Phút đối thoại đáng nhớ của GS Nguyễn Thiện Nhân với học sinh trường chuyên

(Dân trí) - “Học sinh trường THPT chuyên giỏi nhưng phải sáng tạo. Người ta học ít sáng tạo ít, còn học sinh trường chuyên học nhiều phải sáng tạo nhiều” - GS Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ tới học sinh Trường THPT chuyên Bắc Giang.

Sáng 5/9, GS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có cuộc trò chuyện “hút hồn” với thầy trò Trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Với lối dẫn dắt hóm hỉnh, GS Nhân đã có một “bài giảng” dễ hiểu và mang lại nhiều cảm xúc.

anh3-05092015-1441441613109

GS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trò chuyện với học sinh Trường THPT chuyên Bắc Giang.

Khởi đầu cuộc trò chuyện của mình bằng việc hỏi có học sinh nào học tiếng Trung, tiếng Pháp hay không, GS Nguyễn Thiện Nhân đã tạo ra sự háo hức đối với học trò bằng việc ông thể hiện lời chào bằng hai ngôn ngữ này. Khởi đầu bằng một câu chuyện những đích đến của ông lại bao hàm một ý nghĩa sâu sắc.

“Đến trường chuyên mà không chỉ thấy Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa mà còn thấy có cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung là quý lắm. Chúng ta là một quốc gia hội nhập, vì thế các em vừa phải có đạo đức tốt, chuyên môn tốt và ngoại ngữ cũng phải tốt. Chúc mừng nhà trường đã giữ được 3 bộ ngoại ngữ này và sau này có điều kiện thì mở rộng thêm sang các ngoại ngữ khác” – GS Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

GS Nguyễn Thiện Nhân nói chuyện với học sinh THPT chuyên Bắc Giang.

 

Phút đối thoại thú vị với câu hỏi: “Học để làm gì?”

Đặt ra một câu hỏi không khó và sát sườn với học sinh đó là: Học để làm gì? GS Nguyễn Thiện Nhân đã một cuộc đối thoại khá thú vị với em Trần Thị Thảo - học sinh lớp 12 Sử - Địa.

Sau khi nhận được câu trả lời “học để làm người” của học sinh Thảo, GS Nguyễn Thiện Nhân dẫn dắt: Con người có rất nhiều giai đoạn. Lúc bé là học sinh, lớn hơn là đi làm và sau đó lấy vợ, gả chồng. Lớn hơn nữa trở thành ông, bà. Vậy học để làm người, có nghĩa làm gì?

Không chịu “khuất phục” với câu hỏi của GS Nhân, học sinh Thảo trả lời dứt khoát: Học để trở thành một con người tốt, một con người có ích cho xã hội, một con người có hiếu với gia đình, thầy cô… Tiếp tục “truy” cô “học trò” của mình, GS Nhân đặt câu hỏi: "Vậy học xong để làm gì?" - “Dạ, học xong để cống hiến ạ” - Trần Thị Thảo trả lời nhanh.

GS Nguyễn Thiện Nhân đối thoại với học sinh Trần Thị Thảo về câu hỏi: Học để làm gì?
GS Nguyễn Thiện Nhân đối thoại với học sinh Trần Thị Thảo về câu hỏi: Học để làm gì?

Thông qua cuộc trò chuyện, GS Nguyễn Thiện Nhân khái quát: Học để trở thành một công dân tốt, học để làm người con hiếu thảo.

Ông cũng “hóm hỉnh” khi thẳng thắn cho rằng cô học trò trường chuyên chưa trả lời được hết ý bởi có thể em chưa nghĩ đến đó là học để trở thành cha, mẹ giỏi.

GS Nguyễn Thiện Nhân lý giải: Sau này chúng ta phải có vợ, có chồng phải sinh con, biết nuôi dạy con từ lúc nhỏ. Con khỏe, con ngoan và lớn lên để trở thành công dân tốt.

Chính vì thế ông vui vẻ đề nghị: Đối với lớp 12, nhà trường cần phải dạy để các em trở thành bố, mẹ giỏi để sau này chọn vợ, chọn chồng cho nó đúng.

Sự hóm hỉnh của GS Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được lời hưởng ứng nhiệt tình thể hiện qua những nụ cười vui vẻ của gần 1.000 học sinh trường THPT chuyên Bắc Giang.

GS Nguyễn Thiện Nhân đối thoại với HS Trần Thị Thảo về câu hỏi: Học để làm gì?

 

"Học sinh trường chuyên học nhiều phải sáng tạo nhiều"

Thông qua hai câu chuyện vui đó là người dân tộc của tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, sáng tạo để cho quả cây vải thiều mọc ở thân cây để có nhiều quả hơn, chất lượng ngon hơn và việc người nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long nuôi cá tra với năng suất “khủng”, GS Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ: Học sinh trường THPT chuyên giỏi nhưng phải sáng tạo. Người ta học ít sáng tạo ít, còn học sinh trường chuyên học nhiều phải sáng tạo nhiều.

GS Nguyễn Thiện Nhân: "Học sinh trường chuyên phải sáng tạo".

 

Món quà đầy ý nghĩa

Tại buổi Lễ khai giảng, GS Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: Cô Hiệu trưởng cho biết nhà trường đã rất nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh ở đây. Có học sinh của 10 huyện, thành phố Bắc Giang học ở đây, điều này rất đáng trân trọng. Các em ở xa thì ở ký túc xá nhưng hiện số chỗ ở còn hạn hẹp.

Ông đặt ra vấn đề với học sinh toàn trường: Vậy chúng ta có nên xây dựng một ký túc xá mới để đủ chỗ ở cho học trò không? Lời gợi ý của GS Nhân khiến cả sân trường hết sức phấn khởi.

“Tôi có trao đổi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, xây ký túc xá 600 chỗ ở thì hết khoảng 30 tỷ đồng. Tôi nói Tỉnh lo 15 tỷ còn tôi sẽ lo 15 tỷ. Tôi thì chả có tiền lương mấy nên sẽ đi vận động doanh nghiệp để trong năm học này chúng ta phải khởi công xây dựng ký túc xá mới” - GS Nguyễn Thiện Nhân tặng món quà đầy ý nghĩa đối với thầy và trò trường THPT chuyên Bắc Giang.

Món quà ý nghĩa đầu năm học mới của GS Nguyễn Thiện Nhân.

 

Và lời đề nghị chân thành

Trò chuyện với học sinh, GS Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: Ở Bắc Giang có một người nói một câu nổi tiếng “Nhân tài là nguyên khí Quốc gia”, đó là cụ Thân Nhân Trung. Đây là con người tiêu biểu của đất nước trong việc khuyến khích dạy và học, bồi dưỡng nhân tài. Vậy trường chuyên chúng ta có nên mang tên là trường chuyên Thân Nhân Trung hay không?

Lời đề nghị đặt tên mới cho tên trường THPT chuyên Bắc Giang.

 

Sau khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía học trò, GS Nguyễn Thiện Nhân tâm tư: “Nếu chúng ta có thể bàn bạc, báo cáo với Hội đồng Nhân dân mà để cho trường được mang tên trường chuyên Thân Nhân Trung thì đó chính là khẳng định niềm tự hào của chúng ta đối với người con tiêu biểu của Bắc Giang, khẳng định đánh giá của đất nước chúng ta với sự cống hiến của cụ. Mỗi lần một người ở ngoài Bắc Giang đọc đến cái tên trường THPT chuyên Thân Nhân Trung thì sẽ nhớ về người con tiêu biểu của Bắc Giang”.

Nguyễn Hùng (lược ghi)

(Email hungns@dantri.com.vn)