Giỏi nhiều ngoại ngữ, không cần phải thiên tài!

Charles Berlits là nhân vật duy nhất từng đứng trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc nói lời chào mừng các đại biểu bằng 25 thứ tiếng. Với ông, ngoại ngữ nào cũng có thể học được cả, dù khó đến đâu đi nữa.

Phải thể hiện ngôn ngữ ấy bất cứ lúc nào

 

“Khi ta cố học xong một ngoại ngữ nào đó, nhưng nếu không sử dụng đến, rất dễ quên. Trước đây tôi biết tiếng Lingali, một trong những ngôn ngữ được dùng ở Congo. Nhưng vì lâu không tới đó, tôi đã hầu như quên hẳn...

 

Muốn học ngoại ngữ, phải biết “làm đầy” thứ tiếng đó trong một khoảng thời gian ngắn. Ngoài nghị lực của bản thân, các bạn phải tập thói quen học các từ vựng và cách thể hiện thứ ngoại ngữ ấy ở bất cứ chỗ nào và bất kỳ nơi đâu, không nhất nhất là chỉ học trên lớp và làm bài tập ở nhà. Ngày nào cũng vậy, không ngừng...

 

Tôi có diễm phúc được sinh ra trong một gia đình “đa ngôn”: ông nội nói với tôi bằng tiếng Đức, mẹ - tiếng Pháp, cha - tiếng Anh, còn người ăn kẻ làm trong nhà nói tiếng Tây Ban Nha.

 

Lúc 3 tuổi, trước khi biết nói chuyện cho “có câu có cú”, tôi đã tiếp xúc thường xuyên với 4 thứ tiếng ấy và sử dụng chúng “không đến nỗi nào” - theo như nhận định của những người thân. Giờ đây, tuy đã có tuổi rồi nhưng tôi vẫn còn học. Tri thức là một cái gì đấy không bao giờ bạn thấy thỏa mãn. Ngôn ngữ cũng vậy, có những thứ tiếng, phải luyện hằng ngày như văn tự Trung Hoa chẳng hạn.

 

Giống như trong phim Alice ở vương quốc huyền ảo vậy, bạn phải “chạy” và “bơi” liên tục, nếu như muốn biết rõ mọi sự. Trước khi đi nằm tôi tập đặt câu hay đọc một vài đoạn văn Trung Quốc cổ...

 

Ngoài ra tôi cũng rành tiếng Suahili và tiếng Hausa. Ngôn ngữ Hausa phát xuất từ Đông Bắc Nigeria; còn ngôn ngữ Suahili là thứ tiếng phổ biến ở suốt mảng phía Đông của “Lục địa Đen” - đây là một trong 4 ngoại ngữ chính ở Phi châu, được xếp ngang với tiếng Pháp, tiếng Ả Rập và tiếng Anh.

 

Làm chủ các thứ tiếng, không cần phải là thiên tài  

Charles Berlits không chỉ là một nhà ngôn ngữ học sừng sỏ, biết tới 25 thứ tiếng khác nhau, ông còn viết nhiều cuốn sách bán rất chạy (best-seller), trong đó đáng kể nhất là cuốn khảo cứu công phu về “tam giác quỷ” Bermudas - bán được 12 triệu bản trong một tháng - đưa ra ánh sáng khoa học về các sự kiện huyễn hoặc thường được gán ghép cho cái vùng biển huyền bí này.

 

Ông là cháu nội của McSimilian Berlits, nhân vật nổi tiếng đã sáng lập trường ngôn ngữ đầu tiên ở Mỹ vào năm 1878, áp dụng phương pháp học “trực tuyến” - tiền thân của cách học ngoại ngữ tân tiến trong phòng cách âm bây giờ, với kết quả thật rực rỡ.

 

Thính giác, trí nhớ, khả năng văn phạm và hơn cả là tính chuyên sâu của bạn thâm nhập vào bản thân ngoại ngữ đó. Chẳng có người thầy nào tốt hơn là người có tiếng mẹ đẻ bằng chính ngoại ngữ ấy - tiếp xúc với bạn.

 

Ông tôi biết tới 58 thứ tiếng, quanh ông bao giờ cũng có 2 người ngoại quốc nào đó đang cùng mạn đàm. Bảy năm đầu đời tôi sống bên người thầy đa ngôn là ông tôi và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ông.

 

Từ 4 ngoại ngữ ban đầu, ông hướng dẫn tôi cách phát triển sang các ngoại ngữ khác. Khi bạn biết tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha rồi, rất dễ học thêm tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha. Còn nếu bạn đã rành tiếng Đức, là một thuận lợi lớn để học tiếng Hà Lan.

 

Hơn hai thập niên nay tôi tự học tiếng Trung Quốc qua người Hoa ở Mỹ, nhờ họ những vấn đề hóc búa trở nên đơn giản hơn nhiều.

 

Sau khi tốt nghiệp sử học và ngôn ngữ học ở Đại học Yale, tôi bắt đầu lãnh đạo các trường dạy ngoại ngữ trong hệ thống Berlits ở New York, Baltimor và Boston. Tôi đã soạn hơn 120 quyển sách giáo khoa, đồng thời chỉnh lý cho phù hợp với thời hiện đại những cuốn sách của ông tôi. Khi bạn bày cho ai một ngoại ngữ có nghĩa là bạn có dịp được ôn lại chúng nữa rồi.

 

Có những chương trình đặc biệt nhằm thâu tóm thật nhanh một ngoại ngữ, chỉ cần vài tháng thôi, nhưng phải sát thực tế. Tôi cũng học theo lối đó. Điều đáng tiếc là mọi người thường học theo những kiểu “khó vào”.

 

Tôi không tin rằng các giáo án ngày nay là hoàn hảo. Ta phì cười khi thấy người nước ngoài học tiếng Pháp: “Côman - tờ - alờ - vờ - u?” - “Anh khỏe không?”, trong khi dân Pháp chỉ nói tắt - đơn giản là “Xa va?”. Đúng là phi thực tế. Ngoại ngữ nào cũng có dạng thể hiện ngắn gọn, đúc kết qua thời gian.

 

Ngạn ngữ Tây Ban Nha có nói: “Khi Chúa muốn phạt quỷ, Người bắt nó phải học tiếng Basque suốt 7 năm liền”. Tôi không hẳn nhất trí như vậy. Các ngoại ngữ Soxa, Zulu hay một vài thứ tiếng địa phương Trung Hoa, nhiều khi có thể diễn đạt một nghĩa với... 9 cách khác nhau, quả là thật khó cho giới học viên Âu - Mỹ. Riêng tiếng Indonesia thì lại... quá dễ!

 

Tóm lại, ngoại ngữ nào cũng có thể học được cả, dù khó đến đâu đi nữa. Qua đó bạn sẽ thấy thế giới này lung linh hơn, bằng những thứ tiếng mà bạn vừa học được.

 

Theo Quang Long
Người Lao Động/Esperanto, Madrid