Tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2012 - 2013:

Đỡ căng thẳng vì không phải “tuổi đẹp”

Theo kế hoạch của nhiều sở GD-ĐT, từ đầu tháng 5 trở đi là thời điểm các địa phương (cấp tổ dân phố) trên địa bàn đi thu thập danh sách các cháu đủ tuổi (6 tuổi) để chuyển đến phòng giáo dục quận/huyện, thực hiện tuyển sinh vào lớp 1.

Trên thực tế, việc tuyển sinh vào lớp 1 chỉ “căng thẳng” khi vào trường trái tuyến, trường chuẩn, lớp tăng cường ngoại ngữ…

Đỡ căng thẳng vì không phải “tuổi đẹp”
Một cảnh chen chúc nộp hồ sơ vào lớp 1 năm học 2011.

Lớp đại trà đỡ “căng”

Theo danh sách do các tổ dân phố thu thập, học sinh sẽ được theo học tại trường theo từng tuyến theo nguyên tắc trường gần nhà nhất, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho trẻ. Ngoài ra, nếu đã nhận hết số trẻ tại địa phương theo tuyến, các trường sẽ còn một tỉ lệ nhất định để nhận trẻ trái tuyến.

Ở cấp tiểu học, hiện nay Hà Nội có hơn 300 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 44,6%. Theo tính toán của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2012 việc tuyển sinh vào lớp 1 sẽ đỡ căng thẳng hơn, vì lứa tuyển sinh năm nay là trẻ sinh năm 2006 - năm Bính Tuất - không phải là năm “đẹp” nên các gia đình không đua nhau đẻ. Tuy nhiên, với một số trường tiểu học danh tiếng thì việc “chạy đua” để có một suất học trái tuyến là việc vẫn xảy ra.

Nhận định này cũng được lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đồng tình. Trong khi với hầu hết các lớp đại trà, việc ra lớp một với trẻ sinh năm 2006 vào niên học tới thì được dự đoán là khá bình yên vì không có sự “gia tăng dân số” bất thường như những năm đẹp (năm 2000 hoặc năm "heo vàng" 2007...), thì “tỉ lệ nhỏ” nhận trái tuyến là một trong “kẽ hở” khiến nạn chạy vào trường trái tuyến, đặc biệt là vào những trường đạt chuẩn quốc gia và các lớp tăng cường ngoại ngữ ở từng trường xảy ra tình trạng căng thẳng.

Phụ huynh: Nạn nhân và nguyên nhân

Độ tuổi “chạy trường” nhiều nhất lại rơi vào lứa tuổi tiểu học (lớp 1). Việc chạy trường thường xảy ra ở những quận, huyện trung tâm, trong khi những quận, huyện ngoại thành thì hầu như mọi việc rất yên ổn, thậm chí cá  biệt ở một số địa phương, giáo viên phải đến tận nhà để động viên gia đình cho trẻ đến trường đúng độ tuổi.

Khi nhìn nhận vấn nạn chạy trường, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM - ông Nguyễn Hoài Chương - cũng đã phải “thở dài”: Ngành đã tự thân vận động cũng như phối hợp cả với các cơ quan chức năng khác (công an, truyền thông...) để đưa ra không ít giải pháp dẹp vấn nạn này. Từ việc áp dụng tuyển sinh theo hộ khẩu đến những chương trình trường tổ chức cho phụ huynh đến tham quan, mục sở thị tại trường. Tuy nhiên, cũng chưa rốt ráo được.

Cũng theo vị phó giám đốc này, mỗi đầu niên học là lãnh đạo ngành giáo dục phải đau đầu về chuyện nhờ vả, gửi gắm vào trường điểm, trường chuẩn, lớp tăng cường tiếng Anh... Ông Chương cũng phân tích: “Phải thừa nhận rằng, tâm lý của phụ huynh đóng một vai trò rất quan trọng trong giải quyết vấn nạn này. Xin đưa ra một minh chứng, trong hai năm gần đây, ở TPHCM cứ mỗi khi một trường nào đó được công nhận là trường chuẩn quốc gia là y như rằng, niên học ngay sau đó “sốt” nạn chạy trường. Vẫn là trường đó, đội ngũ giáo viên đó, chất lượng dạy như thế, nhưng nếu chưa “có tiếng trường chuẩn” thì vẫn... bình yên”.

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thì chia sẻ, mặc dù biết rõ mười mươi “mánh” chạy trường bằng cách chuyển hộ khẩu, nhưng việc này ngoài tầm giải quyết của ngành giáo dục, mà phụ thuộc vào quy định của địa bàn đó.

Hay như quy định “ngầm” về suất của giáo viên tại những trường hay được phụ huynh “chạy” mà ai cũng biết là có.

Không phủ nhận vai trò của ngành giáo dục phải từng bước “giải quyết” những “gút mắc” để khống chế nạn chạy trường ở mức tối thiểu, nhưng trong vấn nạn này, ở một chừng mực nào đó, có thể nói phụ huynh vừa là nạn nhân, đồng thời cũng là nguyên nhân.

Theo Ngân Anh - Thể Uyên
Lao Động