Giấc mơ nội trú

Đầu năm học 2005-2006, sinh viên các trường đại học khu vực Thủ Đức (TPHCM) điêu đứng vì cơn sốt ký túc xá. Các trường cũng “gồng mình” để hạ nhiệt, nhưng lực bất tòng tâm, đành nhìn sinh viên của mình ra thuê những phòng trọ nhếch nhác với giá đắt đỏ.

Chính phủ đã có chủ trương xã hội hóa việc xây dựng ký túc xá (KTX) sinh viên (SV). Thế nhưng các doanh nghiệp vẫn thờ ơ…

 

Mỗi tháng hơn 22 tỷ đồng “ném” vào nhà trọ

 

Trời vừa sập tối, con đường từ ngã ba ĐH Đại cương vào khu KTX của ĐH Quốc gia TPHCM đã đen như mực. Tại ngã ba ấp Gò Cát (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), phiên chợ cuối ngày được nhóm lên từ buổi chiều giờ đã đông nghịt sinh viên (SV) túa ra từ các con hẻm nhỏ.

 

Chúng tôi hỏi một nữ SV đang săm soi mớ rau cầm trên tay: “Nghe nói giá nhà trọ hổm rày lên dữ?”. “Lên chớ! Năm ngoái có 150 ngàn đồng/người, năm nay giá đội lên tới 200 ngàn đồng, chưa kể điện nước. Mà 5 đứa ở có một phòng chút xíu hà…”.

 

“Vậy tiêu tốn khoảng bao nhiêu một tháng?”. “Gia đình cho khoảng 600 ngàn đồng/tháng, mà tiền ở hết phân nửa rồi, còn lại là ăn, học hành, sách vở …”. “Mấy người khác cũng vậy sao?”. “Như em vậy là vừa phải, có bạn khá giả hơn, nhưng cũng nhiều bạn nghèo lắm, phải ở 5, 6 người một phòng chừng 7-8m2, mà giá cũng 120.000đồng/người”. Đó là tình trạng phổ biến của SV các tỉnh về TPHCM học đại học và cao đẳng.

 

Đối nghịch với cảnh tranh tối tranh sáng của khu nhà trọ, SV từ 11 khu nhà cao 5 tầng nằm rải rác trong khuôn viên KTX đang kéo nhau về phòng sau vài giờ chơi bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật, thể hình... Siêu thị mini của KTX với các mặt hàng từ bút mực, tập viết cho đến… thực phẩm khô đang vắng khách, nhưng thư quán bên trong thì hầu như chẳng còn chỗ đứng.

 

Cách siêu thị không xa là câu lạc bộ… khiêu vũ đang xập xình tiếng nhạc. Mỗi khu nhà cao tầng đều có nhà giữ xe, căn tin, thư viện, nước uống tiệt trùng phục vụ sẵn. Thảo Sương, ở phòng 116 khu nhà A7, SV năm nhất Khoa Báo chí Trường ĐH KHXH-NV, hồ hởi khoe: “Em không nghĩ cuộc sống SV của mình lại thuận lợi như bây giờ. Ăn uống ở đây cũng rẻ, chỉ 4-5 ngàn đồng/suất. Buổi tối có thể tham gia nhiều hoạt động ngay tại KTX mà không cần phải đi đâu xa….”.

 

Còn Nguyễn Anh Quân, SV năm 2 Khoa Công nghệ-Thông tin ĐH Quốc tế, cho biết: “KTX còn thường xuyên có các lễ hội ẩm thực, giao lưu âm nhạc… phục vụ SV. Ngoài ra, mỗi tuần còn có 3 buổi phát thanh do SV tổ chức để thông tin thời sự xã hội và các hoạt động liên quan đến đời sống SV...”.

 

Quả đúng như lời cậu sinh viên ở khu nhà trọ tên Bình - SV khoa Quản lý đất đai ĐH Nông Lâm TPHCM (quê Quảng Ngãi), khu KTX của ĐH Quốc gia đã tạo cho SV một “phong cách ở” khá chuyên nghiệp. Nhưng, không phải SV nào cũng có thể với tay được tới “ước mơ”.

 

TS Nguyễn Khắc Cảnh - Trưởng ban Công tác chính trị sinh viên của ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, để được vào ở KTX, SV phải đạt một trong các tiêu chuẩn: gia đình chính sách, có điểm tuyển sinh xuất sắc, hoàn cảnh khó khăn… Nhà trường sẽ xét tuần tự từ A đến Z cho đến khi nào hết chỗ thì thôi… Nói là vậy, nhưng mới hồi đầu năm học, nhà trường chưa kịp xét thì KTX cũng đã hết chỗ. Nhờ đó mà giới kinh doanh phòng trọ đã phất lên như diều gặp gió.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, số SV trên địa bàn TPHCM có khoảng 300.000 người, trong đó khoảng 80% đến từ các tỉnh có nhu cầu trọ học ở thành phố (khoảng 240.000 người). Các KTX của các trường trên địa bàn TPHCM đáp ứng khoảng 25%. Còn lại 75% trong tổng số 240.000 người (khoảng 150.000 SV ) đang phải thuê nhà trọ. Nếu tính trung bình mỗi SV bỏ ra 150.000/người/tháng thuê nhà trọ thì một tháng các SV này phải bỏ ra hơn 22,5 tỉ đồng để thuê nhà. Trên thực tế, con số này còn lớn hơn.

 

Cung ít cầu nhiều, doanh nghiệp vẫn... “lắc đầu”

 

Hiện nay, tại khu quy hoạch ĐH Quốc gia TPHCM đã có 12 tỉnh xây dựng xong KTX cho SV. SV thuộc các tỉnh có KTX xây dựng đều có trong danh sách được ở KTX. Tuy nhiên, tính trên tổng số SV thì ĐH Quốc gia TPHCM chỉ đáp ứng chưa đến 50%.

 

KTX ĐH Nông Lâm TPHCM có 2.500 chỗ, không đủ nên đầu năm học 2005 phải “sang” lại của tỉnh An Giang một khu KTX 500 chỗ, nhưng cũng chỉ giải quyết được khoảng 25% nhu cầu. KTX ĐH Văn hóa TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 220 SV, trong khi số SV cần chỗ ở là 4.500 người.

 

Trong đó, riêng SV năm thứ nhất đã trên 1.000. Tương tự, ĐH Kinh tế TP HCM, mỗi năm có thêm khoảng 2.000-3.000 SV mới từ các tỉnh, phần lớn đều có nhu cầu về chỗ ở. Trường đã có 3 khu KTX nhưng cũng chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu. Tình trạng “đất chật người đông” của ĐH Luật TPHCM còn nghiêm trọng hơn.

 

SV khóa mới của trường năm nay không có cơ hội vào KTX. Không có đất dành cho KTX, trường phải thuê mặt bằng của dân để xây nhà cấp 4 cho SV ở. Tuy nhiên, số nhà này cũng chỉ tiếp nhận được hơn 400 SV đang học.

 

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, để đáp ứng mục tiêu kể trên, từ nay đến năm 2010 cần xây mới khoảng 970.000m2 KTX, đồng thời cần cải tạo nâng cấp khoảng 730.000m2.

 

Tại sao không xây dựng thêm KTX cho SV, thiếu đất chăng? PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng-Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM khoát tay: “Đất ở ĐH Nông lâm TPHCM còn mênh mông. Chúng tôi có sẵn từ 10 đến 15 ha để xây KTX. Chỉ có điều là không có tiền để làm…”. Chúng tôi hỏi: “Sao nhà trường không đi vay hoặc kêu gọi đầu tư…?”. Ông Hùng thở dài: “Mười mấy năm nay, chúng tôi đã gõ cửa khắp các nơi nhưng chẳng cánh cửa nào mở…”.

 

TS Nguyễn Khắc Cảnh cho biết, hiện tại ĐH Quốc gia có 18 ha đất để xây KTX, nhưng cũng chẳng tìm đâu ra nguồn vốn để xây. Để giải quyết tình trạng khan hiếm KTX như hồi đầu năm học 2005-2006, trường dự định để cho Đoàn TNCSHCM của trường tham gia xây dựng nhà tiền chế cho sinh viên ở tạm, về lâu dài sẽ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng KTX.

 

Ông Cảnh tin tưởng: “Và khi doanh nghiệp nhảy vào, ĐH QG sẽ có hẳn một student city (thành phố sinh viên) đúng nghĩa…”. Tuy nhiên, việc mời các doanh nghiệp tham gia đầu tư đến nay vẫn còn nằm trong… chủ trương của lãnh đạo ĐH Quốc gia.

Vì sao có tình trạng này? Câu trả lời chính xác nhất có lẽ từ các doanh nghiệp.

 

Theo Linh An - Lê Linh

Sài Gòn Giải Phóng