa? Buôn làng này đã có ai học lâu như thế đâu!” – người cha già của Cil Duin hỏi con trai khi biết anh trúng tuyển học bổng đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế giáo dục ở nước ngoài.


Cil Duin – tiến sĩ đầu tiên người dân tộc KHo của núi rừng Lang Biang.

Cil Duin – tiến sĩ đầu tiên người dân tộc K'Ho của núi rừng Lang Biang.

11 tuổi mới vào lớp 1

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 9 người con tại xã Lát, dưới chân núi Lang Biang, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), thuở nhỏ Cil Duin giống bao đứa trẻ cùng trang lứa - chỉ đi học chữ qua loa cho biết. Trẻ con ở buôn làng đa phần bỏ học theo cha mẹ lên rừng làm rẫy.

Năm 11 tuổi, chàng trai K’Ho mới vào lớp 1. Lúc này, cậu học trò nhỏ vẫn chỉ có suy nghĩ đi học cho có, bố mẹ bảo đi học thì phải đi. Chỉ từ năm học lớp 5, sau lần bỏ học gần 1 tuần nhưng bố vẫn quyết tâm dắt tay lên trường, anh mới hạ quyết tâm không bỏ học một lần nào nữa. Lên cấp 2, chỉ còn 7-8 học sinh, tới cấp 3 thì chỉ còn 5, trong đó có Cil Duin.

Vì là người dân tộc thiểu số nên Cil Duin rất vất vả mới học được tiếng phổ thông. “Lúc nhỏ, tôi cũng theo chân mấy anh chị lớn hơn đến lớp, nhưng phải tới 11 tuổi, tôi mới bắt đầu vào học lớp 1, lên lớp 4 tôi mới có thể viết được những đoạn văn ngắn”, anh kể.

Khởi đầu tưởng đơn giản nhưng với Cil Duin là những nỗ lực lớn để mở một cánh cửa mới. Cậu học trò tiến bộ rõ rệt và cứ thế giữ vững niềm say mê với con chữ khi tiếp tục theo học tại Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử tại Trường ĐH Sư phạm Huế, anh trở về Lạc Dương, trở thành giáo viên Trường THPT Lang Biang. Từ đó, Cil Duin chính thức bắt đầu hành trình “gieo chữ” trên mảnh đất nghèo và định hướng cho lớp trẻ tầm quan trọng của việc học.


Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm Huế, Cil Duin trở thành giáo viên “gieo” ánh sáng tri thức cho quê hương nghèo.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm Huế, Cil Duin trở thành giáo viên “gieo” ánh sáng tri thức cho quê hương nghèo.

Năm 2005, Cil Duin thi đậu vào cao học ngành lịch sử Việt Nam của Trường ĐH Đà Lạt, cũng là năm anh “bị bắt” về ở rể vì người K’Ho vốn theo chế độ mẫu hệ. Khi biết cậu con trai tiếp tục học cao học, người cha già của anh hỏi: “Học hết cao học là học tới đâu vậy con, Học tới thạc sĩ đã hết chưa? Buôn làng này đã có ai học lâu như thế đâu!”.


Chàng trai dân tộc thiểu số của Tây Nguyên xuất sắc nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Trung Quốc.

Chàng trai dân tộc thiểu số của Tây Nguyên xuất sắc nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Trung Quốc.

Học hết chữ thì nghỉ

Mặc dù hiểu rất mơ hồ về trình độ bậc học nhưng người cha vẫn động viên con học tới khi nào “hết chữ” thì nghỉ. Nghe lời cha, học cho “hết chữ”, năm 2012, thạc sĩ Cil Duin trúng tuyển học bổng đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài với chuyên ngành Quản lý kinh tế giáo dục.

Ba năm sau đó, chàng trai K’Ho đầu tiên của núi rừng Lang Biang đã hoàn thành chương trình với học vị Tiến sĩ Quản lý học tại Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc).

Cil Duin tâm sự rằng, cuộc đời anh đã gặp nhiều điều may mắn thì mới có thể không dang dở giấc mơ học hành. Người mẹ năm nay hơn 80 tuổi vô cùng tự hào về con trai của mình. Bà tâm sự: “Nếu như còn bố thì chắc chắn bố cũng sẽ rất tự hào và mãn nguyện vì con trai đã hoàn thành mong ước của ông”.

“Hai tuần trước khi sang Trung Quốc để học chính thức, các bác sĩ phát hiện bố bị bệnh ung thư máu, nên mình lưỡng lự giữa đi và ở nhà chăm sóc bố. Nhưng bố không đồng ý để mình bỏ ngang”, TS. Cil Duin kể.

Nghe tin bố yếu, Duin về thăm được 5 ngày thì ông mất. Sau một tháng chịu tang, Cil Duin trở lại và nỗ lực bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý học tại Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh.


Cil Duin rạng rỡ trong ngày anh nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ.

Cil Duin rạng rỡ trong ngày anh nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ.

Nhắc đến tiến sĩ Cil Duin, ở Lang Biang gần như không ai không biết. Bây giờ, không chỉ gia đình Cil Duin, mà bà con, họ hàng ở Lạc Dương đều lấy làm hãnh diện vì lần đầu tiên có một người con K’Ho ở mảnh đất này học lên tận tiến sĩ. Mỗi lần Cil Duin đi và về, bà con hàng xóm lại thường lấy ché rượu cần và con gà để đón như một cách thể hiện tình cảm quý mến.

Sau những cố gắng không ngừng nghỉ, anh Duin đã được tín nhiệm giao nhiệm vụ trong ngành quản lý giáo dục, góp phần thúc đẩy việc học ngay trên quê hương mình.

Tấm gương sáng của buôn làng

Thời đại đổi mới, ở Bon Dơng 1 ngày nay trẻ em người K’Ho đã có điều kiện đi học, tiếp xúc giáo dục ngay từ sớm. Tuy vậy, câu chuyện về hành trình đeo đuổi con chữ tới cùng của tiến sĩ Duin luôn được mọi người nhắc tới như tấm gương sáng nhất khi giáo dục con cái. Vợ của tiến sĩ cũng là một giáo viên.

Già làng Kră Jăn Tên, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Lạc Dương, rất tự hào mỗi khi được hỏi về người con của núi rừng Langbiang: “Ngày xưa nhà nó nghèo, lại đông anh em, điều kiện lúc đó để học được con chữ thôi đã là khó khăn lắm rồi, nhưng nó còn làm được điều mà cả vùng, cả huyện này chưa ai làm được, đó là mang về tấm bằng tiến sĩ.

Trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, tôi vẫn nhắc nhở con em đang đi học phải có nghị lực vươn lên noi gương theo Tiến sĩ Duin. Phụ huynh phải chăm lo, quan tâm việc học cho bọn trẻ, chỉ có thế sau này mới đỡ khổ được, mới tiếp cận được cái văn minh tiên tiến trên thế giới”.


Tiến sĩ Duin trở thành tấm gương sáng nhất cho buôn làng về học tập.

Tiến sĩ Duin trở thành tấm gương sáng nhất cho buôn làng về học tập.


Hiện, tiến sĩ Cil Duin đang công tác tại Phòng Giáo dục huyện Lạc Dương.

Hiện, tiến sĩ Cil Duin đang công tác tại Phòng Giáo dục huyện Lạc Dương.

Cô Nguyễn Thị Hiền, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Lạc Dương, có trên 35 năm công tác trong ngành giáo dục địa phương và là giáo viên dạy Cil Duin thời phổ thông, cho biết: “Đến thời điểm này, ngoài Cil Duin thì ở H.Lạc Dương chưa ai có học vị tiến sĩ.

Người dân của buôn làng đều gọi Cil Duin là thầy, ngay cả bây giờ khi Duin đã thôi dạy và chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Lạc Dương - như là một sự kính trọng và yêu mến vô bờ”.

Lệ Thu

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục