Đề thi đại học 2006 ra như thế nào?

Trước khi hạ bút khai hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh cần phải lưu ý gì về đối tượng ưu tiên, cần đăng ký dự thi tại địa điểm nào, hay cần thông tin vào trường ĐH, CĐ không tổ chức thi ra sao?...

Nhằm cung cấp tới thí sinh (TS) những thông tin chi tiết, đầy đủ nhất, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long.

 

Bảng phân chia khu vực, đối tượng ưu tiên, mã trường THPT trong tuyển sinh năm nay có gì thay đổi không, thưa ông?

 

Đối với những đơn vị hành chính mới được tách, nhập, thành lập có sự thay đổi về khu vực ưu tiên (ví dụ như từ huyện thuộc KV2-NT lên thành quận thuộc KV2), TS có hộ khẩu trên địa bàn tiếp tục được hưởng ưu tiên khu vực như cũ thêm ba năm kể từ khi có quyết định thay đổi về hành chính.

 

Đối với TS có nguyện vọng học (NV1) ở các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi có cần thực hiện thêm yêu cầu nào khác so với qui định chung về hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), thưa ông?

 

Riêng đối với TS có NV1 học tại trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của các trường ĐH, học viện, năm nay bộ có qui định mới: ngoài hồ sơ ĐKDT nộp cho trường TS sẽ dự thi để lấy kết quả xét tuyển, những TS này cần nộp thêm một bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1.

 

Bản photo này sẽ chuyển cho trường không tổ chức thi mà TS đăng ký xét tuyển NV1 để trường có đầy đủ dữ liệu về TS, có thể chủ động gửi thông tin cho TS, chính xác và nhanh hơn trong khâu xét tuyển.

 

Qui định dự thi theo cụm như thế nào? TS có hộ khẩu ở các tỉnh thuộc cụm thi nhưng muốn dự thi tại trường ĐH cho phù hợp điều kiện cư trú thực tế có được không?

 

TS cần lưu ý, những TS có hộ khẩu theo các cụm thi nhưng dự thi vào các trường ĐH thuộc khối quốc phòng, công an hoặc các trường và các ngành năng khiếu vẫn phải đến trường đó để dự thi. Các ngành năng khiếu bao gồm: thể dục thể thao, nghệ thuật, mỹ thuật, nhạc họa, sân khấu điện ảnh, kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp, văn hóa quần chúng và các ngành năng khiếu của các trường sư phạm.

 

Bộ GD-ĐT cho phép những TS có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh thành được chỉ định theo cụm thi nhưng đã tốt nghiệp THPT tại các địa phương khác thì không bắt buộc phải dự thi tại cụm thi qui định theo hộ khẩu thường trú. Đối với những trường hợp đặc biệt khác, ví dụ như TS tự do hoặc TS đã thay đổi chỗ ở sau khi tốt nghiệp THPT, cũng sẽ được các trường xem xét tiếp nhận dự thi tại địa điểm phù hợp, tiết kiệm cho TS nhất.

 

Những TS ở phía Bắc có nguyện vọng dự thi vào các trường ĐH tại khu vực TP.HCM hoặc TS ở phía Nam có nguyện vọng dự thi vào các trường ở Hà Nội có được dự thi theo cụm để tiết kiệm chi phí không, thưa ông?

 

Hiện nay mới chỉ TS có hộ khẩu tại sáu tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kontum, Quảng Ngãi, Quảng Nam có nguyện vọng thi vào các trường ĐH khu vực Hà Nội hay TPHCM dự thi ngay tại cụm thi Qui Nhơn. Còn TS ở phía Bắc muốn dự thi vào trường ĐH phía Nam hoặc ngược lại vẫn cần phải đến trường trực tiếp dự thi. Năm nay chưa tổ chức được cụm thi cho các đối tượng TS này.

 

Có những ngoại lệ nào khi áp dụng qui định tính điểm ưu tiên khu vực theo nơi học và tốt nghiệp THPT?

 

TS học liên tục và tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở nơi nào thì hưởng ưu tiên khu vực theo khu vực đó. Nếu trong ba năm có chuyển trường thì hưởng ưu tiên theo nơi nào học lâu hơn. Nếu mỗi năm học ở một trường hoặc một nửa thời gian học ở trường này, một nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Qui định tính điểm ưu tiên này được áp dụng cho tất cả TS, kể cả những TS đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước.

 

Tuy nhiên có bốn đối tượng sau được tính điểm ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú: HS các trường dân tộc nội trú; HS các trường, lớp dự bị ĐH, kể cả dự bị ĐH dân tộc; HS các lớp tạo nguồn được mở theo quyết định của các bộ ngành, UBND các tỉnh thành; quân nhân, công an nhân dân được cử đi dự thi: nếu có thời gian đóng quân từ 24 tháng trở lên ở khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo nơi nào có mức ưu tiên cao hơn. Nếu đóng quân dưới 24 tháng thì hưởng ưu tiên theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.

 

TS đã trúng tuyển vào một trường ĐH nhưng có nguyện vọng xét tuyển vào một trường CĐ thi bằng đề riêng có được không, thưa ông?

 

Bộ chỉ qui định TS đã trúng tuyển vào một trường ĐH, CĐ không được xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác thi chung đề. Còn nếu TS trúng tuyển ĐH nhưng có nguyện vọng học ở một trường CĐ địa phương hoặc một trường CĐ thi bằng đề riêng cùng khối thi, cùng vùng tuyển, TS phải làm đơn gửi tới trường để xét tuyển. Như vậy, nếu muốn, các trường CĐ thi bằng đề riêng được phép xét tuyển bằng kết quả TS thi bằng đề chung.

 

Ngoài một số trường CĐ, năm nay có những trường ĐH nào sẽ thi tuyển sinh bằng đề riêng, thưa ông?

 

TS lưu ý có sáu trường ĐH sẽ thi bằng đề riêng - đều là những trường khối năng khiếu - gồm: ĐH Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội), ĐH Sư phạm thể dục - thể thao Hà Tây, Nhạc viện Hà Nội, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Sân khấu - điện ảnh và Nhạc viện TPHCM. Những TS dự thi vào sáu trường kể trên cần liên hệ trực tiếp với trường để nắm được các yêu cầu cụ thể về đề thi, lịch thi, thời gian và yêu cầu sơ tuyển...

 

Kỳ thi tuyển sinh năm nay sẽ có hai đối tượng: TS học chương trình phân ban và TS học chương trình không phân ban, vậy đề thi sẽ được xây dựng như thế nào để phù hợp với cả hai chương trình và đảm bảo công bằng cho TS?

 

Bộ GD-ĐT đã có qui định nguyên tắc ra đề thi cho năm 2006 - năm đầu tiên có HS tốt nghiệp chương trình THPT phân ban thí điểm dự thi. Nguyên tắc chung vẫn là đề thi phải đảm bảo nội dung bám sát chương trình và sách giáo khoa THPT, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, quá phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài, có khả năng phân loại TS. Để đảm bảo quyền lợi của HS học theo hai chương trình khác nhau, có sự đánh giá chính xác, đề thi sẽ gồm hai phần: phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả TS và phần câu hỏi tự chọn được ra theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban.

 

TS có bắt buộc học theo chương trình nào phải chọn câu hỏi của chương trình đó? Phần đề thi tự chọn cho chương trình phân ban có phân hóa đến từng ban hay không, thưa ông?

 

Đây là phần tự chọn, vì vậy không có sự bắt buộc đối với TS. TS được tùy ý lựa chọn một trong hai phần tự chọn của chương trình phân ban hoặc không phân ban để làm bài thi, không phân biệt TS học theo chương trình nào. Tuy nhiên khi đã lựa chọn đề thi theo chương trình nào thì TS phải làm trọn vẹn theo phần đề đó.

 

Đối với chương trình THPT phân ban, đề thi khối A và B ra theo chương trình ban khoa học tự nhiên, khối C và D ra theo chương trình ban khoa học xã hội và nhân văn.

 

Theo Thanh Hà

Tuổi Trẻ