Mảnh bằng tiến sĩ là giấy tiến thân?

Hiện nay, <a href="http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/1/97342.vip"> Việt Nam có 1,4 vạn tiến sĩ </a>và 1,6 vạn thạc sĩ, cao gấp 5 lần Thái Lan và 6 lần Malaysia. Nhưng trình độ công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung, chúng ta còn thua họ đến vài chục năm.

Như vậy thì cái bằng Tiến sĩ (TS) và Thạc sĩ (ThS) của nước ta có phản ánh đúng chất lượng người học, có bao nhiêu phần trăm là người “học giả”?

 

Chính Bộ trưởng GD-ĐT đã đưa ra một con số rất khiêm tốn là 30% tiến sĩ có trình độ yếu. Con số này chắc còn rất xa sự thật nếu có một Hội đồng rà soát lại các luận án tiến sĩ, nhất là các luận án khoa học xã hội.

 

Về số liệu những bài được đăng trên các tạp chí chuyên ngành thế giới và bằng phát minh sáng chế của các tiến sĩ Việt Nam thì các báo đã nói là thua kém Thái Lan khoảng 20 lần.

 

Theo số liệu mới nhất của UBKH-CN&MT của Quốc hội, Việt Nam có đội ngũ 5 vạn người đang làm việc trực tiếp trong 1.102 cơ sở nghiên cứu nhưng nền công nghiệp của nước ta “chưa tự làm nổi chiếc đinh vít cho ra đinh vít”.

 

Đây là chuyện thật 100%, Cty Canon Việt Nam không thể tìm một xí nghiệp nào ở Việt Nam để đặt đinh vít đạt chuẩn ISO.

 

Sở dĩ có tình trạng nhiều TS đến như vậy mà đất nước thì vẫn lạc hậu như thế này là do người ta đã coi cái bằng TS như một cái giấy thông hành để dễ “thăng quan tiến chức”. Và chức đẻ ra quyền, quyền đẻ ra tiền, đó là cái đích cuối cùng của khá nhiều luận án TS của những “học giả”, những “TS giấy”. Một số ít quan ở các thành phố đã tốt nghiệp ĐH rồi thì cần cái bằng thạc sĩ và tiến sĩ để tỏ ra “trí thức”, dễ thăng tiến.

 

Trong báo cáo thẩm tra của ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Trần Thị Tâm Đan - Chủ nhiệm UB đã xác nhận:

 

“Khi có chủ trương tiêu chuẩn hoá cán bộ, công chức, đã dấy lên một phong trào học tập… Nhưng rất đáng tiếc, có một bộ phận người lớn đi học với động cơ không đúng đắn, không học tập nghiêm túc, chỉ cần có một tấm bằng mà không quan tâm đến kiến thức. Vì vậy tình hình học giả bằng thật, hiện tượng sao chép luận văn thạc sĩ, tiến sĩ xảy ra không phải ít”.

 

“Trong lịch sử GD nước nhà, chưa bao giờ các dịch vụ làm luận văn, luận án lại được quảng cáo xung quanh các trường đại học như hiện nay...” .

 

Bộ GD-ĐT công bố con số 220 thí sinh bị đình chỉ trong các kì thi cao học vừa qua chỉ là bề nổi của một sự gian dối đã thấm sâu trong người lớn mấy chục năm nay. Đầu vào của thạc sĩ thi như vậy mà đầu ra thì theo Bộ GD-ĐT, luận văn thạc sĩ của một số cơ sở đạt loại xuất sắc đến 90%!

 

Thí sinh chỉ cần “năng đến nhà thầy” thì nhận được điểm như ý muốn. Chủ đề quá đơn giản, chung chung, chất lượng “ảo”, bảo vệ xong chỉ xếp xó. Các hội đồng chấm luận văn phổ biến cho điểm cao để cùng vui vẻ.

 

Theo con số của Bộ GD-ĐT thì mỗi năm có hàng ngàn thạc sĩ được cấp bằng: Năm 1998 có 5.388 người, năm 2001 là 6.500 người, năm 2003 là11.500 người (lấy số chẵn), năm 2002, trường ĐH Bách khoa HN cấp bằng cho khoảng 600 thạc sĩ, trường ĐH Sư phạm HN cấp 450 bằng.

 

Một TS trường ĐHNN HN “rất đỗi tự hào” trong 7 năm đã đào tạo được 306 thạc sĩ, trong đó có 91% loại giỏi và xuất sắc (báo KH&ĐS 11/2004). Chính vì vậy nên các dịch vụ làm luận văn, luận án lại được quảng cáo rầm rộ xung quanh các trường ĐH như hiện nay, và giá trị khoa học của những luận văn, luận án chỉ gần là con số không.

 

Còn về cái bằng tiến sĩ, cũng không phải không có tình trạng gian dối trong thi nghiên cứu sinh, báo chí gần đây đã nêu lên ở Viện KHKT nông nghiệp là một ví dụ.

 

Sự gian dối phổ biến trong chất lượng các luận án. Rất nhiều luận án TS không có giá trị thực tiễn, nhiều luận án khoa học xã hội như lịch sử hay triết sao chép, xào nấu các luận án, sách vở khác, minh họa cho một chủ trương vô bổ.

 

Thậm chí không ít trường hợp “ăn cắp đề tài nên chất lượng rất thấp” (theo PGS TS Vũ Như Khôi, Viện nghiên cứu quân sự Bộ Quốc phòng). Chính vì vậy nên rất nhiều luận án đã “chùm chăn, đắp chiếu” trong kho lưu trữ ở thư viện, khả năng ứng dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay!

 

Trong một bài trả lời báo chí, GS Hoàng Tụy đã nhận định: “Trên thế giới, không ở đâu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ nhanh, nhiều, rẻ và ẩu như ở nước ta”.

 

Ấy thế mà trong chiến lược phát triển GD đến năm 2010, Bộ GD-ĐT đề ra phải đào tạo được 19.000 TS, tính ra mỗi năm gần 4.000 TS. Chỉ tiêu đó bổ cho các trường, trường nào thực hiện được chỉ tiêu là có thành tích. Học vị TS đâu có thể đề ra chỉ tiêu số lượng như sản xuất bao nhiêu cái đồ chơi cho trẻ con…

 

Số lượng TS đào tạo phụ thuộc vào số lượng sinh viên xuất sắc, có tư duy sáng tạo, biết nghiên cứu và tìm ra những vấn đề cần giải quyết của thực tiễn phát triển khoa học kĩ thuật, dưới sự hướng dẫn của những người thầy tài giỏi.

 

Trong khi đội ngũ chất lượng người dạy ở ĐH nước ta như hiện nay vừa yếu, vừa thiếu, còn thua kém nhiều trường ĐH trong khu vực thì việc đào tạo số lượng TS nhiều như vậy chỉ dẫn đến nhiều “học giả” có danh mà không có thực thôi.

 

Nguyễn Thế Long

(Viện Nghiên cứu và Phổ biến tri thức bách khoa Việt Nam)

 Theo Tiền Phong

Dòng sự kiện: Đào tạo tiến sĩ