Thầy giáo người Mỹ “bước ra từ truyện cổ tích”

“Như bước ra từ truyện cổ tích, thầy Hans Anderson đến từ Mỹ mang vẻ lãng tử hiền khô, say mê tìm hiểu và khám phá về đất nước Việt Nam, am hiểu Tiếng Việt một cách thú vị luôn khiến cho học trò có cảm giác như một người anh lớn.”

Đi ngược lại xu hướng đặt “nick name Tây” của nhiều người Việt, các bạn sinh viên Chương trình Cử nhân Top-up (trường Đại học FPT) lại nghĩ ra những “nick name Ta” cho các thầy cô giáo quốc tế của mình. Và thầy Hans đã được gắn với biệt danh là Cổ tích, vì tên gọi của thầy rất dễ khiến nhiều người liên tưởng tới nhà văn Đan Mạch viết truyện cổ tích nổi tiếng Andersen.  

Nói Tiếng Việt sõi như người người Việt chính gốc

Thầy Hans đã dành được rất nhiều tình cảm của sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên Quốc tế của Chương trình Cử nhân Top-up, và một trong những ấn tượng của các bạn  đối với thầy đó chính là khả năng nói Tiếng Việt thuần thục. Chủ đề này còn được rất nhiều bạn bàn tán xôn xao trên diễn đàn của trường Đại học FPT: Ngay hôm đầu vào lớp, thầy đã nói rất sõi bằng Tiếng Việt với cả lớp là “Nhà trường bảo thuê giáo viên nước ngoài mà dạy bằng Tiếng Việt thì phí tiền quá”. Thế là trong tất cả các giờ học của mình, các bạn sinh viên Chương trình Cử nhân Top-up đều phải tự rèn luyện và được rèn luyện khả năng Tiếng Anh của mình thông qua việc giao tiếp với thầy Hans.

Bật mí “bí kíp” học Tiếng Việt của mình, thầy Hans chia sẻ: “Ngồi uống nước, nói chuyện ở các quán trà đá vỉa hè, “buôn dưa lê” cùng các chú bảo vệ của trường chính là cách giúp tôi cảm nhận thật nhất về Tiếng Việt cũng như học được Tiếng Việt nhanh nhất”.

Thầy giáo người Mỹ “bước ra từ truyện cổ tích”
Thầy Hans (ngoài cùng bên trái) hòa đồng thân thiện đàn hát cùng các bạn sinh viên.

Trong một chương trình giao lưu với các học sinh THPT, một bạn học sinh trường THPT Hàn Thuyên hứng thú chia sẻ: “Em rất ấn tượng về phần trình diễn hết sức chuyên nghiệp và nghệ sĩ của thầy Hans. Mặc dù là người Mỹ nhưng thầy lại nói Tiếng Việt rất giỏi. Thầy thân thiện, vui tính, hát hay và đặc biệt là không từ chối lời mời chụp ảnh cùng của bất cứ bạn nào”.

Dừng chân tại Việt Nam do… hết xăng

Khi một người nước ngoài quyết định sống và gắn bó với Việt Nam chắc chắn sẽ có rất nhiều người tò mò “vì sao họ lại chọn sống ở Việt Nam mà không phải bất kì một quốc gia nào khác?”. Có lẽ thầy Hans đã làm cho khá nhiều người phải thất vọng mỗi khi đặt câu hỏi “vì sao thầy lại chọn Việt Nam”, bởi họ sẽ không được nghe những lý do “ca tụng” như Việt Nam là một đất nước đẹp, con người Việt Nam thân thiện… Thay vào đó, thầy Hans lại chia sẻ một cách hoàn toàn chân thực “Tôi thường không có khái niệm lựa chọn bất cứ điều gì mà quan niệm rằng tất cả đều do Duyên. Và chính chữ Duyên đã đưa tôi đến với Việt Nam cũng như khiến tôi giảng dạy tại Chương trình Cử nhân Top-up. Trước khi đến Việt Nam, tôi đã từng đi du lịch và làm việc tại rất nhiều nước, và đơn giản dừng lại ở Việt Nam đó là … do hết xăng”.

Ngoài khả năng nói Tiếng Việt siêu “đỉnh” của mình, thầy Hans còn khiến nhiều người ngạc nhiên khi biết thầy là người theo đạo Phật, là người ăn chay, đều đặn đi tập Thái cực quyền và thường xuyên lên chùa để nghe các sư thầy giảng giải Phật pháp.

“Thầy Hans rất hay đấy!”

“Dạy tất cả những môn mà các giáo viên khác không dạy”, thầy Hans luôn có những phương pháp rất thú vị để các học trò của mình hiểu và tiếp thu bài học một cách thoải mái nhất. Không chỉ đơn thuần là những lý thuyết khô cứng trình bày trên slide, thầy Hans còn “chịu khó” tìm kiếm các clip trên Youtube và thậm chí là còn đưa cả truyện “Doraemon chế” vào những bài giảng của mình. Chính phương pháp này đã khiến tất cả những bạn sinh viên được học thầy Hans đều mong chờ, háo hức mỗi khi đến tiết dạy của thầy.

Thầy giáo người Mỹ “bước ra từ truyện cổ tích”
Thầy Hans (bên phải) và một bạn sinh viên quốc tế của Chương trình Cử nhân Top-up trong một giờ học.

Một bạn sinh viên trên diễn đàn của Đại học FPT chia sẻ: “Một điểm nữa tớ rất ấn tượng về thầy Hans là sự nhiệt tình của thầy. Mỗi khi tớ có vấn đề muốn hỏi, thầy luôn luôn sẵn sàng và vui lòng trả lời tớ. Thầy bảo tớ có gì cứ xuống phòng thầy để gặp, có hôm tớ xuống mà không báo trước nên không gặp được thầy, thầy nghe điện thoại của tớ và nói “I’m sorry.” Hồi học phổ thông, nếu cần tìm thầy cô giáo về vấn đề gì đó mà không gặp được, thì các thầy cô cũng thường chỉ nói “Hôm nay tôi bận rồi. Để hôm khác em nhé,” chứ rất ít người nói “Tôi xin lỗi.” - mà thậm chí là tớ xuống mà không hề báo trước cho thầy nhé. Có thể đây là một sự khác biệt trong văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng chỉ một câu nói đó thôi mà tớ cảm thấy khoảng cách giữa thầy và trò trở nên ngắn hơn rất nhiều mà tớ vẫn cảm thấy rất, rất nể thầy.”

Đã sống ở Việt Nam và giảng dạy tại Đại học FPT nói chung và Chương trình Cử nhân Top-up nói riêng được hơn 4 năm, thầy Hans đã dành được rất nhiều cảm tình của các bạn sinh viên: “Nếu bạn hỏi bất kỳ ai đã từng được học thầy, thì chắc chắn họ sẽ nói với bạn rằng: Thầy Hans rất hay đấy!”. Có lẽ, đối với những người giáo viên thì đây chính là những món quà giá trị nhất.