“Chảy máu chất xám” chưa nguy bằng “lãng phí chất xám”?

(Dân trí) - Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Brandeis (Mỹ) Ngô Di Lân quan điểm, bài toán lớn nhất hiện nay không phải “chảy máu chất xám” mà là “lãng phí chất xám” bởi cứ kêu gọi mọi người về mà không giúp họ dùng hết được năng lực thì cũng chẳng khác gì chảy máu chất xám cả!

Cách đây đôi hôm, tôi có may mắn được tham dự một buổi giao lưu thân mật với một số anh chị cán bộ cấp cao ở Việt Nam được cử sang Mỹ theo học một khoá nhằm nâng cao năng lực quản lý.

Buổi trò chuyện rất vui vẻ, sôi nổi chủ yếu xoay quanh đề tài làm thế nào để tránh tình trạng chảy máu chất xám và thu hút người tài về nước. Hai bên trao đổi rất thẳng thắn và vì thẳng thắn nên đến cuối buổi thì cá nhân tôi nhận thấy rằng vấn đề trước mắt không phải là làm thế nào để có thể thu hút được nhân tài về nước mà là làm thế nào để những người đã về rồi hoà nhập với môi trường trong làm việc trong nước.


Tác giả bài viết Ngô Di Lân hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis, Hoa Kỳ.

Tác giả bài viết Ngô Di Lân hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis, Hoa Kỳ.

Vì sao vấn đề chảy máu chất xám không phải là vấn đề bức thiết nhất? Vì dù tất cả du học sinh có không muốn về nước đi nữa thì một phần lớn trong số đó vẫn phải về vì không phải ai cũng xin được visa để ở lại làm việc. Điều đó có nghĩa là từ trước đến giờ vẫn có một số lượng tương đối đi du học rồi về nước đi làm chứ không phải ai cũng ở lại nước ngoài hết.

Để không lãng phí chất xám thì trước tiên phải giúp những người này phát huy tối đa năng lực của mình đã, trước khi tính đến chuyện tiếp tục thu hút các đối tượng đang đi làm ở nước ngoài rồi để về nước cống hiến. Còn nếu cứ kêu gọi mọi người về mà không giúp họ dùng hết được năng lực thì cũng chẳng khác gì chảy máu chất xám cả!

Người ta thường nói rằng "cần hai người để nhảy điệu Tango", để có sự hoà nhập giữa những du học sinh mới về nước và những đồng nghiệp từ trước đến giờ chỉ học tập và làm việc ở trong nước cần có sự hợp tác và thiện chí của cả đôi bên chứ không của riêng ai.

Nếu các du học sinh mới về nước có oằn mình lên để thích nghi với môi trường mới mà các đồng nghiệp trong nước không tạo điều kiện thì họ cũng không thể nào hoà mình vào tập thể được.

Mặt khác, nếu các đồng nghiệp đã tạo điều kiện rồi mà các du học sinh về nước nhất quyết làm việc theo "phong cách Tây" của mình và thậm chí tìm cách thay đổi ngay tác phong làm việc của những người ở nhà thì chắc chắn sẽ không thể nào hoà nhập được, thậm chí sẽ tạo ra mâu thuẫn và xung đột.

Theo ý kiến của mình thì ở đây nói theo ngôn ngữ quan hệ quốc tế thì chúng ta cần có một cuộc "mặc cả lớn" (grand bargain) giữa những du học sinh về nước và những đồng nghiệp trong nước.

Cuộc mặc cả lớn này về cơ bản như sau: những du học sinh mới về cần chấp nhận rằng ít ra trong thời gian trước mắt những người đồng nghiệp của mình ở trong nước của mình, dù học hàm có thể thua kém mình nhưng vẫn sẽ là những người "bề trên" của mình.

Họ là người am hiểu rõ hơn bạn xem bộ máy vận hành ra sao, mọi thứ "đường đi lối lại" trong cơ quan như thế nào. Những người này không nhất thiết giỏi hơn các bạn nhưng họ có kinh nghiệm hơn các bạn là điều chắc chắn.

Ngược lại, những người ở trong nước cần công nhận năng lực chuyên môn của những người từ nước ngoài về và tạo điều kiện để những bạn trẻ đó phát huy năng lực và kiến thức của mình.

Nếu thẳng thắn mà nhìn nhận thì ít ra đa phần các bạn du học sinh ở nước ngoài được đào tạo và rèn luyện một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn các bạn ở trong nước. Vì thế nếu năng lực chuyên môn của du học sinh hơn sinh viên được đào tạo trong nước thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì đơn giản là môi trường học tập, làm việc ở những nước phát triển ưu việt hơn ở Việt Nam mà thôi.

Như vậy đây sẽ là một thoả thuận bất thành văn cùng thắng cho cả đôi bên: những bạn mới về được tạo điều kiện để phát huy sở trường của mình ở mức tối đa và nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới còn những bạn trong nước sẽ không cảm thấy vị trí của mình bị đe doạ bởi những du học sinh mới về, đồng thời có cơ hội học hỏi để nâng cao năng lực của bản thân.

Sự mặc cả này là một điều cần thiết bởi chỉ cần một trong hai bên nhất quyết rằng mình hơn bên kia tuyệt đối thì chuyện làm việc với nhau một cách hoà hợp là cực kỳ khó, nếu không phải là bất khả thi.

Nếu các du học sinh về nước với thái độ kiêu căng, trịch thượng thì dù học giỏi đến mấy đi nữa thì cũng sẽ trở thành một mục tiêu cực lớn cho sự ganh đua và đố kỵ của tất cả những người còn lại.

Nếu các bạn ở trong nước nghĩ rằng bọn du học sinh mới về nước chẳng biết gì và cô lập họ thì sẽ đánh mất cơ hội được học hỏi nhiều điều mới mẻ và đất nước sẽ đánh mất cơ hội tận dụng nguồn lực tri thức vô cùng quý giá.

Ở đây mình muốn nhấn mạnh một lần rằng bài toán lớn nhất hiện nay chưa phải là làm sao để thể thu hút được nhân tài về nước mà là làm thế nào để những người đã về rồi hoà nhập được với những người đã và đang học tập và làm việc ở trong nước từ trước đến giờ.

Để giải được bài toán này không nhất thiết cần phái chế độ đặc cách hay lương bổng đặc biệt gì nhưng sẽ yêu cầu một chiến lược dài hơi để tạo ra sự gắn kết giữa du học sinh và sinh viên trong nước, để giúp du học sinh hình dung được phong cách làm việc ở trong nước đồng thời giúp sinh viên trong nước làm quen với tác phong làm việc ở nước ngoài.

Ngô Di Lân

(Nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis, Hoa Kỳ)