Những “bí mật” được vén trước và sau lễ khai giảng ở ĐH Stanford danh tiếng

(Dân trí) - Ngày khai giảng, các sinh viên Stanford (và cả cha mẹ) tập trung ở Main Quad, trước nhà thờ lớn Memorial Church trong một ngày đầy nắng ở California. Năm học mới ở Việt Nam được bắt đầu bằng tiếng trống trường, còn ở đây, năm học mới được bắt đầu bằng một lời cầu nguyện.

Phạm Minh Hiếu (sinh năm 1996), chàng trai Việt hiện là sinh viên ngành Human Computer Interaction (Tương tác giữa người và máy tính), Đại học Stanford, Mỹ – ngôi trường đứng đầu danh sách 10 trường ĐH đáng mơ ước nhất thế giới năm 2015 (theo Princeton Review, dựa trên sự bình chọn của cả phụ huynh và học sinh) chia sẻ về những điều thú vị, “bí ẩn” mà tân sinh viên sẽ được trải nghiệm trước và ngay sau buổi lễ khai giảng năm học mới ở ngôi trường danh giá này:


Phạm Minh Hiếu (trái) - tác giả bài viết hiện là sinh viên ĐH Stanford, Hoa Kỳ.

Phạm Minh Hiếu (trái) - tác giả bài viết hiện là sinh viên ĐH Stanford, Hoa Kỳ.

Bạn cùng phòng bí ẩn…

“Hầu hết các trường đại học ở Mỹ đều có một tuần đầu tiên gọi là “Tuần định hướng” (Orientation Week) để giới thiệu cho tân sinh viên về cuộc sống và môi trường học tập ở trường đại học đó, cũng như giúp họ bước đầu làm quen với cuộc sống tự lập.

Lễ khai giảng cũng chỉ là một sự kiện trong chuỗi các sự kiện khác (bao gồm giới thiệu về trường: các bộ môn, các truyền thống; gặp mặt các cố vấn học thuật của mình; đến nhà thầy chủ tịch; học thử trong các lớp học đặc biệt...).

Stanford cũng không phải là ngoại lệ, tuy nhiên, có một điều đặc biệt hơn các trường đại học khác là các tân sinh viên đều không biết bạn cùng phòng của mình là ai (ở hầu hết các trường khác, tân sinh viên đều biết bạn cùng phòng của mình từ đầu hè và trở nên thân quen với nhau từ rất lâu).

Hai người lần đầu tiên gặp nhau khi cùng dọn vào kí túc xá trong ngày đầu tiên này (gọi là Move In Day). Ai cũng rất háo hức để chia sẻ “Letter to Roommate” mà họ đã viết từ mấy tháng trước cho người bạn cùng phòng bí ẩn (Stanford có truyền thống yêu cầu 3 bài luận chính trong hồ sơ tuyển sinh, “Letter to Roommate” là 1 trong 3 bài đó - 2 bài còn lại là “Intellectual Experience" và “What matters and Why?”).


Toàn cảnh lễ khai giảng ở Stanford, đằng sau là nhà thờ lớn của trường.

Toàn cảnh lễ khai giảng ở Stanford, đằng sau là nhà thờ lớn của trường.

Những “bí mật” được vén trước và sau lễ khai giảng ở ĐH Stanford danh tiếng - 3

Xúc động khoảnh khắc lời cầu nguyện vang lên

Lễ khai giảng diễn ra vào buổi chiều ngày hôm đó, vô cùng trang trọng nhưng cũng rất ngắn gọn - như lời nói của thầy chủ tịch trường - chỉ “đơn giản là sự kiện để đánh dấu sự tập trung của một nhóm người đến từ khắp nơi trên toàn thế giới tại ngôi trường này”.

Các sinh viên (và cả cha mẹ) tập trung ở Main Quad (Quảng trường trung tâm của trường), trước nhà thờ lớn Memorial Church trong một ngày đầy nắng ở California. Nghi lễ khai giảng cũng trang nghiêm như ở Việt Nam.

Có một điểm khác biệt là năm học mới ở Việt Nam được bắt đầu bằng tiếng trống trường, còn ở đây, năm học mới được bắt đầu bằng một lời cầu nguyện. Đến bây giờ mình vẫn rất xúc động khi nhớ về khoảnh khắc lời cầu nguyện (của các thầy cô) vang lên. “We invoke a blessing upon us...” - lời cầu nguyện ấy đến từ “...Source of all light - Eternal Spirits...”.

Đối với mình, ánh sáng ấy chính là ánh sáng của tri thức và lời cầu nguyện ấy vô cùng thiêng liêng, nó không phải là của riêng một thần thánh hay tôn giáo nào mà nó đến từ tôn giáo của tri thức, tôn giáo mà tất cả các bạn sinh viên đang cùng theo đuổi.

Lời cầu nguyện sẽ ban phước cho mỗi sinh viên, soi sáng con đường học vấn của họ, để họ tìm được niềm vui trong sự khám phá tri thức, để họ tìm được tình bạn đáng quý, và cùng nhau họ sẽ trở thành một cộng đồng gắn bó để phát triển xã hội.


Không khí tưng bừng khi ban nhạc chào đón các tân sinh viên trong ngày đầu tiên đến trường.

Không khí tưng bừng khi ban nhạc chào đón các tân sinh viên trong ngày đầu tiên đến trường.

Sau những bài phát biểu giới thiệu về tầm nhìn cũng như trách nhiệm của Stanford ở lễ khai giảng của thầy trưởng ban tuyển sinh, thầy chủ nhiệm bậc đại học, mình càng cảm thấy Stanford thực sự là nơi phù hợp với mình và điều đó làm mình cố gắng hơn nữa trong quá trình học tập ở đây.

Kết thúc lễ khai giảng, các sinh viên trở về kí túc xá của mình và tiếp tục làm quen với các bạn. Còn một truyền thống nữa cũng diễn ra vào ngày hôm ấy nhưng mình sẽ không kể, vì để giữ bí mật với các tân sinh viên của Stanford năm nay.

Chỉ biết rằng nếu buổi chiều, lễ khai giảng ở Stanford diễn ra trong không khí trang nghiêm mang tính chất học thuật, là cách các thầy cô đón chào tân sinh viên thì buổi tối sẽ là một truyền thống vô cùng sống động, là sự chào đón của các anh chị khoá trên (bật mí: có sự tham gia của ban nhạc của trường, Stanford Band).

Mong rằng trong những năm tiếp theo sẽ có thêm thật nhiều sinh viên Việt Nam theo học ở đây và khám phá truyền thống thú vị này”.


Một thành viên trong ban nhạc của trường.

Một thành viên trong ban nhạc của trường.

Phạm Minh Hiếu

(SV ngành Human Computer Interaction, Đại học Stanford, Mỹ)