Học sinh bỏ học vì... ngại học!

Tính đến giữa tháng 10/2005, số học sinh THCS của huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà đã giảm sút hơn 400 em, riêng học sinh mới bỏ học trong vòng 1 tháng qua chiếm khoảng 50%.

Theo ông Đinh Gia Bảo - Trưởng phòng GDĐT huyện - thì đây là hiện tượng bất thường so với những năm học trước.

 

Trường THCS Nguyễn Huệ đứng chân tại xã Diên Phước, song địa bàn phục vụ mở rộng đến 5 xã của huyện Diên Khánh là Diên Đồng, Diên Tân, Diên Lâm, Diên Phước và Diên Thọ. Đời sống kinh tế khó khăn, mặt bằng dân trí thấp và đường đến trường quá xa (nơi xa nhất hơn 10 cây số); đó là những nguyên nhân kìm hãm sự nghiệp phát triển giáo dục.

 

Thầy giáo Nguyễn Văn Lan - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Số lượng học sinh bỏ học tính đến thời điểm này là 87 em. Tình trạng bỏ học diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, so với những năm trước thì hiện tại đã xuất hiện nguyên nhân khác lạ, khó khắc phục hơn nhiều".

 

Thầy hiệu trưởng trường phân tích thời gian gần đây, một bộ phận học sinh nông thôn có những biểu hiện tâm lý bất thường. Quỹ bạn nghèo của nhà trường luôn sẵn sàng tháo gỡ mọi khó khăn cho học sinh nghèo. Từ đầu năm đến nay, đã có 29 học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ được trợ cấp các khoản, kể cả xe đạp để đi học. Thực chất đa số học sinh bỏ học đều vì học yếu, không đủ khả năng theo sách mới cải cách nên càng học lên cao càng ngại... học!

 

Hiện tượng bỏ học đã và đang nóng lên ở Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh (thuộc 2 xã Diên Xuân và Diên Lâm). Trường mới xây rất khang trang, nhưng từ ngày khai giảng đến nay có đến 101 học sinh không đến lớp, trong đó phần lớn là học sinh mới tuyển vào lớp 6. Các thầy cô giáo giải thích rằng, đó là điều phải đến, bởi lẽ kỳ thi tốt nghiệp THCS năm học 2004-2005, trường Đinh Bộ Lĩnh chỉ có hơn 22% số học sinh thi đậu.

 

Chất lượng giáo dục lẽ ra phải báo động từ bậc tiểu học, song vì sợ ảnh hưởng đến "thành tích chung", năm học nào giáo viên chủ nhiệm cũng phải đảm bảo 100% lên lớp. Chuyển sang cấp THCS, nội dung chương trình và phương pháp truyền đạt thay đổi theo hướng nâng cao dần, học sinh không tiếp thu được nên bỏ học.

 

Phụ huynh em Lê Ngọc Triển - ở xã Diên Xuân - kể: "Đầu năm học gia đình  đã mua đầy đủ sách, vở... nhưng con tôi nhất định không chịu đến trường. Cháu bị lưu ban lớp 7, đi học vừa mắc cỡ, vừa  "đuối sức" nên đành bỏ giữa chừng".

 

Người viết bài này đã quan sát một buổi học của lớp 7B ở trường Đinh Bộ Lĩnh, số học sinh ghi trên bảng là 42 em song thực tế chỉ có 27 em lên lớp. Tìm hiểu kỹ thì được biết, hầu hết những em vắng mặt đều thuộc diện học lực yếu. Tâm lý chung của phụ huynh cũng như học sinh đều muốn tạm nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Bởi rằng, tỉnh Khánh Hoà đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phổ cập THCS (vào năm 2010), dù thế nào các em cũng sẽ có bằng tốt nghiệp THCS. Hơn nữa, học phổ cập nhẹ hơn nhiều, vì chương trình chỉ có 6 môn mà còn được "bao cấp" sách, vở.

 

Theo Hồng Chung

Lao Động