Năm học mới, tiếp tục giảm áp lực bậc tiểu học

Sau một năm thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT với những quy định mới về đánh giá học sinh bậc tiểu học, nhiều bậc phụ huynh vẫn băn khoăn về hiệu quả của cách làm này. Bước vào năm học mới 2015-2016, Hà Nội khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hướng đi này ở bậc tiểu học, đồng thời với việc khắc phục khó khăn, tồn tại từ năm học trước.

Năm học mới, tiếp tục giảm áp lực bậc tiểu học - 1

Học sinh tiểu học sẽ tiếp tục được giảm tải khi không chấm điểm và không thi tuyển

Giảm sổ sách để giáo viên tập trung vào chuyên môn

Cách đây 1 năm, Bộ GD-ĐT đã đưa ra cách đánh giá mới, đó là nhận xét thay vì cho điểm qua các bài kiểm tra. Về cách thức đánh giá này, ông Nguyễn Chí Dũng - Trưởng phòng tiểu học của Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ, theo Thông tư 30, Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện việc đánh giá bằng nhận xét trên cơ sở của giáo viên và cả phụ huynh, học sinh, cuối kỳ vẫn có đánh giá bằng điểm để làm căn cứ cho nhận xét của giáo viên. Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, việc triển khai Thông thư 30 là một phương pháp tốt, hiệu quả, cách đánh giá mới này nhiều người chưa nhận thức đầy đủ nhưng năm học vừa qua, chất lượng của học sinh Hà Nội đã được nâng lên toàn diện.

Tuy nhiên, qua 1 năm thực hiện Thông tư 30, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận một số hạn chế ở thành phố và vùng, đó là lớp có sĩ số nhiều hơn quy định, giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là giáo viên chuyên biệt sẽ vất vả hơn trong việc đánh giá. Khó khăn lớn nhất là công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá. Mặc dù vậy, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, cả nước cần tập trung tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Không tổ chức thi học sinh giỏi bậc tiểu học 

Chỉ thị năm học mới của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận với bậc tiểu học là không tổ chức thi học sinh giỏi, không giao chỉ tiêu học sinh tham gia các cuộc thi khác. Quy định này nhằm hạn chế áp lực, tiêu cực và phát sinh bệnh thành tích từ các cuộc thi dành cho học sinh tiểu học. Thực tế, Hà Nội đã thực hiện giảm tải cho học sinh tiểu học ngay từ đợt tuyển sinh đầu cấp cho năm học mới 2015-2016 khi kiên quyết không tổ chức thi tuyển với học sinh lớp 6.

Theo ông Ngô Văn Chất, vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện tổ chức theo hình thức xét tuyển, không thi tuyển. Kết quả của phương thức xét tuyển đã giúp các nhà trường chọn được những học sinh theo tiêu chí đặt ra. Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Cầu Giấy cho hay, việc xét tuyển có ưu điểm giúp học sinh lớp 5 giảm được áp lực, nhất là việc học thêm và không có cuộc “chạy đua” thi vào lớp 6 như các năm học trước.

Đồng thời, xét tuyển có thể đánh giá học sinh một cách toàn diện hơn bởi thay vì dựa vào một bài kiểm tra thì nhà trường có thể dựa vào thành tích học tập qua học bạ và thành tích đạt được trong 5 năm học của học sinh. Tuy nhiên, để công tác xét tuyển đạt hiệu quả, bà Kim Anh cho rằng, rất cần sự công bằng, đánh giá chính xác ở các trường tiểu học để đảm bảo công bằng.

Bên cạnh đó, với việc cộng điểm thưởng cho học sinh đoạt giải các cuộc thi do các đơn vị ngoài ngành giáo dục tổ chức khi xét tuyển vào lớp 6, nhiều phụ huynh và lãnh đạo các trường học vẫn lo ngại về khả năng bùng nổ các kỳ thi không chuyên ở bậc tiểu học. Ngoài các cuộc thi như Olympic tiếng Anh, Olympic Toán qua mạng hàng năm… sẽ lại xuất hiện không ít các cuộc thi khác tương tự để lợi dụng sự kỳ vọng của phụ huynh cho con dự thi để giành điểm thưởng xét tuyển lớp 6. Điều này nếu xảy ra, sẽ đi ngược với những nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong việc giảm tải, tránh áp lực với học sinh tiểu học.

Theo An ninh Thủ đô